Hà Tĩnh, nhân tố phát triển nhìn từ truyền thống văn hóa

Tỉnh Hà Tĩnh có tất cả các loại hình di tích kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, phản ánh quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Thực tế ghi nhận qua nhiều nhiệm kỳ cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh là nguồn tài nguyên có giá trị to lớn cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống cho người dân.
Hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống cho người dân.

Khơi nguồn dòng chảy, sức mạnh nội sinh

Mới đây, kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957-15/6/2022) các hoạt động được tổ chức phong phú, hấp dẫn, tạo khí thế thi đua sôi nổi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng đô thị... Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh, Dương Tất Thắng trao đổi: Thành phố tập trung huy động nguồn lực để xây dựng nhiều công trình chào mừng như: Chỉnh trang Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh; khánh thành, gắn biển và đưa vào sử dụng các công trình giao thông; sửa chữa, tu bổ Văn Miếu Hà Tĩnh; xây dựng và nâng cấp một số trường học trên địa bàn. 15 phường, xã triển khai tốt việc quản lý trật tự xây dựng, trật tự kỷ cương, mỹ quan đô thị; tổ chức liên hoan một lễ hội dân gian hoặc các giải thể dục thể thao... tạo động lực, khí thế mới trong phát triển.

Quá trình xây dựng và phát triển, Hà Tĩnh luôn kiên trì mục tiêu, xây dựng đời sống, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, biện pháp đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, nghiên cứu, cụ thể hóa chủ trương phát triển văn hóa, con người của Đảng, Nhà nước. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định rõ nhiệm vụ các cấp ủy, chính quyền, địa phương và từng ngành bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong lĩnh vực này.

Với mục tiêu, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, khơi dậy ý chí, khát vọng đổi mới, sáng tạo của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới, tỉnh chú trọng triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử-văn hóa. Việc phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử-văn hóa được tỉnh quan tâm từ thực hiện huy động đa dạng các nguồn lực. Những năm qua, tỉnh đã phân bổ và huy động 160 tỷ đồng nguồn xã hội hóa để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo phát huy di tích trên địa bàn.

Hà tĩnh hiện có hơn 1.800 di tích lịch sử-văn hóa đã được kiểm kê, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt là hệ thống di tích đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh và Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du; 86 di tích cấp quốc gia và 501 di tích được xếp hạng cấp tỉnh với đủ các loại hình. Đến nay, đã có gần 300 lượt di tích ở tỉnh được trùng tu, tôn tạo khang trang. Nhiều di tích trở thành điểm du lịch văn hóa, truyền thống như: Khu di tích Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Khu di tích Nguyễn Du, Đền Chợ Củi, Chùa Hương Tích, Đền Cả - ích Hậu, Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu,... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tri ân, tưởng niệm. Tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai thực hiện có hiệu quả việc khai quật các di chỉ khảo cổ học, sưu tầm hàng nghìn trang tư liệu, số hóa hàng trăm sắc phong, tài liệu Hán-Nôm đang được lưu giữ tại các di tích, xuất bản sách gắn với hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh. Nhiều di tích đã và đang được đầu tư, tôn tạo nhằm giữ gìn các giá trị kiến trúc nghệ thuật cổ, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với việc phát huy giá trị các di tích lịch sử, Hà Tĩnh chú trọng bảo tồn, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, như: Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Truyện Kiều gắn với Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Di sản tư liệu ký ức thế giới Mộc bản Trường Lưu, Hoàng hoa sứ trình đồ...

Để khẳng định và làm rõ hơn những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích, các giá trị lịch sử, truyền thống, Hà Tĩnh đã nghiên cứu và tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học. Những kết quả nghiên cứu, ấn phẩm, tư liệu được phát hiện, bổ sung, góp phần làm sâu sắc thêm những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người Hà Tĩnh.

Thực tế cho thấy, tại các di tích trọng điểm của tỉnh như: Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du; Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Khu di tích Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc; Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú; Khu di tích Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã thu hút, đón tiếp hàng trăm nghìn lượt du khách hành hương, thăm viếng hằng năm. Một số di tích lịch sử cách mạng trở thành nơi tổ chức các hoạt động tri ân, hành hương về "địa chỉ đỏ" nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc; nơi giáo dục tư tưởng, tình cảm, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là nhân tố quan trọng khiến di tích lịch sử, văn hóa, truyền thống vùng đất, con người quê hương phát huy nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn lực bảo đảm phát triển nhanh, bền vững

Hà Tĩnh đang trong lộ trình phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Với mục tiêu đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định Hà Tĩnh tiếp tục khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng hào hùng của quê hương, ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người và cộng đồng. Năm 2022 được tỉnh chọn là năm chủ đề về văn hóa gắn liền tập trung triển khai các nhiệm vụ trong khung chương trình. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, trong đó bảo đảm thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án xây dựng thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; xây dựng đô thị văn minh; khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch sinh thái... Quá trình này tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn kết đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.

Quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua các phong trào quần chúng tại các địa phương, nhất là "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hương Sơn là huyện miền núi biên giới phía tây của tỉnh. Bước vào xây dựng nông thôn mới từ điểm xuất phát thấp, sau hơn 10 năm, nông thôn Hương Sơn đã có sự đổi thay rõ nét. Toàn huyện đã đầu tư, nâng cấp hệ thống đường bộ dài gần 1.900km đạt tiêu chuẩn. Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Hương Sơn không ngừng củng cố, nâng cấp hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... đạt chuẩn, bảo đảm phục vụ việc nâng cao văn hóa, giáo dục, sức khỏe cho người dân. Đến nay, toàn huyện có 65/67 trường đạt chuẩn quốc gia; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên toàn huyện đã đạt chuẩn. Toàn huyện có 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9/9 tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn theo quy định.

Với huyện miền núi, biên giới Vũ Quang, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Quang Điền cho biết, huyện hiện có 1.865 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên; 123 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã, 155 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả; 13 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tại xã Thọ Điền, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đăng Nhàn cho biết, những năm gần đây, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân xã nhà ngày càng được nâng cao; người dân luôn tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Toàn xã hiện có 120 mô hình kinh tế cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, Trần Nhật Tân cho biết, phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", khắc phục hậu quả lũ lụt lịch sử tháng 10/2020 trên địa bàn, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đã đóng góp được 240 tỷ đồng vào chương trình xây dựng nhà ở người dân và nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng 2.053 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai; cùng 25 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ.

Mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với cấp ủy đảng, chính quyền và cộng đồng xã hội.

Với phương châm kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững, bước vào năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh đã coi trọng, tăng cường nguồn lực đầu tư cho mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh. Thực tế đang đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên.