Gìn giữ bình yên miền núi cao

NDO - Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính với huyện Tây Trà, huyện miền núi cao Trà Bồng có địa bàn rộng hơn, dân số đông hơn. Khó khăn, thách thức những ngày đầu khi vùng núi phía Tây Trà Bồng không còn khu hành chính cấp huyện tăng thêm gánh nặng lên vai cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Trà Bồng. Nhờ việc gần dân, sát cơ sở hơn hai năm qua, Công an huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ gìn giữ bình yên ở miền núi cao Cà Đam.
0:00 / 0:00
0:00
Tuần tra ban đêm, trò chuyện với già làng uy tín là việc thường ngày của cán bộ, chiến sĩ Công an xã Trà Phong.
Tuần tra ban đêm, trò chuyện với già làng uy tín là việc thường ngày của cán bộ, chiến sĩ Công an xã Trà Phong.

Nghỉ buổi rẫy đi nghe “kể chuyện”

Đoàn công tác của Công an tỉnh Quảng Ngãi, huyện Trà Bồng đến điểm sinh hoạt văn hóa thôn Tre, xã Trà Tây từ sớm. Bên trong nhà văn hóa, nhóm nam giới ngồi chụm nhau thủ thỉ trò chuyện. Mỗi một lúc lại xuất hiện thêm vài thanh niên các thôn về điểm sinh hoạt. Hơn mươi phút chờ đợi, nhiều chị em phụ nữ các thôn đến cùng lúc kịp cho buổi nói chuyện, tuyên truyền của các cán bộ, chiến sĩ. Dù sớm hay muộn nhưng dự họp đông đủ là đặc tính của bà con vùng núi cao Quảng Ngãi.

Buổi nói chuyện chuyên đề về tình hình an ninh trật tự, giao thông, tảo hôn, mua bán phụ nữ, trẻ em, lừa tuyển dụng lao động ra nước ngoài bất hợp pháp… khiến Hồ Thị Dương ở thôn Bắc Nguyên, xã Trà Tây chú ý. Làm rẫy thuê quanh năm, Dương được nhiều người quen rủ rê đi làm thuê các tỉnh ngoài, hay đi ra nước ngoài kiếm tiền nhiều hơn. Nhưng Dương vẫn chưa dám đi vì sợ bị lừa bán ra nước ngoài.

Gìn giữ bình yên miền núi cao ảnh 1

Nghe tổ trưởng xóm bảo đi họp, Dương sắp xếp việc làm thuê để dự đúng ngày. “Rảnh không làm thì đi nghe kể chuyện. Mấy anh kể chuyện đánh nhau ở xã, tai nạn giao thông, lừa xin việc… Thôn, xã mời thì đi nghe, không hiểu nhiều thì hiểu ít. Mình nghe nhiều lần thì biết rõ hơn”, Dương bộc bạch.

Nhà ở thôn Tre, xã Trà Tây, một mình Hồ Văn Tùng vừa đi làm keo thuê, vừa lo cho hai con nhỏ học cấp 1. Để có tiền dư dả lo cho gia đình, vợ Tùng là Hồ Thị Thủy làm công nhân Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh hơn năm qua. Thu nhập khá so với mức sống miền núi nhưng đi làm xa nhà Tùng lo cho vợ ở khu công nghiệp. Dặn dò, chăm lo cho vợ, Tùng cũng canh cánh những rủi ro bên ngoài bìa rừng.

Các buổi họp, tuyên truyền kiến thức pháp luật, kinh tế xã hội, Tùng cố gắng đi dự cùng nhóm thanh niên trong thôn. Nghe “kể chuyện” cũng giúp vợ chồng Tùng thêm hiểu biết để làm ăn, lo dạy con cái và cảnh giác với rủ rê, hứa hẹn đi làm ăn. “Vợ làm dưới xuôi xa nhà nên tuần nào về cũng dặn dò không được đi tỉnh ngoài hay đi xa nguy hiểm. Các anh về tuyên truyền, xã thì vận động nên tốt cho mình với bà con, nhất là mấy gia đình có người đi làm ăn xa”, Hồ Văn Tùng tâm tư.

Điểm sinh hoạt văn hóa của thôn Tre rộng gần 100m2, hơn 70 bà con đại diện các thôn, bản của xã về dự buổi tuyên truyền, nói chuyện của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Ngãi, huyện Trà Bồng. “Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hay nói chuyện chuyên đề luôn được xã vận động và bà con tham dự thường đông đủ. Các hoạt động thường tổ chức ở thôn, xã sát làng bản nên thuận lợi cho dân hơn”, Trưởng thôn Tre Hồ Văn Vương cho hay.

Gìn giữ bình yên cho vùng núi đôi

Sau hơn hai năm tiếp nhận huyện miền núi Tây Trà, huyện Trà Bồng trở thành vùng núi đôi, rộng cả diện tích lẫn dân số của hai huyện vùng sâu vùng xa tỉnh Quảng Ngãi nhập lại. Gần 340 km2 diện tích tự nhiên và 20.000 dân huyện Tây Trà nhập vào huyện Trà Bồng, nâng tổng diện tích tự nhiên huyện Trà Bồng 760 và dân số gần 53.400 người.

Diện tích rộng, dân đông là thách thức không nhỏ đối với cán bộ, các lực lượng phục vụ dân sinh vùng sâu, nơi giáp ranh miền núi các tỉnh lân cận. An dân, ổn định tình hình an ninh trật tự là ưu tiên hàng đầu đối với vùng sâu vùng xa sáp nhập các đơn vị hành chính.

Tuần tra, trực ban đêm là nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ, chiến sĩ Công an xã Trà Phong sau ngày làm việc. Từng là trung tâm hành chính huyện Tây Trà cũ, sau khi nhập huyện, xã Trà Phong vắng lặng không còn sầm uất như xưa. Công tác bảo đảm an toàn cho nhân dân địa bàn là trọng yếu lúc giao thời.

Đại úy Hồ Văn Định, Trưởng Công an xã Trà Phong tâm tư: “Nếu trước đây địa bàn xã nhỏ hơn thì nay rộng, gấp đôi diện tích lẫn dân cư. Công việc, trách nhiệm cũng nhiều hơn nhưng lãnh đạo động viên, hỗ trợ nên cán bộ, chiến sĩ cơ sở cố gắng. Ngày đêm, mưa gió cũng không ngại”.

Gìn giữ bình yên miền núi cao ảnh 2

Cán bộ Công an tỉnh Quảng Ngãi trao đổi chuyên đề cùng bà con xã Trà Tây về kiến thức pháp luật, nạn mua bán phụ nữ, trẻ em, lừa tuyển dụng lao động ra nước, nạn tạo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời điểm đầu sau khi sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng, tình hình an ninh trật tự địa bàn có nhiều chuyển biến phức tạp, cả về tính chất và mức độ vụ việc. Công an huyện Trà Bồng phát hiện, xử lý gần 175 vụ phạm tội về trật tự xã hội, vi phạm pháp luật vế kinh tế, ma túy và các lĩnh vực khác. Cùng với đó, khởi tố 74 vụ cùng 170 bị can, nổi lên tình trạng thanh thiếu niên có tình trạng phạm tội có chiều hướng gia tăng.

Giảm thiểu và hướng đến ngăn chặn vi phạm pháp luật, ổn định tình hình an ninh vùng núi, lực lượng Công an huyện Trà Bồng thực thi nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt từ cơ sở, địa bàn. Các buổi nói chuyện, tuyên truyền ở xã, thôn địa bàn vùng sâu, phức tạp được đội, nhóm lực lượng thực hiện nhiều lần để bà con hiểu tường tận hơn.

Nội dung nói chuyện là kiến thức pháp luật, chuyện mua bán phụ nữ, trẻ em hay lừa tuyển dụng lao động ra nước ngoài bất hợp pháp, thanh thiếu niên tham gia cờ bạc, cá độ; nạn tạo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu, bạo lực gia đình… Cách nhận diện phương thức, thủ đoạn của hành vi vi phạm pháp luật được hướng dẫn, phổ biến cho bà con làng bản.

Gìn giữ bình yên miền núi cao ảnh 3

Trao tặng quà cho gia đình khó khăn, động viên bà con xã Trà Tây làm ăn kinh tế.

Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây Hồ Thị Vi Na chia sẻ, toàn xã có 98% dân tộc thiểu số người H’re, tiếp cận pháp luật, thông tin khó khăn. Công an huyện cùng chính quyền địa phương phải vận động, tuyên truyền sâu rộng trong làng bản, khu dân cư xa trung tâm huyện, xã sẽ đạt hiệu quả cao hơn. “Các buổi nói chuyện, tuyên truyền từ tỉnh, huyện về đây rất có ích cho cơ sở. Chúng tôi cũng vận động bà con ngày này tháng nọ nhưng có sự góp sức của các cấp thì đỡ gánh nặng cho xã, bà con cũng hiểu thêm nhiều điều hơn”.

Cùng với công tác vận động, tuyên truyền lực lượng chức năng có nhiều biện pháp nghiệp vụ từ cấp cơ sở thôn bản mở rộng khu vực xã, huyện. Gần dân, bám sát địa bàn giúp cán bộ, chiến sĩ nắm chặt chẽ tình hình, vụ việc để có giải pháp kịp thời ngăn chặn, phát sinh vi phạm pháp luật, gìn giữ an ninh trật tự địa bàn. Những nỗ lực từ cơ sở, vùng sâu giúp tình hình an ninh, trật tự ở miền núi Trà Bồng ổn định, số vụ vi phạm an ninh trật tự giảm mạnh so với thời gian đầu sáp nhập địa bàn hành chính.

Thượng tá Trần Văn Hảo, Phó trưởng Công an huyện Trà Bồng chia sẻ, với phương châm bám sát cơ sở, cán bộ chiến sĩ đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định pháp luật, đoàn kết trong làm kinh tế, cải thiện cuộc sống.

“Ban lãnh đạo Công an huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều hoạt động thực tiễn phù hợp từng khu vực trong bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời. nhiều biện pháp nghiệp vụ, kịp thời nắm bắt tình hình, tham gia phối hợp hòa giải ổn thỏa nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai không để phát sinh khiếu kiện phức tạp, kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật từ lúc mới manh nha”, Thượng tá Trần Văn Hảo khẳng định.