"Giấc mơ Mỹ" khốc liệt đến mức nào?

Nhiều gia đình khi quyết định gửi con đi học để thực hiện "giấc mơ Mỹ" nôm na hiểu rằng đó là một sự đầu tư lâu dài (hầu như phải chuẩn bị từ những năm cấp 3) và là con đường hết sức khó khăn. Nhưng rất ít người hình dung cụ thể: khó khăn đến mức nào?
0:00 / 0:00
0:00
"Giấc mơ Mỹ" khốc liệt đến mức nào?

Để "nhập cư bằng con đường tri thức" vào Mỹ, Ánh Lê (bang Michigan) mất tổng cộng 8 năm, từ lúc đi học cho đến lúc có "thẻ xanh" (green card - hay tư cách cư trú và lao động vĩnh viễn ở Mỹ). Con đường của Ánh đã thuận lợi hơn nhiều so với người khác: có việc làm trước khi tốt nghiệp, không trượt visa H-1B và được tài trợ làm green card sớm một năm so với quy định. Đó là 8 năm "dù có chuyện gì xảy ra cũng phải bước tiếp", "mệt cũng không dám nghỉ", Ánh chia sẻ.

Sau khi theo học thạc sĩ ngành kiến trúc tại Ý và thấy môi trường châu Âu không phù hợp với định hướng tương lai của mình, Ánh tìm cách sang Mỹ du học. Không có sự hỗ trợ về kinh tế của gia đình, lựa chọn đầu tiên của Ánh không phải trường tốt, ranking cao, cơ hội ở lại Mỹ lớn... mà là trường nào cho nhiều học bổng nhất. Để có thể chi trả cho học phí và sinh hoạt phí vô cùng đắt đỏ tại Mỹ, Ánh nhận công việc trợ lý nghiên cứu (research assistant) ở trường. Ngoài thời gian học, Ánh phải làm việc thêm 20 giờ một tuần: "Em bị sốc về độ khó. Dù đã học ở Ý, nhưng mức độ không là gì so với Mỹ. Em mạnh về chuyên môn kiến trúc và tiếng Anh giao tiếp rất tốt, nhưng công việc lại là đọc bài báo khoa học và viết báo cáo tóm tắt. Nhiều bài đọc không hiểu gì cả, chưa nói đến viết báo cáo", Ánh cho biết. Để hoàn thành công việc, không có cách nào khác phải làm việc nhiều giờ hơn.

"Để tiết kiệm thời gian đi lại, suốt học kỳ đầu tiên em chỉ về nhà một tuần hai lần để nấu ăn và lấy quần áo. Mỗi trợ lý nghiên cứu có một bàn làm việc, em lót bìa các-tông xuống cho đỡ lạnh rồi ngủ dưới gầm bàn. Đồ ăn chuẩn bị sẵn ở nhà, đóng thành từng hộp để tủ lạnh, ăn mấy ngày liền. Tắm ở phòng gym của trường". Nếu nói gọn lại thách thức của tất cả sinh viên Việt Nam ở Mỹ muốn một cơ hội ngang với người bản địa là chơi ở sân của họ, bằng luật chơi của họ, thì buộc phải nổi bật hơn. Thậm chí nổi bật hơn nhiều.

Ngoài việc học giỏi bất kể rào cản ngôn ngữ, sinh viên quốc tế cần có hồ sơ tốt với những dự án cá nhân hay, portfolio ấn tượng, phải tìm hiểu thị trường lao động và pháp luật lao động của Mỹ, phải mở rộng quan hệ (networking) tích lũy kinh nghiệm từ những người đi trước. Đó là chưa kể đến áp lực về tiền bạc, phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống và áp lực tâm lý. Sinh viên quốc tế bị sức ép rất lớn về thời gian. Vừa chân ướt chân ráo tới Mỹ đã nghĩ đến việc xin thực tập, rồi sau đó là xin việc. Ngay trong lúc học, Ánh đã đến các hội chợ việc làm, tìm đến các công ty ở khu vực mình học để xem có cơ hội nào không. Bất cứ khi nào đi du lịch hay tới các bang khác, Ánh đều tranh thủ thời gian tìm đến các công ty để chào hỏi như vậy. Bên cạnh đó, Ánh cũng thường xuyên lên mạng tra cứu thông tin về các công ty kiến trúc ở tất cả các bang để gửi hồ sơ, dù họ có đăng tuyển hay không: "Em gửi hồ sơ đến mọi công ty mình có thông tin, vì biết đâu họ cần người nhưng họ chưa đăng, hay họ thấy hồ sơ mình tốt thì họ tuyển. Thời gian đó, gần như mỗi ngày em ứng tuyển 5-6 chỗ trong suốt 2-3 tháng trời, tổng cộng phải hơn 200 công ty. Cuối cùng chỉ có 3 công ty nhận", Ánh cho biết cảm giác mấy tháng trời liên tục nhận thư từ chối thật khó khăn, nhưng vẫn phải vượt qua.

Dù tự thấy con đường của mình là thuận lợi, nhưng khi nhìn lại, Ánh vẫn ngậm ngùi dùng từ "vất vả, khổ sở" để mô tả. "Khổ nhất có lẽ là luôn phải cố gắng, không được phép nghỉ ngơi và luôn phải có kế hoạch hai. Những năm đó lúc nào em cũng thiếu tiền. Khi lập gia đình và sinh con, do chồng em đang học ở bang khác nên em vừa phải đi làm, vừa phải chăm con nhỏ một mình. Quy định cho phép làm việc bán thời gian để dành thời gian cho con, nhưng em không thể vì không đủ để trang trải cuộc sống. Có những lúc stress, ức chế tinh thần, nhưng vẫn phải làm vì không có cách nào khác", Ánh nhớ lại. Thậm chí khi mẹ mất, Ánh cũng chỉ có thể về Việt Nam 5 ngày, đưa mẹ về quê chứ không kịp dự đám tang, vì thời gian đó đang nộp hồ sơ xin việc, đang chờ phỏng vấn và vẫn phải đi làm ở trường.

Nếu Ánh là trường hợp tạm gọi đã thành công, thì Tùng Nguyễn (bang Missouri) là người vẫn đang trong quá trình hiện thực hóa "giấc mơ Mỹ". Thành tích học tập rất tốt (GPA 4.0), học ngành khoa học máy tính (computer science) vốn đang hợp thời, có hồ sơ đẹp khi đã từng thực tập ở một công ty lớn ở silicon valley, nhưng hiện Tùng vẫn chật vật để tìm cơ hội làm việc vì hiện nay thị trường lao động đang hết sức khó khăn. Nhiều công ty công nghệ lớn như Meta, Twitter, Snapchat, Amazon... đều sa thải hàng loạt và rất nhiều công ty khác đã ngừng tuyển dụng.

Cũng như nhiều sinh viên khác muốn ở lại Mỹ, Tùng có danh sách hơn 200 công ty đã nộp hồ sơ và cũng nhận gần 200 lời từ chối. 23 tuổi, tự kiếm tiền học thạc sĩ ở Mỹ, Tùng vừa phải làm trợ giảng, vừa phải học giỏi, vừa phải có hồ sơ ưu việt hơn người khác, vừa phải tính kế hoạch hai nếu không thể ở lại Mỹ - có thể là Canada, Singapore hoặc đâu đó. Cũng cần nói thêm rằng cả hai bạn trẻ được nhắc đến trên đây đều là những người có năng lực nổi bật hơn người khác (Ánh là á khoa cả đầu vào và đầu ra của Đại học Kiến trúc, Tùng là học sinh chuyên toán Trường Năng khiếu TP Hồ Chí Minh, được tuyển thẳng vào đại học), có khả năng tự lập, có bản lĩnh và giàu sức chịu đựng. Không phải sinh viên Việt Nam nào sang Mỹ cũng có những năng lực này, nên con đường có thể còn chông gai hơn. Nhiều người được gia đình lo lắng đầy đủ, không có áp lực về tài chính, nhưng không thể hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ và chấp nhận quay về nước. Sống ở nước ngoài không dễ, phải đối phó với cảm giác là người ngoài, cảm giác bị khước từ, đôi khi bị phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc...

Cho đến nay, dù số liệu được phía Mỹ công khai, nhưng dường như chưa có báo chí hay hội nhóm du học Việt Nam nào thực sự nhìn thẳng vào số visa làm việc được cấp cho công dân Việt Nam, để thấy cánh cửa vô cùng hẹp. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, năm 2019 công dân Việt Nam nhận được số visa H-1B cao nhất trong lịch sử, nhưng cũng chỉ có tổng cộng 575 cái, bằng 3,5% so với 16.586 sinh viên năm đó sang Mỹ du học. Năm đó, tổng số visa H-1B được phát hành là 188,123 thì sinh viên Ấn Độ chiếm 131.549, suýt soát 70%. Lượng visa công dân Việt Nam nhận được là 0,3%. Suốt từ 1997 đến 2021, tỷ lệ ở lại làm việc so với tỷ lệ sinh viên Việt Nam sang du học Mỹ cao nhất là năm 2001, được gần 8%, còn lại đều chỉ từ 2 đến 4%.

Nhìn vào số liệu để thấy cuộc chiến với "giấc mơ Mỹ" của các bạn trẻ khốc liệt đến cỡ nào. Cố gắng tài giỏi hơn sinh viên bản địa để có việc làm đã rất khó khăn, nhưng nó cũng chỉ mang đến 30% cơ hội ở lại Mỹ, vì bạn có thể trượt visa H-1B khi quay xổ số. Một chút vận rủi dễ dàng xô đổ bao nhiêu năm nỗ lực. Nhiều bạn trẻ đã phải đi đường vòng, sang Canada, sang châu Âu, về Singapore làm việc khi trượt visa. Có không ít người chọn con đường kết hôn với người bản địa để ở lại dễ dàng hơn. Cũng có rất nhiều người trở về nước.

Hỏi Ánh có thấy những gì đã trải qua là xứng đáng? Ánh cho biết: "Em lựa chọn Mỹ vì em thích sự tự do, được là chính mình. Em chưa bao giờ làm việc ở Việt Nam nên không thể so sánh. Tuy nhiên, nhiều bạn bè em ở Việt Nam có cuộc sống sung túc hơn nhiều. Có nhà, có xe. Trong khi em bao nhiêu năm rồi chưa bao giờ dám mua gì quá 200 USD. Vấn đề vẫn là lựa chọn ưu tiên và biết cái gì hợp với mình".

Nhiều gia đình dành hết tất cả những gì mình có cho con sang Mỹ với một mong muốn tốt đẹp, nhưng lại mơ hồ về con đường phía trước. Tất nhiên, Mỹ có hệ thống đào tạo đại học và sau đại học rất tốt. Đi du học Mỹ cũng không đồng nghĩa với việc chỉ ở lại Mỹ mới là có tương lai. Được tiếp xúc với môi trường văn minh, được dạy những kiến thức hiện đại, được trưởng thành hơn về tư duy... là những điều kiện cần cho một tương lai thành công, dù có thể không phải ở Mỹ. Vấn đề chỉ là hiểu biết hơn về con đường mà mình chuẩn bị bước vào.