Đứa con của đá

Mặc trời tối từ lâu, mặc lũ muỗi đói cắn sưng khắp người, Chải vẫn ngồi lỳ nép sau tảng đá dưới chân cầu thang nhà Pền. Nắm xôi trong tay Chải đã bóng nâu, sắn lại như cái bánh dì. Bụng đói cồn. Thi thoảng nó ghé môi vào miếng xôi, khẽ liếm, nước miếng trào lên, lại cố nuốt xuống. Không được, Pền cũng thèm xôi trắng lắm. Mùa đói, chỉ ăn cơm độn và củ luộc, có miếng xôi trắng quý đến nỗi, nó hít hà mân mê thật lâu mới nhặt từng hạt cho vào miệng ăn dè như hưởng thụ. Mộng ngoại (1) đi đám lễ ở Mường xa, quà đem về là nửa đùm xôi trắng, mộng bảo nó ăn một nửa, còn nửa phần mế (2). Thế nhưng, cái nửa ít ỏi ấy nó cũng chỉ ăn một nửa. Nó chưa ăn mất phần Pền miếng g

Đứa con của đá

Nhìn Pền có cha thật thích. Cha Pền thường xoa xoa đầu, rồi cúi xuống hôn hít lên mặt mũi Pền, cưng nựng. Nhưng được ăn nắm xôi trắng trong ngày đói, có lẽ còn thích hơn tất cả mọi thứ mà Chải từng biết đến trên đời này. Nó chợt thấy nghèn nghẹn ở trong cổ, quay ra tựa đầu vào phên vách, đưa tay quệt nước mắt đang nhòe nhoẹt chảy. Nó cồn cào ao ước có một người đàn ông lạ đến gọi nó là con và...

- Cha con không phải là đá đúng không mộng ngoại? Mộng có biết cha con ở đâu không? Con muốn đi tìm.

Mộng ngoại lặng im một lúc rồi càu nhàu:

- Cha mày là đá chứ còn là ai mà hỏi mãi. Tìm thì lên núi mà tìm thôi.

Nó uất nghẹn đến phát khóc, chả thà mộng cứ im lặng, làm lơ đừng trả lời như những lần trước còn đỡ, sao mộng cũng phải cố nói cho giống mọi người ở cái bản này cơ chứ. Nó hét lên:

- Không phải, cha con không phải đá!

Nó quay lưng lại phía mộng ngoại, vùi chăn lút đầu thút thít. Nó không tin. Không hiểu vì điều gì, nhưng càng lớn nó càng không tin cha nó là đá. Những ngày gần đây có thêm nhiều điều làm cho niềm tin của nó lớn hơn. Đá làm sao mà biết trườn lên mẹ cho ra em bé như anh Lủng nói. Hôm đi chăn trâu, trời mưa đột ngột, nó chạy vào hang đá bên nương nhà anh Lủng. Nghe tiếng rên là lạ của con trai, con gái, mon men theo vách hang, khẽ vén tấm lá cọ che ngoài cửa hang, nhìn vào nó thấy anh Lủng không mặc gì, đang trườn trên người chị Mườn cũng không mặc gì. Vừa thoáng nhìn chưa hiểu chuyện, thì hòn đá dưới chân trượt trôi, làm nó ngã đập đầu vào vách đá. Đang lồm cồm bò dậy, đã thấy anh Lủng mặt tái mét, ngượng ngùng, hốt hoảng chạy ra, tay túm quần, tay túm lấy cổ áo nó quát. Rồi anh phải cho nó quà để đừng nói ra chuyện vừa rồi. Chải tò mò hỏi. Lủng nói:

- Cái đó… là... là trò người lớn, à... à... là để có em bé ngốc ạ, nhà chị Mườn không cho tao cưới chị ấy, nên bọn tao phải làm thế cho có em bé trong bụng chị mới cưới được.

Mặt Chải bỗng sáng lên như trời sau mưa. Nó ngẩn người nghĩ ngợi một lát, rồi cười tủm tỉm đội mưa chạy vụt đi. Hóa ra để có trẻ con thì người lớn phải trườn lên nhau như thế. Nó nhảy tâng tâng, mừng khấp khởi, vậy chắc chắn mình không phải là con của đá rồi. Từ hôm đó, cộng với việc tự nhiên thằng Pền có cha, làm nó càng nhiều hy vọng. Chỉ cần biết một chút, một chút gì đó thôi về cha, nó sẽ đi tìm. Nhưng làm sao để biết được điều gì về cha. Chỉ có mế thôi. Nó gạt chăn ra khỏi đầu nghiêng về phía bếp. Mế vẫn ngồi nhóm lửa, gương mặt đen nhăn, thô gồ, xấu xí như đá ấy lúc cười hềnh hệch, lúc mếu khóc. Thi thoảng mế hát bài hát của Mường. Hát vô thức thôi. Vì mế chẳng biết gì cả. Mế là hòn đá, chỉ hơn là biết đi, biết khóc và biết cười. Trừ những lúc lên cơn dở dại xua nó, cắn cào nó, thì mế cũng hiền như đá vậy. Mế hay nhìn nó với đôi mắt thăm thẳm buồn và hun hút man dại, rồi lại bật cười hoặc khóc, không định trước được. Thi thoảng mế lại gần, sờ tay lên mặt nó, hôn hít, âu yếm. Nhưng rất nhanh, như một phản xạ được tập quen, cứ hễ thấy mế lại gần nó là mộng ngoại chạy đến đẩy ra, đuổi mế đi. Vì mế cứ mân mê, cưng nựng một lúc lại cắn, véo cho nó khóc ré lên. Mộng biết đó là lúc mế yêu quá, cưng quá, nhưng người điên, đến cả cái cách họ yêu cũng không được đón nhận. Nên từ nhỏ nó chỉ nằm ngủ với ngoại. Mế thèm nó lắm, cũng đành ngồi nhìn từ xa như con thú bị thợ săn bắt con. Sau này nó lớn hơn, tự biết bảo vệ mình, cũng không ngủ với mế. Người mế lúc nào cũng hôi hám, khai hoi đến ngạt thở. Có nhiều khi mế đi đồi, đi nương về, người ngợm quần áo bẩn thỉu như trâu đằm bùn. Những ngày đó mộng ngoại khổ sở lắm mới có thể dỗ dành, nạt dọa để tắm rửa sơ sơ được cho mế. Mộng bảo, vì mế dở dại thế, nên từ bé không có ai bầu bạn, không ai ở gần, mế chỉ chơi được với đá thôi. Cả ngày trên đồi trên núi, ăn với đá, ngủ với đá, trò chuyện với đá. Người ta bảo mế làm tình với đá để sinh ra Chải. Bất kỳ ai hỏi về cha Chải mế cũng chỉ tay lên núi cười ngặt. Nhưng càng lớn Chải càng không tin.

Chải khẽ đưa tay gạt chăn ra khỏi người, ngập ngừng định bật dậy. Nó muốn gần gũi và nói chuyện với mế, biết đâu mế sẽ nhớ, sẽ kể gì đó về cha. Lửa đã tàn trong bếp, mế vẫn ngồi như hòn đá, ngất ngư, gật gù, có lúc giật mình tỉnh quơ lại cười khành khạch. Nó vừa tung chăn, chưa kịp bò dậy, thì mộng ngoại ngóc đầu lên quát lớn:

- Không đi ngủ là tao tắt đèn cho con ma nó lên đấy!

Mế nghe mộng quát dọa hốt hoảng, buông que củi trong tay, chạy thật nhanh lên chỗ ngủ của mình ở góc buồng, rồi ngoan ngoãn vùi chăn im thin thít. Nó nhìn trân trân, bỗng thấy cay cay sống mũi mà lòng thì xót xa như ai đó chà nắm lá nán (3) vào gan ruột.

Chải nằm bẹp sàn mấy hôm nay chẳng xuống khỏi thang. Không sốt, không đau ốm gì, chỉ thấy lòng rĩ rầu, gầy rộc. Mộng ngoại hỏi gì nó cũng lắc đầu, cho gì cũng lắc đầu. Ngoại lo lắng chạy đi tìm ông ậu (4) về xem bệnh, lễ ma.Nó lại trùm chăn kín đầu, nằm khóc. Thế là mọi hy vọng, mọi niềm tin bao lâu nay đã vỡ tan như giọt sương rơi trên lá xuống đá. Khoảng trời trong giấc mơ của nó như cửa hang bị đá đổ sập. Nó bỗng thấy giận ghét mế, lần đầu nó có cảm giác đó, mơ hồ và lẫn lộn. Tại sao lại là đá? Sao mế không cởi quần áo mà nằm trườn lên một người đàn ông nào đó, xấu xí, què quặt, chột lác như cha Pền cũng được. Sao lại với đá? Cái hình ảnh ấy vừa gớm ghiếc, vừa đáng ghét, vừa đau đớn, tội nghiệp đến khó tả. Giá như lần ấy và cả những lần sau nữa nó không tò mò đi theo mế lên hang đá trên thung Moong, thì có lẽ nó không khổ thế này. Việc mế vuốt ve, hôn hít, khóc cười với đá thật rõ là của người điên, nó cố để nghĩ mà thấy bình thường. Nhưng đến khi mế cởi hết quần áo, trườn lên đá, vật vã, điên dại, cào cấu với đá, đã làm nó thấy ghê sợ, căm ghét, cái gì đó như đá nhọn đè chọc lên ngực, nhức buốt. Một lần, hai lần, ba lần... và cuối cùng nó đã phải tin. Chắc mế cũng làm vậy với đá để có nó trong bụng như anh Lủng nói. Rồi biết đâu mai mốt trong bụng mế lại có một đứa nữa giống nó. Chải tuyệt vọng, đau khổ lại vừa thấy như oán giận. Nó là con của đá thật rồi, sẽ không bao giờ có người đàn ông lạ nào lên thang nhà nó và gọi nó bằng con nữa cả.

Chợt Chải nghe bên vườn nhà thằng Pền có tiếng hai cha con cười nói. Cha ơi, giọng thằng Pền gọi ngoan ngọt, nũng nịu, rất thân thương và thích thú. Nó lặng im thật lâu để nghe cho rõ mọi âm thanh từ cha con họ. Nó cũng muốn được gọi cha như thế, nhưng nó sẽ gọi nhiều lần hơn, gọi to vang hơn cho cả Mường, cả thung núi này nghe được. Nghĩ rồi nó vùng dậy lao đi, đi như mê, đi như ma dẫn, chân dẫm lên đá vừa thấy đau chân, lại vừa sợ đá đau. Nhón thật nhẹ nhưng cũng thật nhanh, nó leo đồi như con cầy hương, theo lối quen tìm đến hang đá. Khi trời vừa cạn chiều, nó cũng vừa chạm cửa hang. Bóng tối trong hang u tịch, chỉ vài vệt nắng cuối cùng hắt sáng, đủ để nó thấy nhìn lối vào. Người mệt lả, mắt hoa đi, cố lết vào trong. Đưa tay lần lên khắp mặt đá lạnh ngắt, chỗ phẳng phiu như chiếc phản gỗ, chỗ gồ ghề, mô mõm, nhưng tất cả đã trơn lẵn. Có lẽ mấy chục năm của mế ở đây đã làm đá trơn nhụi, nhẵn bóng và hiền hòa như vậy, đến mức ngả lưng nằm lên đó cũng không còn thấy gồ đau. Nó khuỵu xuống, tay sờ lên từng mô đá, khe đá, vuốt ve, hôn hít, gọi cha à, cha ơi, cha nghe con nói không? Rồi nó khóc rống lên, dồn hết sức nơi cổ họng, gào gọi một tiếng thật to, thật tha thiết, nghẹn ngào, vang nhói khắp thung Moong:

- Cha ơi...!

(1) Mộng ngoại: bà ngoại.

(2) Mế: mẹ.

(3) Lá nán: loại lá rừng có nhựa chà vào da thịt sẽ đau như bị kiến đốt.

(4) Ông ậu: ông thầy cúng.