Dừng dây chuyền sản xuất phân bón xả khí thải độc hại ra môi trường

NDO -

Sáng 18/8, Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh đã ký văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động dây chuyền sản xuất phân bón NPK số 2, Nhà máy sản xuất phân bón thuộc Công ty TNHH MTV supe Apromaco Lào Cai, do xả khí thải độc hại ra môi trường tự nhiên.

Nhà máy sản xuất phân bón supe lân Apromaco Lào Cai bị tạm dừng hoạt động dây chuyền sản xuất NPK số 2, do xả khí thải độc hại ra môi trường.
Nhà máy sản xuất phân bón supe lân Apromaco Lào Cai bị tạm dừng hoạt động dây chuyền sản xuất NPK số 2, do xả khí thải độc hại ra môi trường.

Trước đó, ngày 27/7, các cơ quan chức năng của tỉnh nhận được thông tin phản ánh của nhân dân thôn Phú Hà, xã Phú Nhuận về việc Công ty TNHH MTV Supe lân Apromaco Lào Cai xả khí thải màu đen, bụi màu xanh gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của nhân dân.

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra Xưởng sản xuất NPK số 2, tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng của Công ty TNHH MTV supe lân Apromaco Lào Cai.

Qua kiểm tra cho thấy, trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, Công ty TNHH MTV supe lân Apromaco Lào Cai đã không thực hiện đúng nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và không thực hiện theo Văn bản số 87/STNMT ngày 13/1/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai.

Cụ thể, Công ty đã thay đổi nhiên liệu sử dụng củi mùn cưa ép thay thế nguyên liệu than (theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường, quá trình sử dụng nguyên liệu đốt là than); quá trình vận hành sản xuất, hệ thống xử lý bơm cấp nước dập bụi trên ống khói và buồng lắng ướt xử lý khí thải bị hỏng; kết hợp với độ ẩm mùn cưa ép cao, dẫn tới hiện tượng khói khí thải phát sinh sau quá trình sấy có màu đen và vàng từng thời điểm.

UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Công ty TNHH MTV supe lân Apromaco Lào Cai phối hợp chính quyền địa phương giải quyết kiến nghị của người dân địa phương khi xảy ra các vấn đề ô nhiễm.

Trường hợp xác định gây ô nhiễm, Công ty phải chịu trách nhiệm hỗ trợ, đền bù thiệt hại theo đúng quy định. Đồng thời, thực hiện rà soát khắc phục quy trình sản xuất và quy trình xử lý khí, bụi thải tại các công đoạn và nâng cấp cải tạo, để bảo đảm các thông số khí thải trước khi thải ra ngoài môi trường nằm trong quy chuẩn cho phép.