Trong 10 chỉ số thành phần, tỉnh Hà Nam có năm chỉ số thành phần tăng điểm và tăng thứ hạng Vị trí của tỉnh thành trong PCI 2020 tiếp tục được đánh giá trên 10 chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động của chính quyền địa phương; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Ðào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường tăng 25 bậc. Ở chỉ số này, các doanh nghiệp đã đánh giá tích cực về số ngày cấp mới đăng ký doanh nghiệp. Chỉ trong thời gian khoảng hơn một tháng là doanh nghiệp có thể hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động. Tỷ lệ làm thủ tục đăng lý online tăng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm được thời gian và chi phí đi lại. Thực tế, tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Hà Nam, thời gian cấp mới đăng ký doanh nghiệp không quá hai ngày làm việc. Có 95% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá cao về việc cán bộ đăng ký kinh doanh hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp tại bộ phận một cửa là rõ ràng và đầy đủ. Doanh nghiệp cũng đánh giá cao cán bộ đăng ký kinh doanh am hiểu chuyên môn, nhiệt tình, thân thiện, ứng dụng công nghệ thông tin tốt trong giải quyết thủ tục hành chính kinh doanh.
Chỉ số không chi phí chính thức, tăng 13 bậc. Doanh nghiệp trả lời phải trả thêm chi phí không chính thức để có được các hợp đồng, đơn đặt hàng giảm các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được. Chỉ số cạnh tranh bình đẳng tăng 19 bậc. Doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận đất đai, các khoản vay, cấp phép khai thác khoáng sản, thực hiện các thủ tục hành chính và có được các hợp đồng từ cơ quan nhà nước thuận lợi hơn. Chỉ số tính năng động của chính quyền tăng 9 bậc. Doanh nghiệp đánh giá cao lãnh đạo tỉnh rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân; năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh liên quan đến doanh nghiệp; thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực. Chỉ số thiết chế pháp lý về an ninh trật tự tặng 14 bậc. Doanh nghiệp tin tưởng hệ thống pháp luật sẽ bảo đảm quyền tài sản, thực thi hợp đồng của doanh nghiệp; có cơ chế giúp họ tố cáo cán bộ tham nhũng, lãnh đạo tỉnh sẽ không bao che và nghiêm túc kỷ luật cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Tiếp tục khắc phục những bất cập, hạn chế, duy trì và phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm và có những thứ hạng tốt, Hà Nam quyết tâm cải thiện mạnh mẽ những chỉ số thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp; phấn đấu đưa PCI của tỉnh năm 2021 tăng thêm từ 3 đến 5 bậc và nằm trong nhóm điều hành khá của cả nước. Tỉnh Hà Nam giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu với tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành chính. Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số PCI; phát huy tính năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các quy định của Nhà nước phù hợp tình hình thực tế của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trên địa bàn. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Lượng cho biết: Thời gian tới, các sở, ngành cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa về cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Cùng với thực hiện có hiệu quả các giải pháp, Sở Kế hoạch và Ðầu tư cũng tham mưu trực tiếp với tỉnh, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, phân tích nguyên nhân những chỉ số thành phần có điểm số và thứ hạng thấp và đề ra giải pháp khắc phục trong năm 2021. Ðồng thời đề nghị UBND tỉnh Hà Nam sớm ban hành chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, trong đó giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung, tiêu chí thành phần và điểm số, thứ hạng PCI thuộc phạm vi quản lý của ngành.
Tỉnh Hà Nam xác định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là nhiệm vụ thường xuyên, do đó từng địa phương, đơn vị, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, thực hiện tốt các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Cùng với đó, Hà Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, trọng tâm là hoàn thiện kết nối liên thông trong toàn tỉnh và thực hiện kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cao tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến với mức độ 3 và 4. Nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Hà Nam đang khẳng định thương hiệu, hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và hấp dẫn, mở rộng cửa chào đón các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như thực hiện ba đột phá chiến lược, đặc biệt ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ðể tận dụng và phát huy mạnh mẽ tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Hà Nam xác định tiếp tục khơi thông các "điểm nghẽn" để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nam