Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: “Mẹ đỡ đầu”, “Mái ấm biên cương”; “Duy trì và xây dựng mới các mô hình sinh kế bền vững ở khu vực biên giới”...
Những mái ấm tình người
Căn nhà nhỏ 40 m2 của chị Phạm Thị Lộc ở ấp Phú Trung, xã Phú Hội, huyện An Phú, những ngày này thật ấm cúng, gia đình quây quần bên nhau không còn lo mưa gió. Vợ chồng chị Lộc sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, công việc không ổn định, đã thế căn nhà nhỏ lâu ngày xuống cấp bị dột, đêm nào mưa lớn gia đình năm người lại chen chúc tìm chỗ ngủ. Cuộc sống khó khăn cho nên chị Lộc luôn mơ ước có được căn nhà che nắng, che mưa. Thế rồi niềm vui đã đến khi tháng 7/2024 chị Lộc nhận được thông báo là đối tượng được xây tặng căn nhà “Mái ấm biên cương”. Chị Lộc tâm sự: “Tính ra căn nhà này xây dựng hơn 100 triệu đồng, số tiền quá lớn đối với vợ chồng tôi. Nếu không có sự hỗ trợ không biết đến khi nào gia đình mới có được nơi yên ấm như thế này”.
Chị Võ Thị Em, ngụ ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội, huyện An Phú sống trong căn nhà chật chội. Chị Em bị khuyết tật phải làm nghề bán vé số, sức yếu không đi xa được, bán quanh quẩn trong xóm cho nên thu nhập cũng ít ỏi. Còn chồng chị đi làm thuê nên ngày có tiền ngày không, cuộc sống đắp đổi qua ngày cho nên chuyện sửa lại căn nhà cho tươm tất chị không dám mơ đến. Chị tủi thân, cứ nghĩ phải sống mãi trong căn nhà dột thì tháng 3/2023 tin vui đến. Ban đầu, thấy các cán bộ phụ nữ, biên phòng, chính quyền địa phương tới hỏi han chị không hiểu chuyện gì. Nhưng khi biết họ khảo sát để xây tặng căn nhà mới, chị mừng rơi nước mắt.
Mỗi trường hợp được tặng nhà đều có cảnh đời khó khăn, như hộ bà Trần Thị Thu Hương, ngụ ở ấp Vĩnh Quới, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn nhiều năm liền phải sống trong căn nhà tạm bợ cho nên mùa nắng thì nóng, mùa mưa tạt ướt chỗ nằm. Bây giờ, bà Hương không còn lo cảnh trời dông gió phải tá túc nhà hàng xóm vì sợ nhà bị sập, đêm ngủ không còn nằm co ro khi mưa dột. Hay như hộ bà Hồ Thị Xuyên, ngụ ấp Phú Trung, xã Phú Hội, huyện An Phú có chồng và con trai ruột bị mất sức lao động, gánh nặng cuộc sống một mình bà phải bươn chải cho nên chuyện xây được căn nhà thật xa xôi... Khi được thông báo xây tặng nhà, bà Xuyên xúc động không nói nên lời.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến thông tin, mỗi năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh khác hỗ trợ xây dựng từ một đến ba căn nhà tùy nguồn lực vận động. Từ năm 2021 đến nay, với Chương trình “Mái ấm biên cương” tại An Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ xây 11 căn nhà, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh hỗ trợ bảy căn, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện xây tặng bảy căn. Đối tượng là hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, chưa có nhà ở ổn định; mỗi mái ấm các nhà hảo tâm hỗ trợ từ 30 triệu đến 50 triệu đồng, phần còn lại gia đình đối ứng và Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở vận động hỗ trợ thêm.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh khác hỗ trợ xây dựng từ một đến ba căn nhà tùy nguồn lực vận động. Từ năm 2021 đến nay, với Chương trình “Mái ấm biên cương” tại An Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ xây 11 căn nhà, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh hỗ trợ bảy căn, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện xây tặng bảy căn.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến
Hỗ trợ người nghèo vùng biên giới
Thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ năm 2021, các cấp hội phụ nữ ở tỉnh An Giang đến nay đã nhận chăm sóc, nuôi dưỡng 274 trẻ tại An Giang bị mồ côi cha hoặc mẹ do dịch Covid-19. Thông qua các nguồn tài trợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã nhận đỡ đầu, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập, chăm sóc sức khỏe với mức hỗ trợ hằng tháng bằng tiền hoặc nhu yếu phẩm giúp các em vơi đi phần nào mất mát.
Căn nhà nhỏ ở xã Lê Chánh, thị xã Tân Châu, nơi em Nguyễn Thị Như sống cùng bà nội ấm áp tình người. Mẹ Như làm công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, còn bố làm thuê, lúc nhỏ Như theo mẹ sống và học ở trường gần nơi mẹ làm. Thế rồi, khi đang học lớp 3, dịch Covid-19 đã lấy mất người mẹ yêu dấu. Như phải trở về quê nhà ở xã Lê Chánh sống chung với bà nội, ở quê nhà khó kiếm việc làm nên bố Như trở lại Thành phố Hồ Chí Minh xin việc. Thấu hiểu cảnh côi cút của Như, các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã nhận đỡ đầu, thường lui tới chăm nom, hỗ trợ tài chính cho nên cuộc sống của Như và bà nội cũng ổn định hơn.
Mẹ mất, Như tưởng chừng bơ vơ lạc lõng, nhưng lại đón nhận được những tình cảm mới như ruột thịt. Từ tình cảm ấy, Như đã thương mến xem các cô trong Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lê Chánh là những “người mẹ” thứ hai. Như đi học tiếp, năm nay lên lớp 6 và các năm học vừa qua luôn đạt loại khá, giỏi. Nhờ các mẹ chăm sóc, Như đã vơi đi nỗi buồn, hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa. Khi gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, Như tâm sự cùng các mẹ đỡ đầu và được các mẹ tư vấn, giúp đỡ. Như nói, em sẽ cố gắng học giỏi hơn, không bỏ học giữa chừng để không phụ lòng quan tâm của các mẹ cũng như sự nhọc công của bố.
Cùng với chăm lo trẻ mồ côi, mái ấm cho phụ nữ khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở còn thành lập các mô hình hùn vốn xoay vòng, tiết kiệm nuôi heo đất, giới thiệu ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ vốn vay giúp hội viên, phụ nữ tuyến biên giới phát triển kinh tế; duy trì và xây dựng mới các mô hình sinh kế bền vững. Từ nguồn vốn do Trung ương Hội hỗ trợ ở giai đoạn 1 (2018-2020), giai đoạn 2 (2021-2025) trị giá hơn 300 triệu đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì mô hình sinh kế tại vùng biên giới xã Phú Hội, Vĩnh Hội Đông giúp 30 lượt hội viên mua bán nhỏ để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Thông qua mô hình đã tạo việc làm cho hội viên phụ nữ tại địa phương, không phải đi làm ăn xa, trong đó có nhiều phụ nữ thoát nghèo. Chị Võ Thị Dứt ngụ ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội bộc bạch: Nhờ được hỗ trợ vốn, nhiều chị em mở quán nước, đồ ăn, tiệm tạp hóa, từ đó có thu nhập ổn định, không phải đi làm công nhân xa như trước đây.
Những hoạt động thiết thực của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, góp phần chia sẻ với những khó khăn của phụ nữ nghèo khu vực biên giới giúp chị em vươn lên thoát nghèo. Trong giai đoạn 2018-2020, chương trình được triển khai thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực như: phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh trao 160 suất học bổng tặng các em học sinh; trao tặng 120 xe đạp; trao tặng 19 căn nhà mái ấm tình thương; hỗ trợ vốn sinh kế cho 20 chị hội viên nghèo; tặng 2.098 phần quà, 2.350 kg gạo, qua đó hỗ trợ 2.025 hộ hội viên phụ nữ nghèo, 2.810 em học sinh trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền hơn bốn tỷ đồng…
Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin, từ năm 2020 đến nay, Bộ đội Biên phòng và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mỗi năm đều phối hợp vận động các nhà hảo tâm tặng quà, học bổng, tập sách giúp học sinh nghèo; khám bệnh, phát thuốc miễn phí tặng hội viên phụ nữ khó khăn, học sinh nghèo vượt khó ở khu vực biên giới. Vào dịp Tết Nguyên đán đều phối hợp tổ chức trao quà tặng các phụ nữ khó khăn vùng biên giới. Ngoài ra, các đồn biên phòng còn phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố biên giới công nhận 74/771 hộ gia đình tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới; 23 “Tổ Phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới” gồm 308 hội viên nòng cốt…
Hằng tháng, các hội viên phụ nữ tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đi tuần tra, kiểm tra và qua đó lồng ghép công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật nhà nước và những quy định về quy chế khu vực biên giới, cửa khẩu, đất liền, công tác phân giới cắm mốc… để mọi người được biết, từ đó tuyên truyền lại cho bà con, gia đình, hàng xóm. Thông qua các kênh thông tin, hội viên, phụ nữ đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương nhiều nguồn tin có giá trị liên quan an ninh biên giới, buôn lậu, tội phạm hình sự.