Triển khai nhiều chương trình, dự án
Đại tá Trần Văn Chanh, Chính ủy Đoàn KT-QP 326 (Quân khu 2) cho biết, đơn vị làm nhiệm vụ xây dựng khu KT-QP Sông Mã, gồm địa bàn 15 xã của ba huyện: Sốp Cộp (tỉnh Sơn La); Điện Biên và Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), trong đó có chín xã biên giới, với hơn 190 km đường biên giới Việt - Lào. Trước thực tế các xã trong vùng dự án ở vùng cao, biên giới điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 40,59%), những năm qua, Đoàn KT-QP 326 đã triển khai nhiều chương trình, dự án giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi... Tính riêng 5 năm trở lại đây, Đoàn KT-QP 326 đã phối hợp tổ chức hơn 20 lớp xóa mù chữ, giúp hàng trăm người dân ở các bản biên giới của huyện Sốp Cộp biết đọc thông, viết thạo. Mỗi năm, Đoàn còn vận động cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện của đơn vị đẩy mạnh phong trào “Tiết kiệm cá nhân, giúp dân xây dựng nông thôn mới”, thu được gần 50 triệu đồng và huy động hàng nghìn ngày công tham gia làm các công trình đường giao thông, nước sạch, làm nhà ăn bán trú cho học sinh, “cứng nền, bền mái” cho 1.210 hộ nghèo, gia đình chính sách, neo đơn. Đáng chú ý, Đoàn đã và đang nhân rộng cách làm mới, sáng tạo trong công tác dân vận, đó là tuyên truyền, vận động người dân, thanh niên các bản vùng cao biên giới trong vùng dự án đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ở trong nước để tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, bản Sam Quảng (xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp) là bản biên giới, có 47 hộ với gần 300 nhân khẩu, 100% là người dân tộc H’Mông; người dân sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn..., được triển khai cách làm mới, sáng tạo nêu trên lần đầu.
Già làng Giàng Chư Măng, 82 tuổi, ở bản Sam Quảng chia sẻ: “Ngày trước, dân bản mình chưa biết cách làm ăn, chăn nuôi không phát triển, không biết làm ruộng nước..., cho nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng từ khi có Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 7, Đoàn KT-QP 326 về đóng quân ở bản, bộ đội đã hướng dẫn các hộ cách làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn; mua lợn giống tặng các hộ nghèo, hướng dẫn bà con làm ruộng nước, cách làm vườn trồng cải bắp, su hào, rau cải; thí điểm trồng cây dược liệu cà gai leo, trồng sắn giống mới... Bộ đội cũng đã vận động và giúp người dân, thanh niên trong bản xuống các khu công nghiệp ở dưới xuôi để làm việc. Do vậy, đời sống của dân bản bây giờ đã khá hơn nhiều rồi. Bà con mình vui cái bụng, tin và làm theo bộ đội, yên tâm lao động sản xuất để “xóa cái đói”, “giảm cái nghèo”. Dân bản biết ơn Đảng, Nhà nước, Quân đội và cảm ơn bộ đội Đoàn 326 nhiều đấy...!”.
Nhân rộng mô hình giảm nghèo
Thượng tá Đinh Thị Tho, cán bộ Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho biết: Thời gian qua, Quân đội đã tổ chức thực hiện có hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo gắn với an ninh - quốc phòng (thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020). Trong đó, mặc dù kinh phí Nhà nước dành cho Bộ Quốc phòng triển khai dự án rất ít (đạt dưới 10% nhu cầu), nhưng Bộ Quốc phòng đã huy động thêm nhiều nguồn lực, ngày công của bộ đội để triển khai thực hiện; kết quả đã xây dựng và nhân rộng được hơn 100 lượt mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân (chủ yếu là hộ nghèo) trên địa bàn 24 huyện/11 tỉnh trong vùng dự án của 15 khu KT-QP thuộc các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 9; đều là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn, vùng tập trung chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống; địa bàn chiến lược về quân sự, quốc phòng. Đã có gần 6.000 hộ dân (chủ yếu là hộ nghèo) được trực tiếp thụ hưởng dự án; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dự án giảm trung bình hơn 5%/năm. 10 năm qua, các đoàn KT-QP trong toàn quân đã hoàn thành xây dựng 202 tuyến đường giao thông các loại; 134 cầu bê-tông và cầu treo độc lập; 29.366 m2 nhà (lớp học)... Đồng thời, phối hợp các địa phương bố trí lại dân cư tại 536 bản, điểm dân cư mới; xây dựng 58 trạm và 10 bệnh xá quân dân y; 49 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, 13 nhà văn hóa cùng nhiều công trình khác đã và đang thi công.
Cùng với đó, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 30a, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) giúp đỡ, hỗ trợ ba huyện nghèo là: Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hóa); Đakrông (Quảng Trị), với tổng số tiền là hơn 161 tỷ đồng. Đến năm 2020, Viettel đã hoàn thành kế hoạch đưa ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin vào công tác điều hành quản lý của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương ở ba huyện nêu trên; nâng cao trình độ cán bộ, công chức; nâng cao tiện ích, giảm chi phí đi lại và thời gian giải quyết công việc. Các công trình do Tập đoàn Viettel xây dựng (trường học, trạm y tế) đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng của huyện, nhất là đối với các xã khó khăn. Ngoài ra, Tập đoàn còn hỗ trợ các hộ nghèo bò giống, kinh phí làm chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giúp dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững…; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.