Dự ước thu, chi Ngân sách nhà nước năm 2020 đều giảm so với dự toán

NDO -

Dự ước cả năm 2020 thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán; ước thực hiện tổng chi NSNN năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện NSNN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện NSNN.

Chiều 20-10, thực hiện chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội nêu rõ, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ làm ảnh hưởng hầu hết đến các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta và ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện nhiệm vụ NSNN.

Cụ thể, dự ước cả năm thu NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán; ước thực hiện tổng chi NSNN năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán.

Mặc dù cơ quan quản lý thu đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nợ đọng thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ các giải pháp thực hiện chính sách thu đã đề ra, song do tác động của đại dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán đã được Quốc hội quyết định, nợ đọng thuế còn cao, nhiều địa phương trọng điểm thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán.

Trong bối cảnh thu NSNN khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định, tăng cường kỷ luật tài chính, tập trung nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, khắc phục kịp thời hậu quả bão lũ, thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh, góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, do các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Do đó, bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS cho rằng: “Mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý”, đồng thời nhận định nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59% GDP.

Bên cạnh đó, Ủy ban TCNS cũng cho rằng các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu NSNN, là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.

Đồng thời, Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn khả năng thu NSNN, nhất là thu tiền bán cổ phần nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, thu từ dầu thô để có giải pháp điều hành NSNN phù hợp, tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu thu NSNN đạt mức cao nhất trong những tháng còn lại của năm 2020.

Ngoài ra, Ủy ban TCNS cũng lưu ý một số vấn đề về chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển còn một số tồn tại, như: tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm so với kế hoạch, chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương; việc điều chuyển vốn đầu tư công còn chậm và chưa kiên quyết, thủ tục giao vốn vẫn còn rườm rà, phức tạp, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công; nhiều dự án có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, ngày 2-11 Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về ngân sách nhà nước trong các ngày 4 và 5-11 (được phát thanh, truyền hình trực tiếp).

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV