Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, thành phố có khoảng 7.200 sản phẩm trong các nhóm ngành hàng Chương trình OCOP. Qua thực tế, phân hạng sản phẩm OCOP tại nhiều địa phương đều cho kết quả đáng mừng. Trong đó, một số sản phẩm có tiềm năng đạt năm sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP cấp quốc gia, gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh. Các sản phẩm hạng ba, bốn sao chủ yếu là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp của các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Thanh Oai, Thường Tín. Đáng chú ý, tại huyện Chương Mỹ, khi thực hiện phân hạng đã có hàng chục sản phẩm được công nhận đạt hạng ba, bốn sao, gồm: Bánh ca-ra-men, chân gà ngâm xả ớt, bốn sản phẩm trứng của Công ty cổ phần Tiên Viên; sản phẩm hành lá, rau muống, rau cải, rau mùng tơi, quả cà chua, rau mùi ta của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn; gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú; các sản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang và của Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn (đều ở xã Phú Nghĩa)...
Theo đánh giá của Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí, làng nghề và nông sản, đặc sản là lợi thế để Hà Nội triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đa dạng gắn với các yêu cầu chính: Thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Năm nay, Văn phòng sẽ tổng hợp, đánh giá, xếp hạng khoảng 700 sản phẩm, trong đó có từ 500 sản phẩm cấp thành phố, 100 sản phẩm cấp quốc gia theo quy định. Mặt khác, việc thực hiện Chương trình OCOP sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy sáng tạo cho các doanh nghiệp, HTX và người dân, đồng thời tạo điều kiện để các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ; là cơ hội tốt đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến, phát triển thị trường đến tiêu thụ sản phẩm, với những hàng hóa chất lượng.
Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh thành quả đạt được vẫn còn những thách thức cần phải nỗ lực vượt qua trong thời gian tới, như: Phần lớn doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn Thủ đô hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu mặt bằng sản xuất, đội ngũ lao động có tay nghề cao còn ít, thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất. Khả năng cạnh tranh của các làng nghề này còn thấp, nguồn nguyên liệu chưa ổn định, sức tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Một số sản phẩm truyền thống có dấu hiệu bị mai một, suy giảm. Hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng ở các nơi này ngày càng xuống cấp, môi trường bị ô nhiễm, chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Các cơ sở sản xuất chủ yếu là hộ kinh doanh, do vậy ít quan tâm tới việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề, cho nên chưa gây được ấn tượng sâu sắc và thu hút khách trở lại tham quan du lịch. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình chưa tích cực tham gia Chương trình OCOP. Công tác thông tin, truyền thông OCOP tại xã, thị trấn chưa thật sự sâu rộng; các cơ sở sản xuất tham gia chưa chủ động tìm hiểu, nắm rõ về vai trò, lợi ích của chương trình.
Do vậy, để khắc phục những bất cập, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ thực hiện Chương trình OCOP và các chủ thể tham gia. Đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP. Huy động sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng mạng lưới sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. Tiếp tục tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền, trình diễn văn hóa ẩm thực tại các tuyến phố đi bộ của thành phố. Thông qua các hoạt động kết nối, sẽ có thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao được tiêu thụ ở địa phương, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích…, góp phần “nâng chất” Chương trình OCOP trong thời gian tới.