Nhiều người cao tuổi ở tỉnh Thanh Hóa còn nhớ như in những tháng ngày đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Người gánh, người gùi và những đoàn xe thồ vận chuyển lương thực, hàng hóa thiết yếu vượt núi, băng đèo hướng về vùng lòng chảo Điện Biên. Ông Trần Khôi, 93 tuổi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ thị xã Thanh Hóa, nhớ lại: Các khu phố bình xét, lựa chọn, huy động hơn 100 người cùng phương tiện do các gia đình tự mua sắm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhận gạo từ kho ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, đoàn xe thồ hướng về vùng thượng du Thanh Hóa, qua Vạn Mai, Suối Rút (tỉnh Hòa Bình), ngã ba Cò Nòi (tỉnh Sơn La) giao hàng. Địch ném bom, đánh phá nhằm cắt đứt các tuyến vận tải. Trước tình hình đó, Chi ủy Đại đội đã làm tốt công tác chính trị tư tưởng, phát huy vai trò tiên phong của 15 đảng viên và với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, đại đội xe thồ vượt núi cao, rừng sâu vận tải, trung chuyển lương thực cung ứng cho chiến trường. Mọi người đã cùng nhau khắc phục hư hỏng phương tiện, gia cố vành, khung xe đạp, tăng khối lượng vận chuyển từ 100 kg lên 150 kg/chuyến. Đặc biệt, phương tiện của dân công Nguyễn Văn Đăng chở tới 170 kg gạo/chuyến, dẫn đầu phong trào thi đua nước rút. Đại đội xe thồ đã được tặng giấy khen, cờ thi đua đơn vị khá nhất trong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước đó, lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt trừ gian, tiêu diệt các tổ chức phản động; bẻ gãy, đẩy lùi các cuộc tiến công của địch sang vùng tự do, tiến công đồn bốt, binh lực địch ở vùng duyên hải, thượng du, thông tuyến vận tải an toàn lên Điện Biên Phủ. Đầu chiến dịch, lực lượng vũ trang Thanh Hóa cùng 50 nghìn dân công hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An phá đá, sửa, mở đường 41, đường thủy ngược sông Mã. Tuyến tiếp vận từ Thanh Hóa lên Điện Biên dài 450 km, cơ động trên địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, suối sâu, lại thường xuyên bị máy bay địch đánh phá nhưng dân công, xe đạp thồ Thanh Hóa đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao. Ban đại diện thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa thông tin thêm: Thanh niên xung phong đảm nhận nhiệm vụ mở rộng đường cũ, rà phá bom mìn, bảo đảm giao thông, vận tải lương thực, súng đạn, trấn giữ các trọng điểm chiến lược. Một bộ phận thanh niên xung phong sát cánh cùng bộ đội chiến đấu, tiếp tế súng đạn, chăm sóc, đưa thương binh về tuyến sau, làm công tác tử sĩ. Thanh niên xung phong Thanh Hóa còn bổ sung 2.100 người cho quân đội, trong đó có 300 công binh.
Theo lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh, Thanh Hóa đã huy động 34.177.235 ngày công làm đường và tiếp vận, phục vụ năm chiến dịch lớn: Trung Du, Quang Trung, Hòa Bình, Thượng Lào và Điện Biên Phủ; huy động lương thực, thực phẩm đáp ứng 70% nhu cầu chiến dịch; động viên 56.792 thanh niên vào bộ đội bổ sung cho các chiến trường, 6.321 thanh niên xung phong. Riêng năm 1953 và sáu tháng đầu năm 1954 Thanh Hóa có 28.890 thanh niên nhập ngũ, bằng tổng tuyển quân giai đoạn 1946-1952. Đáp ứng yêu cầu chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa bổ sung nhân lực cho các đơn vị chủ lực như Tiểu đoàn 275 bộ đội địa phương tỉnh cho Trung đoàn 53, các Đại đội 150, 160 cho Tiểu đoàn 541 phòng không và nhiều phân đội binh chủng của bộ đội địa phương được tách ra, bổ sung cho các đơn vị của Bộ và Liên khu. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang Thanh Hoá vừa tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ hậu phương, cùng nhân dân chi viện đắc lực chiến trường; đồng thời phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu 1.456 trận, tiêu diệt và làm bị thương 3.391 tên, bắt sống 2.326 tù binh, thu 1.416 súng các loại.
Các tài liệu tổng kết chiến tranh và quân sự cho thấy, chỉ riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 102.254 ngày công dài hạn, 76.670 ngày công ngắn hạn phục vụ chiến dịch. Đó là những con số rất có ý nghĩa. Ngoài ra Thanh Hóa đã huy động hơn 10 nghìn xe đạp thồ, 1.126 thuyền gỗ, 31 ô-tô, 180 xe bò, 42 ngựa, ba con voi thồ hàng và toàn tỉnh đã vận chuyển, cung ứng 50% khối lượng lương thực, 40% khối lượng thực phẩm cho cả chiến dịch. Thanh Hóa còn là nơi tập trung, trao trả tù binh Pháp theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ. Về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “... Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.