Ngôi chùa cổ là một trong những di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng ở phía đông Hồ Tây. Tương truyền chùa được xây dựng vào thời Lý, do Thiền sư Ngô An (1019 - 1088) người làng khởi lập. Ðến thời Lê, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), chùa được xây dựng lại.
Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú, con gái Ðoan Quốc Công Thái Tổ Gia dụ Hoàng Ðế Nguyễn Hoàng, vợ của Thanh Ðô Vương Trịnh Tráng (1623 - 1657) cho xây dựng lại quy mô lớn.
Năm Minh Mạng thứ hai, chùa đổi tên là Sùng Ân Tự. Ðời Vua Thiệu Trị, Vua ngự giá thăm chùa, sau đó, năm 1842, Bộ Lễ xét thấy tên Sùng Ân Tự trùng với tên lăng của Vua nên xin cho đổi là Hoằng Ân Tự, ngày nay, chùa được gọi theo tên làng - chùa Quảng Bá.
Văn bia của chùa ghi: "Phía trước là Tây Hồ mênh mông, phía sau là Tam Ðảo xanh ngắt, nhà cửa san sát, xóm bao bọc xung quanh, muôn phần tươi đẹp".
Sách Tây Hồ chí chép: Chùa ở trên Hồ Tây thuộc phường Quảng Bố. Ðầu triều Lý dựng lên, tên là Báo Ân. Khoảng năm Thông Thụy, Ðạo sĩ Trần Tuệ Long đắc đạo tại đó, môn đồ thu xá lợi (xương cốt) nhập tháp (nay không còn dấu tích). Mùa Xuân năm Quý Mão, niên hiệu Hưng Long thứ 16, thời Trần Anh Tông, nhà sư Huyền Trang từ núi Yên Tử về kinh dự lễ triều hạ xong đã tới đây giảng kinh Thư Lăng Nghiêm.
Chùa còn lưu giữ được bộ di vật có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật với 30 pho tượng sơn son thếp vàng, tạo tác công phu tinh xảo, thuộc phong cách nghệ thuật thời Lê - Nguyễn, trong đó có pho tượng Quan Âm Nam Hải rất đặc biệt, tuy kích thước không lớn. Tượng có nét mặt thuần hậu, mặc áo cà sa nhiều nếp ở tư thế ngồi thiền, chân chống chân thõng, giẫm lên đài sen. Ba pho tượng Át Nam Tôn Giả, Hộ Pháp Tam Châu, Giám Trai Sứ Giả. Các chùa khác đều tạc ba pho tượng này ở tư thế ngồi, nhưng ở chùa Quảng Bá tạc ở tư thế đứng.
Chùa còn có ba pho tượng quý giá là bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, tượng Nguyễn Kim (ông nội bà Tú), tượng Nguyễn Hoàng (cha đẻ bà Tú) mà ở các chùa khác không có.
Trong chùa còn có hai quả chuông. Quả lớn được đúc năm Cảnh Hưng thứ ba (1743), cao 1,5m, đường kính 0,8m; vai chuông khắc nổi bốn chữ Hán: Long Ân Tự.
Quả chuông nhỏ được đúc vào thời Nguyễn. Ðặc biệt chùa còn lưu giữ bài kệ khái quát triết lý đạo Phật của Tổ Tông Diễn trình lên hòa thượng Thủy Nguyệt, Tổ sư của phái Tào Ðộng Việt Nam.
Nhà chùa còn giữ được 30 tấm bia đá, trong đó có tấm bia khắc hình một ni sư dựng ngày 28 tháng giêng năm Thiệu Trị thứ hai (nhiều người cho đó là hình Công chúa Ngọc Tú).
Trải bao mưa nắng, chùa vẫn giữ được quần thể kiến trúc đẹp, trước tòa tiền đường, lầu chuông cao ngất vươn lên cùng mây trời Hồ Tây lộng gió. Những cây nhãn cổ, vươn cành xum xuê tỏa rộng trên sân gạch đỏ sẫm.
Ðặc biệt, khu mộ tháp lô xô cao thấp, trầm mặc, ẩn mình dưới bóng ngọc lan thơm dịu dàng và thân cau cao vút như đưa chúng ta vào miền tâm linh thanh khiết. Ðây là nơi an nghỉ của nhiều Hòa thượng có công trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ đất nước: Hòa thượng Phạm Ngọc Ðạt, hiệu Bình Lượng là ân nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ Người hoạt động ở Thái-lan; Hòa thượng Thích Trí Ðộ, Thích Tâm An, Thích Mật Ứng và Thích Ðức Nhuận... Năm 1991, Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Với giá trị lịch sử - văn hóa và thế đắc địa mà thiên nhiên ban tặng, nhìn ra Hồ Tây mênh mông, chung quanh là những vườn quất trĩu quả, chùa Hoằng Ân là một trong những điểm văn hóa - du lịch của thành phố thu hút khách muôn nơi.
Ðến Quảng Bá, du khách đi trên những con đường nhỏ quanh co, hai bên là những vườn quất cảnh với các "thế" được uốn tỉa công phu; những chùm quả xanh đang dần chín vàng, làm đẹp cho muôn nhà khi Tết đến - Xuân về.
Vãn cảnh chùa, ta sẽ cảm nhận được những điều kỳ diệu của văn hóa Thăng Long ngàn xưa đang hiện diện trên từng tấc đất của làng cổ lên phố trong cuộc sống hôm nay.
Trở ra con đường mới mở ven hồ, thả hồn theo sóng biếc, sương giăng mây khói, nghe tiếng cá quẫy, xem câu văng và ngắm những ánh vàng ánh bạc lao xao trên mặt gương Tây Hồ. Ấy là cõi thực và mơ hòa giữa thiên nhiên trời đất, lòng người mà thiên nhiên ban tặng.