Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 36% dân số. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thực hiện công tác chăm lo, phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng kỹ thuật trồng cây ăn trái hiệu quả.
Cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng kỹ thuật trồng cây ăn trái hiệu quả.

Chia sẻ về công tác giảm nghèo tại địa phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha cho biết, việc thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, nhất là các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sóc Trăng đã thực hiện hỗ trợ cho 25.760 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh với 40.577 người lao động, kinh phí thực hiện hơn 100,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ cho 241.012 người lao động, kinh phí thực hiện hơn 351,3 tỷ đồng, trong đó, lao động tự do được hỗ trợ 125.551 người với kinh phí hơn 188,3 tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chính sách cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ước khoảng 251.354 người, đạt 58,76%.

Bí thư Chi bộ khóm 5, phường 9, thành phố Sóc Trăng Dương Phol chia sẻ: "Khóm 5 có hơn 40% dân số là đồng bào Khmer. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào phát triển kinh tế. Khi có các chính sách hỗ trợ, Chi bộ chúng tôi luôn đi khảo sát từng hộ đồng bào dân tộc để người dân được hỗ trợ kịp thời nhằm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo".

Có dịp trở lại Thạnh Trị, huyện vùng nông thôn của tỉnh Sóc Trăng, có hơn 35% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo nông thôn vùng đồng bào Khmer nơi đây giờ ngày một khởi sắc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Trị Trương Vũ Phương phấn khởi cho biết, đến nay, các tuyến giao thông trong huyện đều tạo thuận lợi trong việc đi lại và giao thương hàng hóa.

Ngoài ra, điện lưới quốc gia phủ khắp các phum sóc với hơn 99,5% số hộ sử dụng điện, hơn 84% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Thu nhập đạt hơn 47 triệu đồng/người, hộ nghèo giảm còn 2.464 hộ, chiếm 4,24%; trong đó, hộ Khmer nghèo giảm còn 1.388 hộ, chiếm 7,3%. Long Phú cũng là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 30% số dân, đời sống của người dân ngày càng phát triển.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Phú, Lê Thanh Phương, huyện có 7.925 hộ người Khmer, tương đương 32.600 khẩu, trong đó, số hộ nghèo trong đồng bào hiện còn 309 hộ, chiếm 3,9%, hộ cận nghèo còn 458 hộ, chiếm 5,7%. Huyện quyết tâm phấn đấu tập trung kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 đến 3,5% mỗi năm.

Công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội ở Sóc Trăng đã và đang là thực tiễn sinh động trong nỗ lực tạo ra động lực phát triển bền vững ở địa phương. Khi tái lập tỉnh năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo của Sóc Trăng chiếm 36,7%, đến năm 2000, giảm còn 18,45% (40.189 hộ) và năm 2020 chỉ còn 2,66%. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh hiện nay, theo chuẩn nghèo đa chiều mới của Chính phủ, toàn tỉnh còn 22.120 hộ nghèo, chiếm 6,64%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022, Sóc Trăng đầu tư gần 243 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực hiện theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ hơn 56 tỷ đồng. Ước đến cuối năm 2022, tỉnh thực hiện giải ngân vốn trung ương gần 163 tỷ đồng và hơn 27 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và vốn huy động.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhận định, qua triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, các công trình như điện, đường, trường học, trạm y tế... khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp cho người dân trong vùng dự án, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiếu số, vùng sâu, vùng xa, có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và đáp ứng một phần nhu cầu về sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân.

Các dự án, khi triển khai thực hiện, giúp đồng bào, nhất là người nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, tự tạo việc làm và có việc làm ổn định để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, niềm tin vào sự lãnh đạo của Ðảng trong đồng bào ngày càng được củng cố; đồng bào phấn đấu góp phần đóng góp chung vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ 14 đề ra giải pháp thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; trong đó, tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng so với bình quân chung của khu vực.