Đồng bào vùng sâu A Lưới nô nức đi bầu cử

NDO -

Hòa cùng không khí bầu cử trong cả nước, ngày 23-5, hơn 894 nghìn cử tri Thừa Thiên Huế hân hoan chào đón ngày hội lớn. Từ sáng sớm, hàng nghìn cử tri đã đến các điểm bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, thực hiện quyền làm chủ của mình. Đặc biệt, đồng bào dân tộc các huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới cũng như các tôn giáo trong tỉnh nô nức đi bầu cử.

Cử tri là đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… tại huyện A Lưới đi bầu cử.
Cử tri là đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… tại huyện A Lưới đi bầu cử.

Đồng bào các dân tộc vùng cao nô nức đi bầu cử

Tại huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) có hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thường ngày, đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy… thức dậy sớm đi rẫy, nhưng hôm nay bà con dậy sớm để đi bầu cử. Toàn huyện A Lưới có 31.629 cử tri tham gia bầu cử tại 90 khu vực bỏ phiếu. Hầu hết tại các khu vực bỏ phiếu đều được bố trí thêm thùng phiếu phụ để hỗ trợ cho các trường hợp người khuyết tật, già yếu không đi lại được. Từ 5 giờ 30 phút sáng 23-5, nhiều cử tri ở huyện A Lưới đã đến các khu vực bỏ phiếu để tìm hiểu kỹ thông tin tiểu sử các ứng cử viên và chuẩn bị bỏ phiếu. Không ít người dân mang trang phục truyền thống, tạo thêm sắc màu và tính trang trọng cho ngày hội toàn dân đi bầu cử.

Đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở Thừa Thiên Huế nô nức đi bầu cử -0
 Cử tri khu vực bầu cử số 3, thôn Cha Măng, xã Thượng Lộ của huyện Nam Đông thực hiện giãn cách bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, một số khu vực đông dân cư thực hiện chia các khung giờ bỏ phiếu nhằm tạo sự giãn cách. Đặc biệt, tại thị trấn A Lưới, các tổ dân cư được chia các khung giờ, cách nhau khoảng một giờ đồng hồ. Các đối tượng người lớn tuổi, tiểu thương ở chợ và người đi lao động sớm được tạo điều kiện để bỏ phiếu sớm. Già làngHồ Văn Thom, người đồng bào dân tộc Pa Cô chia sẻ: “Mình là già làng nên đi bỏ phiếu sớm, làm gương cho bà con. Mong là 100% cử tri đi bỏ phiếu sớm, đầy đủ và đúng quy định để thể hiện quyền và nghĩa vụ của công dân nhưng phải bảo đảm quy định phòng, chống dịch”.

Đồng bào các dân tộc A Lưới cũng phấn khởi và hồi hộp khi cầm lá phiếu trên tay để bầu, lựa chọn những người xứng đáng vào các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đại diện cho tiếng nói của mình để đưa đất nước ngày càng phát triển vững mạnh; biết quan tâm chăm lo đến đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa… Ông Cả Duy, cử tri của thị trấn A Lưới (huyện A Lưới) cho rằng: “Mặc dù gia đình tôi hôm nay ai cũng ra đồng gặt lúa nhưng phải dậy sớm để đi bầu cử, sau đó mới thu hoạch lúa để tránh mưa đổ lúa. Còn ông Võ Nhi, cử tri xã Hồng Thượng (A Lưới) nói: “Mình vui lắm. Mong lá phiếu của mình góp phần tìm ra được đúng người có tài, có đức để giúp sức cho đất nước phát triển thôi”.

Đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở Thừa Thiên Huế nô nức đi bầu cử -0
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới. 

Tại 12 xã biên giới của huyện A Lưới có gần 20 nghìn cử tri. Trước diễn biến của dịch Covid-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đang duy trì 36 tổ, chốt (19 chốt cố định, 17 tổ quần tra lưu động) với lực lượng tham gia lên đến 280 cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, còn có hai chốt kiểm soát y tế liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 tại hai xã Hồng Vân và A Roàng. Ngay trong sáng 23-5, tại mỗi chốt, lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ lực lượng biên phòng vừa luân phiên phân công nhiệm vụ bám chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Việt - Lào vừa tham gia bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Trung tá Hồ Văn Hà, Đồn trưởng Biên phòng Nhâm cho biết: "Chúng tôi tổ chức quán triệt nghiêm túc đến cán bộ, chiến sĩ. Hiện cùng với việc tham gia bầu cử, cán bộ chiến sĩ cũng được phân công thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát khu vực đường mòn, lối mở ngăn chặn các đối tượng xâm nhập cảnh trái phép, bảo đảm an toàn, an ninh biên giới. Đồng thời, cũng phân công lực lượng tham gia bảo vệ các khu vực bầu cử”.

Tại huyện miền núi Nam Đông, hơn 18 nghìn cử tri là đồng bào các dân tộc, phần lớn là người Cơ Tu, Pa Hy… thuộc 10 xã, thị trấn trong huyện từ rất sớm với những trang phục đẹp nhất phấn khởi tập trung về tại 43 tổ bầu cử để tự tay mình bỏ những lá phiếu lựa chọn bầu ra những đại biểu có đức, có tài vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cử tri Trương Tự Nhiên, tại Hội đồng giáo xứ Hương Phú (huyện Nam Đông) cho biết: “Bà con giáo dân trên địa bàn huyện rất tích cực tham gia ngày bầu cử. Chúng tôi mong muốn những đại biểu mà chúng tôi lựa chọn sẽ tiếp tục quan tâm đến đời sống của nhân dân; đồng thời thực hiện đầy đủ, đúng theo chương trình hành động mà các vị đã hứa”.

Theo Ủy ban bầu cử huyện Nam Đông, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên mọi cử tri đều thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đi bầu cử từ rất sớm, các đơn vị bầu cử được tập huấn về nghiệp vụ nên công tác hướng dẫn, kiểm tra, ghi chép, dò danh sách cử tri rất nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri hoàn thành nghĩa vụ của mình. Tính đến thời điểm 12 giờ 30 phút, 100% cử tri trong toàn huyện Nam Đông đã đi bầu cử; công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa điểm bỏ phiếu được bảo đảm.

Cử tri các tôn giáo với ngày hội lớn

Chúng tôi đến phường Phước Vĩnh (TP Huế), nơi có đông bà con Thiên Chúa giáo sinh sống, chưa đến 6 giờ sáng, cử tri ở phường đã đến các điểm bầu cử với những trang phục áo dài truyền thống. Toàn phường có hơn 11.900 cử tri, được tổ chức thành bảy đơn vị bầu cử. Một điều gì đó rất yên bình, trang trọng khi những người dân xứ đạo, cha xứ ở Nhà thờ Chánh tòa Phú Cam và các Sơ (nữ tu) ở các dòng: Bích Trúc, Khâm Mạng, Mến Thánh Giá, Đức mẹ Đi Viếng, Vô Nhiễm... hân hoan cùng nhau tham gia bầu cử. Ông Trần Công Niên, thành viên Hội đồng giáo xứ Phú Cam cho biết: “Hôm nay bà con giáo dân tham dự khai mạc rất đông. Đây là một điều phấn khởi cho giáo xứ chúng tôi vì mỗi thành viên trong giáo xứ đã chu toàn phần nào trách nhiệm được các cấp tin tưởng giao phó”. Còn nữ tu Bùi Thị Lành, ở Hội Dòng Mến Thánh Giá - Huế nói rằng: “Tôi tuổi cao, đi lại khó khăn nhưng vẫn đi bầu cử, để lựa chọn người xứng đáng, tiêu biểu về đức, tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân".

Đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở Thừa Thiên Huế nô nức đi bầu cử -0
 Các nữ tu phường Phước Vĩnh (TP Huế) tham gia bỏ phiếu bầu cử.

Điều đặc biệt trong ngày bầu cử hôm nay, trước khi tham gia bầu cử, bà con giáo dân cùng các chức sắc, các nữ tu trong khu vực đi lễ cầu nguyện tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam (phường Phước Vĩnh) từ sáng sớm. Tại đây, bà con đã nghe Linh mục quản xứ nhắc nhở các con chiên của mình phải luôn sống phúc âm với dân tộc. Sau lễ tại nhà thờ, tất cả bà con giáo dân và các dòng tu, Hội dồng giáo xứ phải tham gia bỏ phiếu, vì đó là bổn phận công dân của mình khi thực hiện tốt nghĩa vụ và quyền lợi bầu cử. Do vậy, ở các khu vực bầu cử tại phường Phước Vĩnh, sau khi dự lễ tại nhà thờ, hàng nghìn cử tri trong phường đã đến điểm bỏ phiếu đề làm nghĩa vụ công dân. Bà con giáo dân cho rằng, họ rất vui khi cầm lá phiếu để chọn lựa, bầu ra những đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ này.

Tại các phường Trường An, Thủy Xuân (TP Huế), nơi có đông cử tri là tăng ni và đồng bào Phật tử sinh sống, ai cũng nô nức tham gia bầu cử. Ông Bùi Công Chức, Tổ bầu cử, phường Trường An cho biết: toàn khu vực có hơn 2.300 cử tri, trong đó có hơn 40% cử tri là tăng ni, tu sĩ Phật tử ở tại các các chùa, tu viện, tịnh thất như: Tịnh Độ, Vạn Phước, Thuyền Lâm, Kiều Đàm, Diệu Đức… Các tăng ni, Phật tử đến tham gia bỏ phiếu khá sớm. Khai mạc lúc 6 giờ sáng, nhưng đến 9 giờ 30 phút đã có hơn 80% cử tri đi bầu, đến 15 giờ chiều đã có 100% cử tri tham gia bầu cử. Tại đây, ni cô Diệu Liên (chùa Diệu Đức) phấn khởi nói: “Lần đầu tiên được cầm lá phiếu đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND nên em rất hồi hộp. Em và các nữ tu khác phải rủ nhau đi thật sớm để về học tại trường Phật học. Khi đến đây, chúng em đã đọc kỹ tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên để chọn người xứng đáng”.

Đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở Thừa Thiên Huế nô nức đi bầu cử -0
 Tăng ni, Phật tử ở phường Trường An (TP Huế) nô nức tham gia bầu cử.

Ủy ban bầu cử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến thời điểm 17 giờ ngày 23-5, toàn tỉnh đã có 886.947 cử tri tham gia đi bầu đạt tỷ lệ 99,726% cử tri. Riêng huyện Nam Đông đạt 100% cử tri tham gia đi bầu lúc 12 giờ 30 phút và thị xã Hương Trà đạt 100% lúc 17 giờ.

Đánh giá của Ủy ban bầu cử tỉnh cho thấy, Thừa Thiên Huế có hơn 894 nghìn cử tri tham gia bầu cử tại ba đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và 1.063 đơn vị bầu cử HĐND các cấp. Đến thời điểm này, công tác bỏ phiếu tại các điểm bầu cử trên địa bàn tỉnh đều diễn ra dân chủ, nghiêm túc và đúng luật. Ủy ban bầu cử tỉnh đã chủ động triển khai các kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là các địa bàn trọng điểm nên tình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong ngày bầu cử bảo đảm an toàn tuyệt đối.