Trong năm 2017, các huyện, thành phố, thị xã tại Hải Dương đã tích cực dồn ô, đổi thửa, quy hoạch các vùng chuyên canh trong nông nghiệp và thủy sản chuyển một số diện tích trồng cây hằng năm sang nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số huyện có diện tích tăng nhiều như Cẩm Giàng 63 ha, Ninh Giang 60 ha, Tứ Kỳ hơn 52 ha, Kim Thành 27,5 ha… Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực nạo vét kênh, mương nội đồng, khơi thông dòng chảy để cải thiện nguồn nước, giúp thủy sản sinh trưởng, phát triển tốt. Trong nuôi cá, các tổ chức, cá nhân đã cơ bản đầu tư thức ăn công nghiệp, sản xuất theo mô hình mới. Ðây là lợi thế để mở hướng chuyển dần sang nuôi cá hàng hóa nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Dương Phạm Văn Tình cho biết, đến nay, diện tích chăn nuôi thủy sản toàn tỉnh là hơn 11 nghìn ha, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 71,3 nghìn tấn/năm, giá trị thu nhập bình quân đạt 187 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, toàn tỉnh có 108 trang trại có nuôi trồng thủy sản, 25 hợp tác xã thủy sản và hơn 79,2 nghìn cơ sở nuôi trồng thủy sản. Ðiều đáng nói là trình độ nuôi thâm canh thủy sản của người dân đã có nhiều tiến bộ thể hiện qua việc chú trọng đầu tư thức ăn công nghiệp nuôi thủy sản. Ðồng thời nhiều diện tích đang hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, mạnh dạn đầu tư, nhất là diện tích giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất, giá trị cao như rô phi đơn tính, trắm cỏ, chép lai V1…Toàn tỉnh đang duy trì 3.400 ha nuôi tập trung quy mô mỗi khu từ 10 ha trở lên, trong đó có hơn hai nghìn ha nuôi thâm canh cho năng suất bình quân từ 12 đến 15 tấn/ha/năm. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, nhiều huyện đã triển khai mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa ở những vùng đất trũng cấy lúa không hiệu quả. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 314 ha triển khai theo mô hình này, điển hình như các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc và Thanh Miện.
Anh Lê Văn Việt, Giám đốc hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt (xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc) chia sẻ, năm 2011 hợp tác xã được thành lập với bảy thành viên và diện tích nuôi thủy sản là 10 ha. Ðến nay, hợp tác xã đã có 16 thành viên và diện tích nuôi là hơn 100 ha. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã cung cấp ra thị trường trong nước khoảng hơn một nghìn tấn cá thương phẩm. Ðể cá nuôi đạt hiệu quả, hợp tác xã đã mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại vào nuôi trồng. Ðiển hình là mô hình nuôi cá trên ao nổi với ưu điểm bề mặt nước được thông thoáng, lượng ô-xy nhiều, đáy ao không có bùn cho nên năng suất tăng hơn so với nuôi ở ao chìm gấp từ 1,5 đến hai lần. Ðồng thời, chi phí đầu tư làm ao nổi chỉ bằng 60% so với đào ao chìm. Theo thống kê của hợp tác xã, mô hình nuôi cá trên ao nổi cho thu nhập đạt 40 tấn/ha/năm, cao hơn nhiều so với phương pháp nuôi cá truyền thống. Bên cạnh đó, hợp tác xã đang triển khai thí điểm 2 ha mô hình nuôi cá trong ao nước chảy (nước trong ao nuôi được lưu thông liên tục như ở sông, có máy hút phân cá góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bệnh tật).
Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở Hải Dương cũng gặp những khó khăn do việc sản xuất nhỏ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa; việc đầu tư của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế dẫn đến năng suất cá nuôi tăng chậm. Bên cạnh đó, cá nuôi thương phẩm chủ yếu vẫn tiêu thụ nội địa, không ổn định về giá bán và đầu ra; diện tích nuôi thủy sản phần lớn chưa có quy hoạch, cơ sở hạ tầng khu nuôi thiếu đồng bộ gây khó khăn cho việc quản lý môi trường ao nuôi, phòng ngừa dịch bệnh. Ðể khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Hải Dương sẽ tập trung phát triển mạnh sản xuất và quản lý sản xuất cả nuôi trồng, khai thác cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sản xuất giống, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, bảo đảm giảm chi phí sản xuất…