Tạo việc làm cho người dân
Ấn tượng mạnh ở huyện miền núi Sơn Hà là diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc. Đô thị Di Lăng được đầu tư đồng bộ, xứng tầm giữ vai trò trung tâm kinh tế-văn hóa ở miền tây Quảng Ngãi. Nhiều công trình trọng điểm được tỉnh, huyện đầu tư đã tạo cơ sở hạ tầng ban đầu cho đô thị mới. Ngày nay, người dân di chuyển từ trung tâm huyện lỵ Sơn Hà đến các huyện miền núi Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long và Tây Trà với quãng đường không quá 30 km. Đây là điều kiện thuận lợi để liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa bền vững cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Nhiều hộ dân ở thị trấn Di Lăng cho biết: Cách đây 5 năm, thị trấn Di Lăng còn nằm trong “tốp” cuối của tỉnh Quảng Ngãi về phát triển kinh tế - xã hội; số hộ nghèo khá cao; cơ sở hạ tầng dường như không có gì; nhiều tuyến đường nội thị bị xuống cấp khiến việc đi lại của đồng bào rất khó khăn. Vậy mà, chỉ trong ba năm gần đây, khi nhân dân ủng hộ, đồng tình chủ trương phát triển đô thị của huyện thì trung tâm huyện lỵ Sơn Hà đã trở thành một khu phố mới khá sầm uất. Huyện đã đầu tư chợ trung tâm, hình thành bến xe, các cụm thương mại, dịch vụ buôn bán thuận lợi. Điều mà người dân phấn khởi hiện nay là được chuyển đổi ngành nghề, có việc làm thường xuyên và mức sống được nâng cao. Phố mới đã có một công viên cây xanh, giải phóng được khu vực trước đây bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công viên Di Lăng hiện trở thành trung tâm vui chơi giải trí, rộng 8.850 m2, được đầu tư đồng bộ các hạng mục như đường nội bộ, sân vườn, điện chiếu sáng và hệ thống thoát nước... Khu tái định cư Mang Cành, xã Sơn Trung được huyện đầu tư hạ tầng đồng bộ như đường nội bộ, hệ thống cấp, thoát nước, khu sinh hoạt văn hóa, sân bóng... với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Đây là điểm tái định cư mới đã được quy hoạch trên 3 ha với 55 lô, đã bố trí cho người dân làm nhà ở (mỗi lô khoảng từ 350 đến 370 m2), hỗ trợ tiền làm nhà 15,8 triệu đồng/hộ. Hiện nay, đã có hơn 30 hộ đồng bào vùng cao khó khăn di dời đến đây làm nhà ở khang trang, đầu tư sản xuất có hiệu quả và ổn định cuộc sống lâu dài.
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững làm tiền đề xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản xuất nông-lâm-thủy sản đã đi vào chiều sâu với nhiều mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Nông dân được chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật một cách căn bản và ứng dụng trong sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao. Nhiều loại cây trồng chủ lực được thay đổi giống mới phù hợp với từng chân đất, đã tăng năng suất, chất lượng và trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: "Chuyện xóa nghèo cho đồng bào Sơn Hà không phải bây giờ mới đặt ra. Lâu nay huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhưng hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững. Do đó, nhiều hộ đã xóa được nghèo nhưng vẫn liên tục tái nghèo. Gần đây, huyện có nhiều giải pháp mở hướng xóa nghèo bền vững cho người dân. Một trong những cách làm hay, thiết thực và được đồng bào ủng hộ, đó là cho “dân mình cái cần câu” để phát triển sản xuất...". Hiện nay, huyện chủ trương xã hội hóa chương trình hỗ trợ người nghèo thông qua huy động vốn trong dân và vốn đối ứng của Nhà nước để hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất. Chẳng hạn, khi được Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò thì hộ nghèo phải bỏ thêm 10 triệu đồng để mua giống bò lớn hơn và trồng cỏ, làm chuồng nuôi bò. Cách làm này đã gắn trách nhiệm của hộ nghèo với đồng vốn bỏ ra, cho nên việc đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt rất có hiệu quả. Phương thức hỗ trợ dần thay đổi theo hướng tăng cường hỗ trợ người nghèo, cận nghèo đã đạt nhiều hiệu quả trong sản xuất và giảm nhanh số hộ nghèo trên địa bàn.
Mở hướng giảm nghèo bền vững
Một trong những mục tiêu hàng đầu của huyện Sơn Hà hiện nay là giảm nghèo bền vững. Đảng bộ huyện vẫn tiếp tục đề ra hai nhiệm vụ đột phá và hai nhiệm vụ trọng tâm cùng nhiều giải pháp “chiến lược” giảm nghèo cho người dân. Đó là tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức, cơ sở đảng; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng đảng viên, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị ở cơ sở; đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với phát triển kinh tế rừng. Đây là bước đột phá căn bản, mở hướng giảm nghèo cho người dân. Huyện tiến hành quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và nông thôn phù hợp với từng vùng theo hướng tập trung sản xuất cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp và duy trì diện tích, tăng năng suất ba loại cây mũi nhọn của huyện, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Ngoài những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, chắc chắn huyện miền núi Sơn Hà sẽ sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và hoàn thành tốt Chương trình xóa nghèo bền vững cho người dân, tạo động lực để huyện sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa ở miền tây Quảng Ngãi.