Nghệ sĩ nhiếp ảnh trên tuyến đầu

2021 là một năm khó quên đối với Huỳnh Văn Truyền (thành phố Đà Nẵng), hội viên trẻ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khi được vinh danh tại nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Ảnh của Truyền vừa thời sự, vừa đậm tính nhân văn về phòng, chống dịch Covid-19 hay cứu nạn cứu hộ.

Bức ảnh trong bộ ảnh “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng, chống Covid-19” của Huỳnh Văn Truyền.
Bức ảnh trong bộ ảnh “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng, chống Covid-19” của Huỳnh Văn Truyền.

Huỳnh Văn Truyền sinh năm 1983 tại Đà Nẵng, được kết nạp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từ năm 2016 và đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Đà Nẵng. Đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh từ khi còn là học sinh phổ thông cùng sự ủng hộ của gia đình, anh mày mò tự học, rồi tham gia các câu lạc bộ nhiếp ảnh ở địa phương. Đến nay, anh đã nhận hơn 90 giải thưởng của các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước. Anh cũng là nhiếp ảnh gia Việt Nam vinh dự được chọn chụp ảnh hội nghị và chân dung lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới tham gia Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017.

Hai năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền tiếp tục ghi dấu ấn với các đề tài y tế, an sinh xã hội. Tại triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương” do Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, bộ ảnh “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng, chống dịch Covid-19” của anh xuất sắc đoạt Huy chương vàng. Những hình ảnh các chiến sĩ Đồn Biên phòng Axan (huyện Tây Giang, Quảng Nam) vượt mọi khó khăn, giữ vững vùng biên, giúp dân chống dịch đã thuyết phục ban giám khảo và nhiều người trong nghề. Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Văn nhận xét: “Bộ ảnh khá sinh động với các ảnh toàn cảnh đến cận cảnh, cho thấy tình quân dân thắm thiết, cùng vượt qua đại dịch”. Triển lãm ảnh đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực và kịp trưng bày rộng rãi phục vụ công chúng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trước các đợt giãn cách xã hội. 

Cũng về phòng, chống dịch Covid-19, bộ ảnh “Phút giải lao” của Huỳnh Văn Truyền lại mang đến góc nhìn, cảm xúc khác. Bộ ảnh ghi lại phút giây nghỉ ngơi ngắn ngủi mà quý giá của các nhân viên y tế quận Sơn Trà trong đợt lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 2.200 người nước ngoài đang cư trú cũng như mắc kẹt tại Đà Nẵng do dịch bệnh. Căng thẳng, mệt mỏi, có mồ hôi, có nước mắt, nhưng ai nấy đều cố gắng hết mình vì trách nhiệm chung. “Phút giải lao” đã đoạt Giải nhì cuộc thi ảnh “Đà Nẵng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19”, và sau đó tiếp tục giành Huy chương vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ - Tây Nguyên lần thứ 26 - năm 2021. Theo dõi hình ảnh trên báo chí, mạng xã hội trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, có thể thấy tác giả Huỳnh Văn Truyền gần như không vắng mặt tại những điểm “nóng” nhất như hoạt động tiếp sức mùa thi, binh chủng hóa học xuất quân chặn “giặc” Covid-19, hay câu chuyện những khách sạn hoạt động không lợi nhuận tình nguyện làm điểm cách ly tập trung cho người dân và lực lượng chống dịch… Khi TP Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch, những bộ ảnh như “Đà Nẵng tiếp sức cho người dân hồi hương”, “Đà Nẵng đón hơn 600 người từ TP Hồ Chí Minh trên ba chuyến bay miễn phí”… của anh tiếp tục phản ánh kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân của chính quyền, các lực lượng chức năng. 

Bên cạnh đó, Huỳnh Văn Truyền còn quan tâm, theo sát và tác nghiệp đề tài cứu trợ thiên tai, phòng cháy, chữa cháy. Trong vụ cháy tàu tại cảng cá Thọ Quang vào mồng 3 Tết Tân Sửu (14/2/2021), ngay khi có thông tin, anh đến ngay hiện trường, nhanh chóng ghi lại những hình ảnh thảm khốc của khói lửa và hành động quả cảm, quyết liệt của các cán bộ, chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an TP Đà Nẵng) để dập tắt đám cháy, cứu ngư dân, giảm thiệt hại về tài sản. Bộ ảnh “Cuộc chiến với giặc lửa” trong dịp đó vừa được trao giải cao nhất cuộc thi ảnh và tác phẩm báo chí về Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ năm 2021. 

“Rốn lũ” Lệ Thủy (Quảng Bình) hay vụ sạt lở đất Trà Leng (Quảng Nam) trong đợt bão lũ dồn dập cuối năm 2020 tại miền trung cũng thôi thúc bước chân người nghệ sĩ nhiếp ảnh tìm đến, để chớp được những khoảnh khắc chân thực. Chẳng hạn như lần đi tác nghiệp tại Trà Leng, anh ghi lại hình ảnh bộ đội tìm kiếm người mất tích  qua những khu vực nguy hiểm hay hình ảnh bàn chân của các chiến sĩ bị lở loét sâu do nhiều ngày lội bùn, đội mưa...

Huỳnh Văn Truyền nói, chủ đề về đại dịch thật sự khó bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh và vô số quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch, thời gian tác nghiệp hạn chế, lại phải tránh làm ảnh hưởng đến các lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ... Người bạn đời của Huỳnh Văn Truyền cũng là một nhân viên y tế khiến sự cảm thông và trân trọng đối với các lực lượng tuyến đầu chống dịch trong anh càng sâu sắc. Nhiếp ảnh gia người Đà Nẵng dự định trong thời gian tới vẫn sẽ theo đuổi hướng sáng tác các đề tài gần gũi của đời sống, kể những câu chuyện bằng hình ảnh. Anh ấp ủ sẽ có một cuốn sách ảnh hoặc một triển lãm cá nhân mang chủ đề “Đà Nẵng trong tôi”, quy tụ hàng trăm tác phẩm đã chụp về quê hương mình.