Giải pháp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 97% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường với những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đa phần trong nhóm này là những doanh nghiệp mỏng về vốn, hạn chế về quản trị,…
0:00 / 0:00
0:00
Giải pháp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đó cũng là lý do khu vực này luôn là một trong những đối tượng ưu tiên trong các chính sách của Nhà nước, cũng là nhóm khách hàng mà ngành ngân hàng dành ưu tiên trong hoạt động cấp tín dụng.

Thời gian qua, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng các chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.

Tăng sức hấp thụ vốn

Trong bối cảnh hiện nay, người dân và doanh nghiệp, nhất là DNNVV đều đang rất khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo nhìn nhận của Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Trần Anh Quý, do nền kinh tế trong và ngoài nước đều gặp khó khăn cho nên mức độ rủi ro cao hơn khi doanh nghiệp khó chứng minh được hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) khó có điều kiện hạ chuẩn cho vay. Điều này dẫn đến các TCTD muốn cho vay mà không tìm được khách hàng đủ điều kiện vay.

Hiện nay, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhất là DNNVV luôn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm, thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngân hàng đã ban hành nhiều thông tư, văn bản chỉ đạo với các cơ chế đột phá, tạo hành lang pháp lý để TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng, trong đó phải kể đến chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng trong suốt thời gian có dịch Covid-19.

Tháng 4 vừa qua, trước khó khăn về thị trường, xuất khẩu,… ngân hàng đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ vay đến hạn, thời gian thực hiện từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.

Bên cạnh việc chủ động giảm lãi suất điều hành tạo cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp cho DNNVV.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các TCTD tăng cường năng lực thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. “Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là chỉ đạo các TCTD tiết giảm thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải bảo đảm theo quy định. Vì điều kiện cho vay áp dụng theo Luật TCTD nếu muốn thay đổi thì phải sửa luật”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Giải thích thêm về một số nguyên nhân khiến các TCTD khó có thể hạ chuẩn cho vay, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết: Tiền cho vay không phải tiền của ngân hàng mà của những người gửi tiền tại các ngân hàng đó, cho nên ngân hàng phải có trách nhiệm với người gửi tiền.

“Hiện năng lực quản trị, hệ thống sổ sách kế toán của DNNVV cũng còn nhiều bất cập, nếu doanh nghiệp không thực hiện hệ thống sổ sách kế toán rõ ràng, nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tuân thủ quy định pháp luật, nguyên tắc quản trị công ty tốt, mà luôn xảy ra xung đột hoặc tranh chấp nội bộ thì ngân hàng sẽ không sẵn sàng cho doanh nghiệp này vay tiền. Như vậy, rõ ràng là việc ngân hàng vẫn phải giữ chuẩn mực cho vay là cần thiết vì sẽ bảo vệ được cả lợi ích của người gửi tiền và xã hội,” Tiến sĩ Bình nhìn nhận.

Mở rộng kênh dẫn vốn

Trong xu thế phát triển tài chính hiện tại, theo ông Trần Anh Quý, việc mở rộng các kênh huy động vốn, nhất là qua thị trường chứng khoán, trái phiếu là những bài toán rất cấp bách. “Ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhưng nếu phụ thuộc hết vào ngân hàng, sẽ phát sinh nhiều vấn đề, nhất là đối với một nước đang phát triển như Việt Nam và chúng ta không thoát ra được cái bẫy mang tên nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng (bank base economy).

Điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như khả năng đáp ứng vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Chúng ta bắt buộc phải tìm kiếm các nguồn vốn khác, như những doanh nghiệp cổ phần phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn, thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu...”, ông Quý cho hay.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Duy Bình nhận định, cung ứng vốn trung và dài hạn của ngân hàng sẽ có mức giới hạn nhất định và bắt buộc phải dựa vào các nguồn vốn khác. Sự ngưng trệ của thị trường trái phiếu vừa qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc huy động vốn của DNNVV. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp nói chung cũng như DNNVV nói riêng.

Cũng theo vị chuyên gia này, những quy định hiện nay của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán cho phép doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Nguồn vốn này nằm trong công ty và rõ ràng cũng là một kênh huy động quan trọng cho doanh nghiệp trong trung và dài hạn.

Cuối cùng, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhận định, bản thân DNNVV cần khắc phục những hạn chế của mình đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay như giải pháp cải thiện khả năng quản trị tài chính, quan tâm hơn đến chất lượng hàng hoá dịch vụ, chỉ dẫn địa lý, vệ sinh an toàn...

Bên cạnh sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là Bộ Công thương trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Có như vậy mới khuyến khích khách hàng mua hàng, doanh nghiệp tháo gỡ đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương tăng cường bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, bởi hơn hết, các địa phương nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.

“Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tin rằng, tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn và DNNVV được hỗ trợ nhiều hơn. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tích cực triển khai các giải pháp cũng như phối hợp các bộ, ban, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với năm 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so với năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với DNNVV đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. Hiện nay, hầu hết các TCTD đều tham gia cho vay DNNVV, nhiều TCTD đã chủ động triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam