Hải Dương phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại, quy mô kinh tế lớn

LTS-Ngày 25/3/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hải Dương phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại, quy mô kinh tế lớn. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương về nhiệm vụ này.

Xưởng sản xuất gốm mỹ nghệ tại Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, huyện Nam Sách (Hải Dương). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Xưởng sản xuất gốm mỹ nghệ tại Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, huyện Nam Sách (Hải Dương). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hải Dương phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại, quy mô kinh tế lớn. Đồng chí có thể cho biết các mục tiêu, nội dung  cơ bản đang được tỉnh triển khai, khởi động?

Hải Dương phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại, quy mô kinh tế lớn -0
 

Đồng chí Phạm Xuân Thăng: Ngày 25/3/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 442/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu xây dựng Quy hoạch tỉnh Hải Dương nhằm phát huy cao nhất các tiềm năng riêng có, thế mạnh khác biệt và nổi trội để phát triển Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, hướng tới trực thuộc Trung ương, có quy mô kinh tế lớn, cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đảm nhiệm vai trò là đầu mối giao lưu kinh tế-xã hội giữa vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước; có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao; công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được bảo đảm; quốc phòng-an ninh được giữ vững.

Với yêu cầu đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TU; thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh xây dựng quy hoạch tỉnh; chỉ đạo yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tập trung chỉ đạo với tinh thần quyết liệt và năm rõ (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và rõ trách nhiệm), phối hợp chặt chẽ với các huyện trong xây dựng quy hoạch; dành thời gian ưu tiên nghe về công tác quy hoạch; tăng cường đi thực tế chỉ đạo xây dựng quy hoạch. Theo đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp triển khai lập 22 nhiệm vụ và 38 nội dung đề xuất, tích hợp theo nhiệm vụ quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Mỗi cơ quan, địa phương phân công cán bộ có chuyên môn, có tâm, có tầm để lập quy hoạch và phải phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mình.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương tập trung, đẩy nhanh tiến độ công tác lập, điều chỉnh quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Công tác lập quy hoạch cũng không vì chạy theo tiến độ mà không bảo đảm chất lượng; phải bảo đảm yêu cầu, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển từng giai đoạn và có tính khả thi, trong đó trọng tâm là quy hoạch giai đoạn 2021-2030. Trong vòng sáu tuần, đơn vị tư vấn đã tiến hành 25 cuộc họp, 16 cuộc phỏng vấn, thực hiện sáu khảo sát thực tế. Đến nay, đã hoàn thành dự thảo lần một báo cáo quy hoạch tỉnh đầu kỳ và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; đây là căn cứ quan trọng để xây dựng kịch bản, lựa chọn phương án phát triển các ngành, lĩnh vực đúng hướng, bảo đảm khả thi trong thực hiện và tương thích với thực tế, yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực. 

PV: Xin đồng chí cho biết vai trò, nội dung của công tác quy hoạch? 

Đồng chí Phạm Xuân Thăng: Công tác quy hoạch đóng vai trò quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, muốn phát triển phải đúng hướng có quy hoạch chất lượng. Quy hoạch sớm sẽ giúp Hải Dương sớm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang chỉ đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 cùng chiến lược, triết lý phát triển của Hải Dương nhằm khai thác tiềm năng riêng có, năng lực cạnh tranh nổi trội, tạo ra những giá trị khác biệt; đặt trong mối liên kết vùng và tham khảo quy hoạch của các địa phương lân cận để có căn cứ đầy đủ, quy hoạch đồng bộ; đồng thời, đánh giá rõ hạn chế, điểm nghẽn, cơ hội, thách thức và khó khăn do dịch Covid-19 đối với sự phát triển của tỉnh để chỉ rõ dư địa phát triển trên mọi lĩnh vực. Tỉnh mong muốn phát triển vùng công nghiệp động lực, dịch vụ hiện đại, phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số; phát triển mạnh mẽ đô thị và kinh tế đô thị. Đồng thời, khai thác và làm nổi bật lợi thế kinh tế, tiềm năng của hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy trong tỉnh, tạo ra hạ tầng giao thông thuận lợi, kết nối giao thông liên vùng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng. 

PV: Nhằm bảo đảm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội  toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tỉnh đã ban hành những chủ trương, chính sách gì có tính chất nền tảng và động lực, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng: Hải Dương đã triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Trên tinh thần “5 rõ”, “6 dám”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương xác định nâng cao chất lượng, hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ các công việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nghiêm túc, quyết liệt, phù hợp thực tế, bảo đảm định lượng kết quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển của mỗi địa phương, đơn vị. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chủ động lãnh đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, xây dựng và ban hành quy chế làm việc, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy; phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên phù hợp năng lực, sở trường; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện đúng thời gian quy định, cơ bản sát với mục tiêu và thực tiễn địa phương. Các nội dung, chương trình toàn khóa bám sát Nghị quyết và văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh, tập trung cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và những vấn đề thực tiễn bức thiết đặt ra, những khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết để thực hiện 19 chỉ tiêu chủ yếu, ba khâu đột phá, ba công trình trọng điểm của nhiệm kỳ.

Với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”, tỉnh đã đề ra chiến lược phát triển tới năm 2030 gồm “Bốn trụ cột-Ba nền tảng-Một trung tâm, ba đô thị động lực-Ba trục phát triển”; xây dựng và ban hành sáu chương trình, hai nghị quyết chuyên đề, bốn kế hoạch, sáu đề án phù hợp để tổ chức thực hiện; đồng thời phân công rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện từng nội dung công việc; xác định rõ nguồn lực, rõ lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể. Mỗi chương trình, đề án đều có mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, nhất là giải pháp về cân đối và huy động nguồn lực để bảo đảm thực hiện có hiệu quả.

PV: Vậy, tỉnh đã có giải pháp nào để bảo đảm tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn, bối cảnh mới? 

Đồng chí Phạm Xuân Thăng: Hải Dương vừa kết thúc Kỳ họp chuyên đề HĐND, đã thông qua 11 nghị quyết quan trọng, có tính chất nền tảng và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong cả nhiệm kỳ, nhất là các nghị quyết liên quan đến các cơ chế, chính sách tài chính, quyết định chủ trương các dự án đầu tư công... đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Để bảo đảm tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn, bối cảnh mới:

Thứ nhất, tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19; tập trung tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 bảo đảm đến hết năm 2021 tỷ lệ bao phủ vắc-xin đạt hơn 80%; bảo đảm các hoạt động kinh tế-xã hội an toàn với dịch bệnh, chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, nhất là tốc độ tăng tổng giá trị sản phẩm (dự kiến đạt 8,5% so với mục tiêu 8%) và thu ngân sách (dự kiến tăng 34% so với mục tiêu 10%). Thực hiện điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, tiết kiệm; chủ động xây dựng kịch bản mới theo phương châm “thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn với dịch Covid-19” và chủ động nguồn lực cho nhiệm vụ phòng, chống dịch theo kịch bản. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh, phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và lập, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo đúng tiến độ đề ra trong tháng 11 và 12/2020; tập trung  hoàn thành quy hoạch vùng công nghiệp động lực trên địa bàn huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện. Hoàn thành xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, nhỏ lẻ; nâng tổng mức đầu tư công lên vượt trội so với giai đoạn trước để tập trung đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có vốn đầu tư lớn, có tính chất kết nối liên vùng và tác động trực tiếp tới việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng các công trình, dự án trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17; cuối năm sẽ khởi công dự án đường trục đông tây của tỉnh.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm lĩnh vực văn hóa-xã hội nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế; tiếp tục quan tâm đúng mức đến việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách. Rà soát các chính sách an sinh xã hội để sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời. 

Thứ tư, tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường hợp tác đầu tư, kết nối giao thương với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (sắp tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển với tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng), vùng Thủ đô Hà Nội... Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện công vụ. 

Tựu trung, với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm của nhiệm kỳ “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khai thác cao nhất tiềm năng, thế mạnh khác biệt để phát triển kinh tế-xã hội, đạt được mục tiêu, khát vọng của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!