Đưa hợp tác xã thành trọng tâm liên kết sản xuất

Từ năm 2016, xác định các hợp tác xã là nòng cốt, yếu tố quyết định thành công đối với sản xuất ở nông nghiệp, nông thôn, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành nghị quyết về xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh cũng triển khai đề án xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh cùng nhiều chính sách hỗ trợ. Đến nay, số lượng hợp tác xã đã tăng mạnh, khẳng định được vai trò không thể thiếu trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tinh bột nghệ tại Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành (thành phố Bắc Kạn). (Ảnh HƯƠNG LAN)
Sản xuất tinh bột nghệ tại Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành (thành phố Bắc Kạn). (Ảnh HƯƠNG LAN)

Bắc Kạn đang tiếp tục đề ra những chính sách mới để đưa các hợp tác xã lớn mạnh, chuyên nghiệp, làm bàn đạp đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu.

Liên kết bền vững

Thành quả lớn nhất của chính sách đưa hợp tác xã thành trọng điểm, nòng cốt trong sản xuất liên kết ở Bắc Kạn là tỉnh đã có những sản phẩm OCOP của các hợp tác xã vùng cao, của đồng bào dân tộc thiểu số xuất khẩu. Đây là điều chưa từng có ở tỉnh miền núi này, giúp thay đổi tư duy chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và tư duy sản xuất của người dân khi tự tin rằng nếu làm tốt hoàn toàn có thể xuất khẩu được.

Những ngày qua, người dân thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể) đang tích cực thu hoạch hành, tỏi vụ đông với diện tích hơn 1ha. Đây là mô hình trồng hành, tỏi vụ đông đầu tiên được Hợp tác xã Yến Dương liên kết với Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam triển khai với sự tham gia của 12 hộ dân.

Chị Nông Thị Thúy, thôn Phiêng Phàng cho biết, mặc dù lần đầu tiên đưa loại cây này vào sản xuất với quy mô hàng hóa, nhưng do có ký kết hợp đồng bao tiêu nên gia đình chị mạnh dạn tham gia với diện tích 2.000m2. Toàn bộ sản phẩm đều được Hợp tác xã Yến Dương thu mua.

Tại Ba Bể, Hợp tác xã Yến Dương còn liên kết sản xuất, bao tiêu hiệu quả nhiều sản phẩm. Năm 2022, hợp tác xã đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm 4ha dong riềng đỏ; 30ha bí xanh thơm với sản lượng trên 500 tấn quả; gần 20 tấn gạo Nếp Tài.

Tại thành phố Bắc Kạn, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành đang phát triển mạnh với sản phẩm tinh bột nghệ nếp đen, tinh bột nghệ nếp đỏ, nghệ thái lát sấy khô. Hằng năm, hợp tác xã bao tiêu khoảng 5.000 tấn củ nghệ cho người dân địa phương và các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì, Chợ Đồn, Chợ Mới. Nhờ liên kết bền vững, hợp tác xã đã có 20 đại lý tại các tỉnh và đã ký được hợp đồng cung cấp nghệ sấy lát cho một công ty xuất, nhập khẩu.

Đến nay, Bắc Kạn có 352 hợp tác xã, trong đó 299 đơn vị thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hơn hai năm qua, tỉnh đã hỗ trợ nhân lực cho 43 hợp tác xã. Các hợp tác xã đã hoạt động hiệu quả với doanh thu tăng bình quân 180%; lợi nhuận tăng 150%; thu nhập tăng 200%.

Thông qua liên kết sản xuất, quy mô, chất lượng sản phẩm của hợp tác xã được nâng lên, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với khai thác các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó một sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia) đều là sản phẩm liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với nông dân.

Định hình liên kết

Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn của Chính phủ, Bắc Kạn đã hỗ trợ 18 tỷ đồng cho Hợp tác xã Hợp Giang (Bạch Thông) chuyên sản xuất nấm; Hợp tác xã rượu chuối Tân Dân và Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành (thành phố Bắc Kạn), để xây dựng nhà xưởng. UBND tỉnh hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành chuyên sản xuất tinh bột nghệ; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Thành (Chợ Mới); Hợp tác xã chè Mỹ Phương (Ba Bể) máy móc thiết bị trị giá 900 triệu đồng.

Các đơn vị liên quan cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bằng nhiều hình thức cho hợp tác xã, như: Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới hỗ trợ máy móc cho 19 hợp tác xã hơn 3,5 tỷ đồng; Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 36 doanh nghiệp, hợp tác xã về mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, hướng dẫn 17 đơn vị thực hiện đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu hàng hóa), hỗ trợ hai hợp tác xã đổi mới công nghệ sản xuất và trồng trọt với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 4,5 tỷ đồng cho 17 hợp tác xã tham gia mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Sở Công thương hỗ trợ 18 hợp tác xã thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm; 10 đơn vị nâng cao công suất máy móc thiết bị... với kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng.

Năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thông qua Nghị quyết số 37/NQ-HĐND về đầu tư Dự án hỗ trợ kết cấu hạ tầng các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư cho 14 hợp tác xã nông nghiệp xây dựng nhà kho, nhà xưởng sản xuất, chế biến, bảo quản. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 31 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 30 tỷ đồng; đối ứng của hợp tác xã hơn 1,5 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, qua rà soát hiện có 27 hợp tác xã hoạt động còn yếu và không hiệu quả, do thiếu nhân lực có trình độ, hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin cũng như điều hành. Do đó, đầu năm 2023, tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ nguồn nhân lực cho hợp tác xã, giai đoạn 2022-2025. Mỗi hợp tác xã được hỗ trợ một lần để thuê một lao động có trình độ cao đẳng trở lên làm việc, thời hạn hỗ trợ tối đa 36 tháng. Bắc Kạn quyết định đầu tư hơn 18 tỷ đồng để thực hiện chính sách này cho 100 hợp tác xã.

Bắc Kạn thành lập tổ công tác hỗ trợ nguồn nhân lực cho hợp tác xã. Tổ công tác sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã đưa lao động trẻ về làm việc; rà soát các hợp tác xã đủ điều kiện, gửi báo cáo cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt danh sách được hỗ trợ; tư vấn hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho các hợp tác xã được phê duyệt danh sách hỗ trợ theo quy định...