Những vấn đề đặt ra từ vụ đổ tàu E1

 
Ðến nay, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam lái tàu Bùi Thái Sơn. Ngoài thông tin ban đầu từ "hộp đen" cho biết tàu chạy quá tốc độ (quy định 40km/giờ, tàu chạy 68 - 69km/giờ, vượt mức cho phép 72%) các cơ quan điều tra đang tiếp tục xem xét, làm rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, qua ý kiến của những người trực tiếp có mặt tại hiện trường, qua trao đổi với một số người am hiểu vận tải đường sắt, chúng tôi thấy có một số vấn đề đáng quan tâm, góp phần phân tích làm rõ nguyên nhân, sớm có biện pháp khắc phục  bảo đảm tốt hơn an toàn chạy tàu.

Một là, để tàu chạy quá tốc độ trước hết là trách nhiệm của người lái tàu. Tuy vậy, nhiều người đặt câu hỏi: Phụ lái tàu (có trách nhiệm hô, đáp và thông tin tín hiệu trên đường cho lái chính), trưởng tàu an ninh (phụ trách kỹ thuật bao gồm nhiệm vụ giám sát tốc độ), các nhân viên trên tàu (phải có mặt ở vị trí kiểm tra an toàn khi tàu vào cua, chuẩn bị lên dốc) lúc ấy đang làm gì, ở đâu? Biển báo tốc độ quy định 40km/giờ, các đoàn tàu khác qua đây có chạy đúng tốc độ này không, hay là chỉ đến khi gặp nạn mới được làm rõ? Trước khi đến biển báo tốc độ chạy tàu 40km/giờ, tàu được phép chạy 55km/giờ trên một đoạn đường rất ngắn, có đủ thời gian cho lái tàu thao tác giảm tốc độ không?

Hai là, tại sao móc nối giữa toa xe số 3 và số 4 khi bị đứt gãy, có người phát hiện có biểu hiện khuyết tật? Trách nhiệm của nhà máy chế tạo, cơ quan đăng kiểm ở đây như thế nào?

Ba là, phải chăng có sự nôn nóng rút ngắn hành trình chạy tàu? Tàu khách Thống Nhất từ chỗ 72 giờ, qua nhiều dự án rút xuống 30 giờ (từ ngày 31-5-2002). Ai cũng biết với cơ sở hạ tầng đường sắt chưa được nâng cấp đồng bộ, việc rút ngắn hành trình chạy tàu bắc-nam ngày càng khó hơn vì đã đến gần điểm giới hạn. Từ giữa năm 2004, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép rút ngắn thời gian chạy tàu xuống 28 giờ, Bộ trưởng GTVT đã có ý kiến: "Tổng công ty Ðường sắt báo cáo về đề án "rút ngắn" này trên cơ sở phân tích rõ việc bố trí nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay ngân sách bố trí cho việc nâng cấp bảo đảm an toàn giao thông còn chưa đủ, nhiều cầu yếu, nhiều đoạn đường chưa được đầu tư nâng cấp, nhiều đường ngang chưa được đầu tư... Trên cơ sở báo cáo của Tổng công ty Ðường sắt, giao Cục đường sắt Việt Nam thẩm định và đề xuất, kiến nghị với bộ để bộ có quyết định về vấn đề này".

Cuối tháng 6-2004, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam đã có công văn gửi Tổng giám đốc Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam đề nghị cung cấp đề án vào ngày 10-7-2004. Vì sao cho đến nay, Tổng công ty Ðường sắt chưa trình đề án nhưng đã cho một đoàn tàu chạy với hành trình 29 giờ? Liệu sự nôn nóng này có tác động đến hoạt động chỉ đạo chạy tàu hằng ngày không?

Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn và chưa được đầu tư lớn, ngành vận tải đường sắt đã có nhiều cố gắng, được hành khách tin cậy trước hết vì mức độ an toàn trong vận tải. Chính vì vậy, cần sớm làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn nói trên, nhất là đề ra những giải pháp khắc phục để không xảy ra tai nạn đau xót như vụ đổ tàu E1.