Nghệ thuật cần đề cao tính nhân văn

Trước những dư luận ồn ã trái chiều chung quanh bộ phim Vợ ba (đạo diễn Nguyễn Phương Anh), ngày 20-5, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản chỉ đạo Cục Ðiện ảnh kiểm tra lại quy trình cấp phép bộ phim, tham mưu lãnh đạo Bộ phương án xử lý.

Ngày 21-5, sau bốn ngày công chiếu (từ ngày 17-5), nhà sản xuất (Công ty TNHH Ba Sắc Cầu Vồng) quyết định ngừng chiếu bộ phim tại tất cả các rạp trên toàn quốc. Chi tiết gây nhiều phản ứng trong dư luận chính là việc một bộ phim gắn nhãn C18 (không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi) lại mời nữ diễn viên mới 13 tuổi đóng những cảnh nhạy cảm.

Trước khi ra mắt khán giả trong nước, phim Vợ ba được công chiếu, nhận giải thưởng tại một số liên hoan phim và phát hành ở nhiều quốc gia. Nội dung phim xoay quanh số phận một nàng dâu mới 14 tuổi làm vợ lẽ người đàn ông giàu có ở vùng nông thôn phía bắc, bối cảnh diễn ra vào cuối thế kỷ 19. Sự có mặt của người vợ ba trong đại gia đình phong kiến, phức tạp tiếp nối thêm nhiều bi kịch. Ðây không phải mô-típ mới trong điện ảnh, điều gây tranh cãi chỉ là cách đạo diễn lựa chọn diễn viên, cảnh quay được cho là chưa phù hợp. Trước hết, với việc gắn nhãn phim C18, chính nữ diễn viên đóng vai người vợ ba cũng chưa đủ tuổi xem. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí, cô bé này thừa nhận đã xem đi xem lại nhiều lần. Ðây là điểm thiếu chặt chẽ, thống nhất trong quy định về đối tượng đóng phim, xem phim. Trên thế giới, ngay cả những quốc gia mà điện ảnh đã trở thành một ngành công nghiệp giải trí hiện đại, cởi mở thì việc mời diễn viên vị thành niên đóng những cảnh nhạy cảm vẫn rất hạn chế. Ở một số bộ phim nổi tiếng, dù đạo diễn quyết định chọn diễn viên nhỏ tuổi, những cảnh nóng vẫn sử dụng diễn viên đóng thế. Xét trên nhiều phương diện, một diễn viên vị thành niên dù có thể "lớn" hơn bạn bè đồng trang lứa về suy nghĩ, diễn xuất vẫn không đủ điều kiện để chịu mọi trách nhiệm, hậu quả phía sau vai diễn. Phụ huynh, với vai trò giám hộ, tự nguyện ký vào bản cam kết, đồng ý cho con em mình đóng cảnh nóng cũng có thể trở thành đối tượng vi phạm Bộ luật Lao động, Luật Trẻ em… cho dù quan niệm văn hóa, nghệ thuật, quy định pháp luật. Ở mỗi quốc gia có thể khác nhau nhưng cuối cùng tính nhân văn, vì con người luôn là yếu tố được đề cao.

Tính đến nay, điện ảnh trong nước có không ít bộ phim gây bức xúc vì cảnh nóng. Song, trường hợp như phim Vợ ba vẫn là hiếm hoi bởi mọi búa rìu dư luận đang nhằm vào diễn viên nhỏ tuổi và gia đình cô bé. Không ít nghệ sĩ nhận định, ở góc độ nghề nghiệp, giả sử bộ phim có bảo đảm chất lượng nghệ thuật thì vẫn khó thuyết phục công chúng bởi thiếu sự nhân văn cần thiết. Theo họ, các nhà làm phim có nhiều cách để bảo đảm an toàn trong quá trình sáng tác nghệ thuật, như: chọn diễn viên đủ tuổi vị thành niên, sử dụng công nghệ hóa trang, đóng thế... Kịch bản là nàng dâu 14 tuổi không đồng nghĩa với việc phải chọn diễn viên độ tuổi tương đồng.

Ngày 24-5, theo kết quả kiểm tra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Cục Ðiện ảnh đã cấp phép và phổ biến phim đúng luật; phim Vợ ba công chiếu tại rạp có nội dung khác so với bản đã được Cục thẩm định, cấp phép và lưu chiểu. Bộ cũng cho rằng, xét khía cạnh đạo đức, thuần phong mỹ tục, việc sử dụng trẻ em 13 tuổi đóng phim với một số cảnh nhạy cảm như đã công chiếu là không phù hợp, không được phép. Thanh tra Bộ quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Ba Sắc Cầu Vồng số tiền 50 triệu đồng. Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 24-5, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cũng lên tiếng khẳng định ê-kíp sản xuất bộ phim đã vi phạm Bộ luật Lao động, Luật Trẻ em.

Có thể thấy, câu chuyện ồn ào này không chỉ dừng ở phạm vi tranh luận xem nhà làm phim đúng hay sai khi chọn diễn viên, cảnh quay bị cho là không phù hợp; mà đây chính là bài học đắt giá về sự coi trọng tính nhân văn, đạo đức và luật pháp.