Ðợt bùng phát dịch thứ tư đã và đang để lại những hậu quả nặng nề đối với đời sống người dân và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Ðể kịp thời tháo gỡ khó khăn và tiếp sức, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ngay tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15. Ðồng thời, Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ để khẩn trương nghiên cứu, xem xét các đề xuất của Chính phủ. Từ đó, đã ban hành các nghị quyết với hàng loạt chính sách chưa từng có tiền lệ và được thực hiện ngay vào thực tế. Chính phủ đã cố gắng huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa để chi cho phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân…
Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch dự báo sẽ rất lớn trong khi nguồn huy động từ xã hội có dấu hiệu giảm dần. Vì vậy, ngân sách nhà nước vẫn sẽ là nguồn lực chính cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Và do đó, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 phải bảo đảm đúng điều kiện, đối tượng, tuyệt đối không được để xảy ra lãng phí, thất thoát, trục lợi. Ðây là điều kiện quan trọng nhất để các chính sách phát huy hiệu quả đối với cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Ðể thực hiện được những mục tiêu nêu trên, các cơ quan chức năng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Vừa qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về thực hiện chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Các đoàn kiểm tra đã giám sát tình hình hỗ trợ gạo và các chính sách an sinh xã hội khác; nắm bắt thực trạng thiếu hụt lao động trong các ngành, nghề, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình hình dịch chuyển lao động…
Qua kiểm tra thực tế, các đoàn đã phát hiện nhiều bất cập trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ. Ðáng chú ý là do thời gian gấp rút và thực hiện giãn cách xã hội cho nên còn bỏ sót một số đối tượng; một số người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 do không thuộc các nhóm đối tượng được hưởng theo quy định; các xã, thị trấn còn nhiều lúng túng cho nên mất nhiều thời gian để hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động; nhiều địa phương vừa tập trung công tác phòng, chống dịch vừa triển khai thực hiện chính sách trong thời gian đang thực hiện giãn cách xã hội cho nên gặp khó khăn trong công tác lập hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ dẫn đến tiến độ còn chậm...
Trên cơ sở đó, các đoàn kiểm tra đã có những đề xuất, tham mưu cơ quan cấp trên sửa đổi, bổ sung để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát cần tiếp tục được thực hiện rộng khắp và sâu sát hơn nữa, trong đó cần chú trọng, quan tâm những lĩnh vực, đối tượng đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ đại dịch. Ðáng chú ý trong đó là chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế. Các đoàn giám sát, kiểm tra cần triển khai công việc với tinh thần bám sát thực tế, đi sâu tìm hiểu những khó khăn, trở ngại; trực tiếp thăm hỏi các đối tượng chưa được thụ hưởng… Qua đó, khẩn trương tham mưu, đề xuất chính xác, kịp thời các nội dung cần giải quyết để góp phần bảo đảm các chính sách hỗ trợ tiếp tục đến tận tay người dân khó khăn, người dân nghèo.