Gỡ khó mô hình “Ba tại chỗ” tại các khu công nghiệp

Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã tấn công mạnh mẽ vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, đến nay đã khiến hơn 10.000 công nhân, lao động (CNLĐ) bị nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn công nhân trở thành đối tượng F1, F2 phải thực hiện cách ly theo dõi. Điều này dẫn tới việc duy trì hoạt động trong các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Gỡ khó mô hình “Ba tại chỗ” tại các khu công nghiệp

Có thể thấy, trong điều kiện đó, mô hình “Ba tại chỗ” ra đời như là quyết tâm và giải pháp của Chính phủ giúp doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm đời sống người lao động (NLĐ). Ngay sau khi cho phép triển khai “Ba tại chỗ”, đông đảo DN đã đăng ký thực hiện mô hình.

Tuy nhiên, khi triển khai rộng rãi, tại các tỉnh, thành phố phía nam gặp nhiều khó khăn so với các tỉnh phía bắc do địa giới, con người và trung chuyển nhân lực. Bên cạnh đó, mỗi địa phương lại có những quy định khác nhau khi triển khai, khiến DN lúng túng, nhất là tại các DN đông CNLĐ. Do phát hiện nhiều ca F0 tăng nhanh, nhiều DN vừa đi vào hoạt động đã phải dừng, đóng cửa. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguyên vật liệu cũng góp phần khiến DN phải  quyết định dừng hoạt động dù đã đáp ứng đủ điều kiện triển khai “Ba tại chỗ”.

Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dịch Covid-19 xuất hiện nhiều tại các DN thực hiện “Ba tại chỗ” có một phần do các chủ DN lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện phương án “Ba tại chỗ”, “Một cung đường, hai địa điểm”, tại một số tỉnh, thành phố phía nam, khi  tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho NLĐ, nhiều DN dù phát hiện các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm nhưng vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất. Nhiều DN do sức ép đơn đặt hàng, bảo đảm tiến độ, hoặc chi phí xét nghiệm cho số đông CNLĐ tốn khá nhiều chi phí, trong khi thiếu lao động cho nên cố tình luồn lách đưa CNLĐ vào xưởng sản xuất, không qua xét nghiệm, cách ly...

Để “Ba tại chỗ” thành công như kỳ vọng, điều quan trọng là DN cần bảo đảm, lựa chọn nguồn lao động không bị nhiễm bệnh ngay từ đầu vào, có phương án, kịch bản xử lý khi xảy ra tình huống xấu. NLĐ phải được quan tâm nâng cao sức khỏe, tăng chất lượng bữa ăn ca, bảo đảm cung đường từ nhà máy về nơi tập trung, khu trọ an toàn, tránh các nguồn lây nhiễm, hoặc mang mầm bệnh từ bên ngoài vào nhà máy. Bảo đảm cơ sở vật chất tốt để NLĐ yên tâm ăn nghỉ và sản xuất trong DN trong nhiều ngày. Bên cạnh đó, DN cần có sự hợp tác nghiêm túc, chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch nhằm kiểm soát được nguồn lây và thực hiện hiệu quả, bảo vệ tài sản quý của DN, chính là NLĐ...