Bài hát Việt 2005: Sân chơi mới cho sáng tác ca khúc

Lê Minh Sơn và Trọng Tấn trong "À í a".
Lê Minh Sơn và Trọng Tấn trong "À í a".

Sân chơi có chất lượng cho người sáng tác ca khúc

Ngay tại thời điểm ra đời, Bài hát Việt đã gây nên không ít nghi ngại từ chính những người trong giới âm nhạc, bởi những tiêu chí mà chương trình đề ra vừa cụ thể lại cũng rất trừu tượng, khó xác định và không dễ thẩm định. Càng đáng ngại hơn bởi dù có cố gắng đến đâu, chương trình cũng khó thoát khỏi mặt bằng chung của một nền ca khúc Việt đang trong thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, với rất nhiều những lời ta thán từ phía công chúng và ngay chính các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Nhưng dù sao Bài hát Việt 2005 vẫn thu hút sự chú ý của dư luận, bởi đó là một trong những chương trình quy mô, bài bản nhất từ trước đến nay được tổ chức dành riêng cho các tác giả ca khúc.

Rất may là sau một vài bước đi ban đầu “thập thõm”, do người chơi chưa “quen sân”, chương trình đã dần tạo được uy tín nghệ thuật, giới thiệu hàng loạt bài hát mới, của những tác giả trẻ, có người lần đầu tiên “trình làng”, được công chúng yêu thích.

Qua chín chương trình được truyền hình trực tiếp, đã có gần 100 ca khúc được giới thiệu trên Bài hát Việt 2005. Còn con số các ca khúc mà ban tổ chức đã nhận được, theo nhạc sĩ Lương Minh (trưởng phòng ca nhạc VTV) thì lên đến gần 4.000 bài, trong đó, phần lớn là của các tác giả trẻ.

Một hội đồng thẩm định gồm nhiều nhạc sĩ có uy tín, nhà sản xuất và nhà báo có trách nhiệm chọn lựa tác phẩm, còn ban tổ chức thì tạo điều kiện để tác phẩm được hòa âm, dàn dựng và biểu diễn theo đúng ý đồ tác giả. Giữa một đời sống âm nhạc đang có xu hướng đại chúng hóa nhạc nhẹ, nhưng đặt nặng tiêu chí thị trường, Bài hát Việt 2005 đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho các tác giả, nhất là những người không có điều kiện, phổ biến các sáng tác mới đến một lượng công chúng đông đảo là người xem của VTV.

Mới, và lạ, có lẽ là hai tiêu chí lớn mà những người thực hiện đặt ra cho chương trình, và có thể khẳng định, ít nhiều, họ đã thành công. Không kể đến yếu tố sáng tác mới (là điều dĩ nhiên, do quy định của chương trình chỉ nhận những ca khúc chưa được phổ biến), Bài hát Việt đã giúp “trình làng” một số tên tuổi người viết ca khúc mới: từ những sinh viên trường nhạc, ca sĩ mới thử sức trong lĩnh vực sáng tác cho đến những người yêu và có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt muốn khẳng định mình… Bên cạnh đó là một số nhạc sĩ đã thành danh cũng tự làm mới mình bằng những thử nghiệm táo bạo. Xuất hiện nhiều sáng tác có cách viết mới, cách nhìn mới, độc đáo và hấp dẫn.

16 ca khúc được lựa chọn vào đêm chung kết thật sự là những sáng tác tạo được dấu ấn với công chúng. Hầu hết các sáng tác này, sau khi được giới thiệu trên sân khấu Bài hát Việt 2005, đều được các ca sĩ và nhà sản xuất lựa chọn để phát hành. Đài truyền hình Việt Nam cũng đã tập hợp các sáng tác này trong hai album và kết hợp với Nhà xuất bản Âm nhạc phát hành ấn phẩm giới thiệu toàn bộ các sáng tác tham gia Bài hát Việt 2005. Thật là một cơ hội hiếm có cho những người sáng tác ca khúc để quảng bá sáng tác của mình. Vấn đề còn lại chỉ tùy thuộc vào sức sống thực của chính những sản phẩm âm nhạc đã được lựa chọn đó.

Những “đốm lửa” hy vọng…

Một sân khấu “sạch” cho những người yêu nhạc vốn dị ứng với loại nhạc thị trường đang tràn lan. Khơi gợi, đề cao xu hướng sáng tác khai thác chất liệu âm nhạc dân gian. Và, “một nửa số tác giả trẻ tham gia Bài hát Việt 2005 sẽ trở thành những nhạc sĩ chuyên nghiệp”, như niềm tin của Nhạc sĩ An Thuyên, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Bài hát Việt 2005. Thế đã là quá nhiều, là vượt cả mong đợi của những người tổ chức. Thể nghiệm nào cũng cần phải có thời gian, nhưng phải gieo hạt thì mới mong nhìn thấy được kết quả. Chắc chắn một điều, Bài hát Việt 2005 đã giúp ươm mầm sáng tạo!

Hội đồng thẩm định có tác động rất lớn đến con đường và sức sống của Bài hát Việt. Đã có ý kiến ví von rằng, Bài hát Việt đang đi trên sợi dây căng giữa tính chuyên nghiệp, đại chúng hóa hay “bình dân hóa” sáng tác ca khúc, mà một chút “non tay” cũng sẽ để lại những dấu ấn bởi diện “phủ sóng” không nhỏ của chương trình. Cũng không thể đặt chương trình lên trên mặt bằng chung của đời sống âm nhạc Việt Nam, song, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về “tính Việt“ trong các ca khúc mà tiêu chí chương trình đặt ra và hướng tới. Cũng cần tỉnh táo để nhìn nhận rằng, những thành công trên sân khấu có tính chuyên nghiệp này có ý nghĩa không nhỏ đối với mỗi người sáng tác, nhưng con đường của một nhạc sĩ chuyên nghiệp là cả một quá trình phấn đấu và sáng tạo kéo dài, mà những phút lóe sáng mới chỉ là điều kiện ban đầu, đáng quý, còn để đi tiếp, lại tùy thuộc vào bản lĩnh của mỗi người.

Đêm chung kết, những nhạc sĩ và ca sĩ đã được vinh danh. Giải thưởng cao nhất của chương trình, Giải Bài hát của năm đã thuộc về À í a (Lê Minh Sơn). Giải bài hát phong cách dân gian đương đại nổi bật được trao cho ca khúc Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến). Giải bài hát phong cách pop rock đương đại nổi bật: Giấc mơ của tôi (Anh Quân). Nhạc sĩ phối khí hiệu quả: Nguyễn Đạt (hai ca khúc: Cơn lốc, Thu tình yêu) và Phan Cường (hai ca khúc: Bà tôi, Giọt sương bay lên). Nhạc sĩ ấn tượng: Giáng Son. Giải do khán giả bình chọn: Bài hát được yêu thích nhất: Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến); Ca sĩ được yêu thích nhất: Ngọc Khuê (trình bày hai ca khúc: Bà tôiGiọt sương bay lên).

Bài hát Việt sẽ đi tiếp hành trình 2006, với vòng tay mở rộng hơn, tiếp nhận tất cả các ca khúc mới, kể cả ca khúc mới sáng tác nhưng đã được ghi âm trong năm.

Nối dài những hy vọng về một diện mạo mới mẻ hơn của nền ca khúc Việt.