Hàng trăm tàu của ngư dân Ninh Thuận nằm bờ

NDO -

Mặc dù ngư trường hiện đang có cá nổi xuất hiện nhiều, nhưng do giá nhiên liệu tăng cao, chi phí cho mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ tăng lên gần gấp đôi, nên ngư dân tỉnh Ninh Thuận ngại vươn khơi. Toàn tỉnh có hơn 20% tàu có công suất lớn phải nằm bờ. Riêng cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có hơn 50% tàu công suất lớn dừng vươn khơi…

Giá nhiên liệu tăng cao, nhiều tàu cá có công suất lớn của ngư dân Ninh Thuận phải nằm bờ những tháng qua.
Giá nhiên liệu tăng cao, nhiều tàu cá có công suất lớn của ngư dân Ninh Thuận phải nằm bờ những tháng qua.

Nhiều ngư dân cho biết, thời điểm này đang vào vụ cá nam nhưng hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, hải sản tại cảng cá Đông Hải không còn nhộn nhịp như mọi năm. Giá nhiên liệu tăng khiến chi phí chuyến biển đội lên nhiều, ngư dân đành phải để tàu nằm bờ vì sau mỗi chuyến đi khai thác sẽ cầm chắc phần lỗ. Chưa bao giờ ngư dân muốn ra khơi nhưng trực diện với khó khăn như lúc này.

Anh Trần Công Thắng ở phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, chia sẻ: “Tôi có 4 tàu công suất lớn thường xuyên vươn khơi. Mấy tháng nay giá nhiên liệu tăng cao khiến nhiều chuyến ra khơi đánh bắt hải sản dài ngày không có lãi, nên đành để 2 tàu cá mang số hiệu NT02061 và NT91250 có tổng công suất gần 1.700 CV nằm bờ; 2 tàu còn lại hoạt động cầm chừng”.

Chiếc tàu cá mang số hiệu NT02061 của anh Thắng được đóng mới khi thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, nếu vươn khơi thời điểm này phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đổ đầy thùng nhiên liệu là 30.000 lít dầu. Với chi phí cao như vậy, nhiều chủ tàu khác cũng ngậm ngùi thả neo phơi tàu chứ không dám đánh cược với biển cả.

Nhiều ngư dân nơi đây cho biết, trước đây giá dầu DO thấp, mỗi chuyến vươn khơi dài ngày (21 ngày/chuyến) của mỗi tàu cá dưới 500CV, chi phí khoảng 150 triệu đồng nhiên liệu; hiện, giá nhiên liệu tăng hơn 30.000 đồng/lít, mỗi chuyến ra khơi đội chi phí lên từ 300-350 triệu đồng. 

Anh Nguyễn Tâm, một ngư dân ở Ninh Thuận có thâm niên hơn 35 năm bám biển, ngao ngán nói: “Chiếc tàu cá công suất 200CV của tôi vừa cập cảng ngày 27/6, khai thác hơn 500kg cá chù, bán với giá 20.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, lỗ gần 20 triệu đồng. Ở nhà thì không phát triển kinh tế mà vươn khơi lại đối mặt với thua lỗ, trong khi nguồn lợi hải sản ngày càng khan hiếm và giá bán hải sản bấp bênh, ngư dân rất khó khăn”. 

Ngư dân Võ Ngọc Anh ở phường Mỹ Đông, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, chủ tàu cá mang số hiệu NT91198, tâm sự: “Nhiều tháng qua, tôi cố gắng gượng cho tàu vươn khơi để giữ chân bạn thuyền. Chuyến biển cuối tháng 6 may mắn khai thác được 20 tấn cá các loại. Nếu trước đây sẽ bán được hơn 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng lãi hơn 100 triệu; nay do giá nhiêu liệu tăng cao, giá bán cá lại thấp, nên coi như hòa vốn, giữ chân bạn thuyền thêm ít thời gian, chứ không biết làm gì hơn”. 

Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Kim Long cho biết, toàn tỉnh hiện có 2.260 phương tiện tàu thuyền (chiều dài từ 6m trở lên), tập trung khai thác hải sản và neo đậu ở các cảng cá trong tỉnh như: Cà Ná, huyện Thuận Nam; Ninh Chử, huyện Ninh Hải và cảng Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân cũng như hoạt động chung của các cảng cá trên địa bàn tỉnh. 

Trước bối cảnh bất lợi này, ngư dân rất mong được nhà nước quan tâm bằng cách tạo điều kiện hỗ trợ lãi suất ngân hàng hoặc hỗ trợ thêm về chi phí nhiên liệu… để ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.