Đồng chí Lê Văn Lương - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng

NDO -

Ngày 26/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương ương và Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912-28/3/2022).

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy Hưng Yên; đông đảo các đại biểu, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.

Phát biểu chỉ đạo và trình bày đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã ôn lại, khẳng định cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Văn Lương đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với đồng chí Lê Văn Lương - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Lê Văn Lương, sinh ngày 28/3/1912, tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và khoa bảng, ở một vùng quê văn hiến và cách mạng, ngay từ tuổi thiếu niên, Lê Văn Lương đã có tinh thần yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 6/1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.

Tháng 8/1929, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, đồng chí được cử vào Nam Kỳ, hoạt động tích cực trong phong trào công nhân Sài Gòn. Tháng 3 năm 1931, đồng chí Lê Văn Lương bị chính quyền thực dân Pháp bắt, giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Năm 1933, đồng chí bị đưa ra xét xử, kết án tử hình, sau đó, được giảm xuống án chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí trở thành một trong những hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc. Tháng 8/1945, đồng chí cùng Ban lãnh đạo Chi bộ Nhà tù lãnh đạo tù chính trị đấu tranh giành chính quyền trên đảo.

Sau khi trở về đất liền, đồng chí Lê Văn Lương được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiều trọng trách: Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ (1945); Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng (1947-1948); Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (1951-1956) và (1973-1976); Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (1949-1956); Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (1959-1960); Bí thư Thành ủy Hà Nội (1977-1986)... Gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã phấn đấu trọn đời vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Với 40 bản tham luận, Hội thảo tập trung làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu sau: Đồng chí Lê Văn Lương - Người cộng sản kiên trung thế hệ đầu tiên của Đảng; Người cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam; Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng; Người con ưu tú của quê hương Hưng Yên, Tình cảm tốt đẹp và đóng góp của đồng chí trong xây dựng quê hương.

Hội thảo thêm một lần thống nhất khẳng định, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, đồng chí Lê Văn Lương luôn nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, đức cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị và trung thực. Luôn đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết. Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Hưng Yên bày tỏ niềm tự hào, ra sức học tập tấm gương của đồng chí Lê Văn Lương và các bậc tiên liệt, phấn đấu xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.