Hai bí quyết thành công ở Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình

NDO -

NDĐT- Năm 2014 là năm cuối nằm trong chiến lược đầu tư nâng cấp các trạm biến áp, cột và dây dẫn cùng với áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, phân phối điện đã giúp Điện lực Ninh Bình có bước phát triển mới. Chất lượng điện được nâng cao, số khách hàng sử dụng điện ngày càng tăng là yếu tố quyết định phương thức sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả: nộp ngân sách đạt 141%, tổn thất điện năng giảm.

Công nhân Chi nhánh Điện lực huyện Yên Khánh kiểm tra khảo sát cột điện mạng lưới cấp nông thôn ở xã Khánh Lợi để thay cột mới đạt độ an toàn cao cho người sử dụng.
Công nhân Chi nhánh Điện lực huyện Yên Khánh kiểm tra khảo sát cột điện mạng lưới cấp nông thôn ở xã Khánh Lợi để thay cột mới đạt độ an toàn cao cho người sử dụng.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình, Ngô Nam Phòng cho biết, sản lượng điện thương phẩm năm 2014 của EVN NPC giao đầu năm cho Công ty là 1.700 triệu kWh, rồi kế hoạch giao điều chỉnh tiếp ở con số 1.702 triệu kWh. Song, Công ty vẫn vượt kế hoạch điều chỉnh là 101,93% và tăng trưởng so với năm 2013 là 15,65%. Năm 2014 là năm ngành điện Ninh Bình với chiến lược tăng cường đầu tư, tổ chức kiểm tra chống tổn thất điện năng, nhất là vùng nông thôn.

Đây là năm cuối của chiến lược đầu tư nâng cấp trang thiết bị điện, giai đoạn 2011-2014, của Công ty TNHHMTV Điện lực Ninh Bình. Cụ thể, xây mới và cải tạo 76 km đường dây trung kế, 323 km đường dây hạ thế, 16 trạm 35/04 KV với tổng dung lượng gần ba nghìn KVA, 67 trạm biến thế 22/04 KV với tổng dung lượng gần 13 nghìn KVA, 33 trạm 10/0,4 KV có tổng dung lượng hơn sáu nghìn KV, với tổng nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, ngành điện Ninh Bình phải thay thế hơn ba nghìn cột điện vì không bảo đảm an toàn khi vận hành và di chuyển 1.200 cột sang vị trí mới để tạo điều kiện cho các xã trong tỉnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

"Không chỉ có vậy, chúng tôi còn thực hiện dự án “nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn – giai đoạn 2” vay vốn ngân hàng tái thiết Đức KFW với tổng nguồn vốn đầu tư 144,453 tỷ đồng." - Giám đốc Ngô Nam Phòng nói. Nhờ dự án này, hơn 30 km đường dây trung kế được cải tạo và xây dựng mới cùng với 36 trạm biến áp 35/0,4KV, 22/0,4KV, 10/0,4KV với tổng dung lượng khoảng 14 nghìn KVA.

Câu nói của giám đốc Ngô Nam Phòng như lời giải thích nguyên nhân vì sao điện sinh hoạt nông thôn khi UBND các xã quản lý kém hiệu quả và tổn thất lớn. “Năm 2005, Nhà nước có chủ trương giao thêm nhiệm vụ quản lý điện sinh hoạt cho ngành điện bởi trước đây, ngành điện chỉ quản lý, vận hành lưới điện cao thế và trung thế" - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện Lực Ninh Bình, Trần Đăng Sơn cho biết.

Trước tình trạng cấp xã, huyện quản lý lưới điện hạ thế cung cấp cho các hộ dân sinh hoạt kém hiệu quả mà nguyên nhân chính là các địa phương không có nguồn vốn để đầu tư cho nên các trạm biến áp thường quá tải, do nhu cầu điện dùng trong sinh hoạt của người dân ngày càng tăng. Hệ thống cột dẫn điện, dây dẫn đều không bảo đảm độ an toàn, gây nhiều vụ cháy do chập điện. Thêm vào đó, người dân do thiếu hiểu biết chuyên môn cùng với kinh phí có hạn, nên sử dụng dây dẫn điện tùy tiện không đúng quy định, dẫn đến mất an toàn. Thậm chí, không ít nơi, người dân còn câu móc điện từ dây dẫn không có vỏ bọc ngoài chạy qua những cột điện làm bằng tre, gỗ để vận hành máy bơm nước, máy tuốt lúa, v.v. gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Với đầu tư nâng cấp trạm biến áp và lưới điện, Công ty giảm tổn thất 0,15% so với kế hoạch và giảm 0,21% so với thực hiện năm 2013.

Không chỉ đầu tư nâng cấp các trạm biến áp và hệ thống cột dây dẫn, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình còn chú trọng phát triển gần tám nghìn khách hàng mới, trong đó gần bảy nghìn khách hàng sử dụng công tơ một pha và 956 tổ dịch vụ, sản xuất kinh doanh sử dụng công tơ ba pha. Đồng thời, Công ty còn tổ chức thay định kỳ gần 46 nghìn chiếc đồng hồ đo đếm điện cho khách hàng. Đáng chú ý, trong nhiều lần nhận bàn giao lưới điện nông thôn ở các xã trong tỉnh, ngành điện Ninh Bình tổ chức thay gần 14 nghìn đồng hồ đo đếm điện cho các hộ dân nông thôn và tổ sản xuất kinh doanh dịch vụ, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất ở địa phương.

Thời gian trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, những người thợ điện ở Ninh Bình nói chung và thợ điện ở các chi nhánh cấp huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Ninh Bình rất vất vả. Những công nhân điện mặc áo mầu cam, vác thang đi khắp các xóm ngõ để khảo sát. "Công nhân điện chỉ có thang tre và kìm điện, rồi trèo lên cột điện, vậy mà nhiều lúc chúng tôi như vắt chân lên cổ mà chạy" - Giám đốc Chi nhánh điện huyện Yên Khánh Dương Duy Kiệm cho biết.

Ba tháng trước Tết, gần như toàn bộ công nhân vác thang đi kiểm đếm và thay thế cột điện ở xã Khánh Lợi. Hàng nghìn "cột" điện không chuẩn do người dân dựng bằng tre, thậm chí là thân cây luồng, rất nguy hiểm khi mưa, bão. Còn hệ thống dây rất tệ: dây không vỏ bọc chạy suốt nhà nọ tới nhà kia, nhiều đoạn nát, thậm chí đứt xuống là gây chết người. Cột treo cũng tùy tiện, thường là gắn vào hiên nhà, nếu chất lượng dây kém, dòng điện sẽ truyền dẫn qua tường xuống đất gây tai nạn cho người sử dụng. Vậy mà hàng trăm hộ sử dụng điện như thế. Dây điện giăng như mạng nhện, nhà nọ nối nhà kia, xóm này qua xóm khác.

Còn có trường hợp, người dân coi thường tính mạng của họ khi chỉ đi một dây dẫn (dây “lửa”) trên cột, còn dây "mát" thì cắm xuống đất. Nếu dây “lửa” đứt rơi xuống đất thì hậu quả khôn lường. "Phải làm lại hết, từ thay cột đến dây dẫn điện, chúng tôi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào việc cải tạo mạng lưới điện cho người dân" - Giám đốc Chi nhánh điện huyện Yên Khánh, Dương Duy Kiệm kể.

Ở huyện Kim Sơn, lại có khó khăn khác. Đó là vùng "đầu sóng, ngọn gió" năm nào có bão thì Kim Sơn cũng là "mặt trận tiền phương" trong trận chiến chống bão lụt của tỉnh Ninh Bình. Song Kim Sơn lại là huyện nghèo. Mấy năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là biến tiềm năng biển thành thế mạnh để phát triển kinh tế biển. "Có hàng nghìn lao động tham gia nuôi trồng thủy sản và dịch vụ nghề cá" - Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, Lê Thị Hoa từng cho biết.

Nhưng, nghề nuôi thủy sản mà thiếu điện thì lỗ vốn. Bởi, những đầm nuôi tôm sú đều phải dùng điện để chạy hệ thống quạt nước. "Nếu mất điện, chạy bằng máy nổ thì không chịu nổi, mỗi giờ 8-10 lít nguyên liệu mà chỉ chạy 10 giờ đã hết lãi" – anh Trung, chủ một đìa tôm ở xã Kim Đông cho biết. Nuôi tôm sú mà không sử dụng máy quạt nước thì chỉ nuôi quản canh (10 con/m2), còn dùng quạt nước thì mới nuôi thâm canh được (50-60 con/m2), nên điện là yếu tố rất quan trọng trong nghề nuôi thủy sản.

Phó Giám đốc Chi nhánh điện huyện Kim Sơn Trần Việt Hùng cho biết, phải đầu tư rất nhiều mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất của người dân. Các xã nghèo ở khu vực bãi ngang như Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, Kim Tân, .v.v. thường hộ nọ xa hộ kia hàng vài chục mét cho nên việc kéo dây, dựng cột vừa vất vả lại đầu tư lớn. Những năm trước đây việc bán điện cho người dân là do UBND xã thực hiện. Vì vậy, do không có nguồn vốn đầu tư cho nên cơ sở hạ tầng xuống cấp, tổn thất cao làm đẩy giá điện lên. Người dân nghèo phải chịu giá điện cao là một nghịch lý, song đó lại là thực tế.

"Tại 27 xã, thị trấn của huyện Kim Sơn với 45 nghìn khách hàng, chúng tôi phải thường xuyên đầu tư hàng trăm tỷ đồng vừa để an toàn cho người dân khi sử dụng điện, vừa chống tổn thất điện năng" - Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Chi nhánh điện Kim Sơn bổ sung. Bằng các nguồn vốn vay WB cùng nhiều nguồn vốn khác, Chi nhánh điện Kim Sơn đầu tư xây mới một số trạm biến áp nhằm nâng công suất, chống hư hao trên dây dẫn bảo đảm chất lượng điện cho người tiêu dùng.

Yếu tố quyết định của sự thành công của công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất như: Cung cấp các dịch vụ tiện ích trên Website của Công ty để thông báo tiền điện, thông báo lịch cắt điện, mất điện đột suất bằng dịch vụ nhắn tin theo số điện thoại đăng ký.

Các công việc quản lý công tơ, công cụ dụng cụ bằng phần mềm được Công ty kết hợp với khai thác tốt các phân hệ của chương trình CMIS, nhất là phân hệ quản lý đo đếm công tơ 2 cấp, nâng cao chất lượng quản lý và thông tin hệ thống đo đếm. Chương trình ghi chỉ số công tơ bằng thiết bị cầm tay (HHU) và bằng điện thoại cảm ứng tại các chi nhánh điện lực đạt được kết quả khả quan.

Công ty còn coi trọng sử dụng chương trình chấm nợ bằng mã vạch, đáp ứng được yêu cầu quản lý thu, nộp tiền điện và tăng năng suất lao động. Trong năm 2014, hoàn thiện việc kết nối hệ thống SCADA các trạm 110KV với A1, nâng cao hiệu quả công tác lắp đặt tụ bù trung hạ thế, hoàn thành phương án nâng cấp lưới điện khu vực Nho Quan, Kim Sơn, Tam Điệp lên 22KV.

Công ty còn hoàn thành định vị GPS các đường dây trung áp, lập mặt cắt dọc lưới điện và các phương thức cấp điện trong ngày lễ, Tết và trong mùa mưa bão.

Những ngày đầu năm 2015, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình ra quân với khí thế mới với kết quả đạt được của năm 2014 là sự khích lệ động viên cán bộ, công nhân ngành điện Ninh Bình. Đó là vận hành lưới điện cơ bản ổn định, linh hoạt, tối ưu trên lưới để giảm thời gian mất điện, cải thiện đáng kể các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Ninh Bình.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp trong tỉnh tăng khá, chăn nuôi phát triển, du lịch và dịch vụ ngày càng mở rộng, nâng mức thu ngân sách trong tỉnh Ninh Bình năm 2014 lên hơn 3,15 nghìn tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, năm 2014, có tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân SAIDI là 2652,61 phút, giảm 615,49 phút so với kế hoạch giao, góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận SXKD điện NPC giao, đạt 140% kế hoạch. Ngoài ra, Công ty còn đạt lợi nhuận SXKD khác với gần chín tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 141% so với kế hoạch giao.