Ðổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ðồng Nai

NDO - Tỉnh Ðồng Nai hiện có 31 dân tộc thiểu số (dtts), với khoảng 31.128 hộ, tổng số nhân khẩu 172.789 người, chiếm hơn 8,5% dân số toàn tỉnh, trong đó có bốn dân tộc bản địa (Chơ-ro, Châu Mạ, X'tiêng, Cơ Ho). Trong những năm qua, với nhiều chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn Ðồng Nai, đã tạo nên diện mạo mới trong vùng đồng bào DTTS, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đã có chuyển biến tích cực.

Trồng nấm mèo để thoát nghèo bền vững

Ðến với các làng đồng bào DTTS ở Ðồng Nai hôm nay, có thể nhận thấy sức sống mới đang trỗi dậy trên các buôn làng. Ông Thạch Thương, người dân tộc Khmer, ấp 8, xã Gia Canh, huyện Ðịnh Quán kể, trước đây, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhưng bây giờ cuộc sống đồng bào Khmer ở địa phương ngày đang đổi thay rõ rệt. Mọi người đã biết áp dụng các kỹ thuật trồng trọt để sản xuất, qua đó năng suất cây trồng ngày càng được nâng lên. Ðó là sự thay đổi căn bản trong cuộc sống mới của đồng bào Khmer, biết ưu tiên cho lao động và tăng gia sản xuất.

Ðể đời sống đồng bào DTTS phát triển bền vững, từng địa phương của tỉnh Ðồng Nai có những cách làm sáng tạo, cụ thể, thiết thực và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống của đồng bào DTTS trên địa bàn. Trong đó, phải kể đến hiệu quả từ dự án nuôi trồng nấm mèo của đồng bào DTTS ở Ðồng Nai. Thực hiện chủ trương tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS nghèo, tạo điều kiện cho các hộ nghèo trên địa bàn thoát nghèo một cách bền vững, thị xã Long Khánh triển khai dự án nuôi trồng nấm mèo tại 30 hộ DTTS nghèo thiếu đất sản xuất của ba xã Bảo Quang, Bảo Vinh và xã Bàu Trâm, mỗi xã 10 hộ. Trại nấm với kết cấu khung sắt có mái che, mỗi trại được 10 nghìn bịch và được UBND thị xã hỗ trợ vốn không lãi, thời gian thực hiện dự án là năm năm. Ngoài ra, thị xã đã ký hợp đồng với Công ty TNHH công nghệ sinh học Công Thành cung cấp bịch phôi giống để nuôi trồng và liên hệ với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Qua sơ kết, đánh giá, bước đầu dự án nuôi trồng nấm mèo đã đem lại kết quả khá tích cực, bình quân mỗi hộ sau hai tháng chăm sóc, nuôi trồng 10 nghìn bịch, trừ chi phí, còn lãi khoảng 18 triệu đồng (có hộ năng suất thấp nhất vẫn thu lãi 10 triệu đồng).

Chị Thị Lan, người dân tộc Chơ-ro, ở ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình chỉ có một sào đất, quanh năm phải đi làm thuê, thu nhập rất bấp bênh. Ðược thị xã tạo điều kiện về vốn và kỹ thuật trồng nấm, gia đình tôi có việc làm và thu nhập ổn định. Ðợt trồng nấm vừa qua do làm trái vụ và tôi cũng mới học việc nên năng suất còn thấp. Hy vọng những vụ nấm tới sẽ cho năng suất cao hơn'. Trông đợi vào nghề trồng nấm mèo để thoát nghèo không chỉ có gia đình chị Lan mà nhiều hộ khác như chị Thị Hương, Thị Nga, anh Thổ Tài...

Anh Nguyễn Quang Trung, cán bộ xã Bảo Quang, cho biết: Ðể hỗ trợ những hộ trong dự án phát triển được nghề trồng nấm, xã đã thành lập một tổ kỹ thuật gồm bốn người có kinh nghiệm trồng nấm để theo dõi và chỉ dẫn về kỹ thuật. Ngoài ra, xã cũng giao cho mỗi đoàn thể phụ trách giúp đỡ hai hộ. Người dân trồng nấm mèo bình thường cứ 10 nghìn bịch mỗi vụ bình quân lãi khoảng năm triệu đồng. Một năm trồng ba vụ nấm với khoản tiền lãi khoảng 15 triệu đồng một trại là không khó. Ðối với những hộ đồng bào DTTS khó khăn được Nhà nước cho vay vốn trả dần trong thời gian năm năm và hỗ trợ tối đa về kỹ thuật, nên khả năng thoát nghèo bền vững là rất cao.

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc

Với giọng nói sang sảng, râu tóc bạc trắng, Già làng Năm Nổi, ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, nơi cư trú lâu đời của đồng bào Chơ-ro nói: 'Nhờ ơn Ðảng, Nhà nước, đồng bào Chơ-ro đã có cơm no, áo ấm. Con em được đi học, đường sá, nhà cửa khang trang, cuộc sống ngày càng phát triển. Ðến nay đồng bào Chơ-ro trong ấp không còn hộ nghèo nữa'.  

Ðể đồng bào được hưởng các điều kiện thuận lợi về kinh tế, chăm sóc y tế, giáo dục..., tỉnh Ðồng Nai đã dành nhiều chương trình, dự án đầu tư. Ðiển hình là các chương trình 134, 135 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào. Ngoài mức quy định của Nhà nước, đồng bào DTTS ở Ðồng Nai còn được tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để ổn định cuộc sống. Riêng việc xây dựng nhà ở cho đồng bào DTTS nghèo, Trung ương hỗ trợ mỗi căn sáu triệu đồng, tỉnh và huyện trích thêm ngân sách địa phương 14 triệu đồng để mỗi căn nhà của đồng bào được xây dựng tối thiểu 20 triệu đồng. Ngoài nguồn đầu tư này, những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh vận động xây dựng hàng nghìn nhà đoàn kết tặng đồng bào nghèo, với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Các cấp ủy Ðảng, chính quyền tại Ðồng Nai, chú trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo con em đồng bào DTTS được xem  là nhân tố hàng đầu trong việc nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Hiện tỉnh có hai trường dân tộc nội trú: Trường dân tộc nội trú tỉnh và Trường dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú - Ðịnh Quán, mỗi năm có hơn 750 em theo học. Tỉnh  dự kiến xây thêm một trường dân tộc nội trú tại huyện Xuân Lộc, với quy mô dạy học khoảng 500 em.

Cùng với chính sách cử tuyển, tạo điều kiện để con em đồng bào được học tập tại các trường cao đẳng, đại học, từ nhiều năm nay, tỉnh trích một nguồn kinh phí khá lớn để phối hợp với Trường cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) đào tạo hơn 2.300 công nhân bậc 3/7, công nhân lành nghề, cán bộ điều dưỡng... cho thanh niên người DTTS của tỉnh.

Việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vùng DTTS không ngừng được củng cố và nâng cao. Một số ấp có đông đồng bào DTTS đã thành lập được chi bộ Ðảng, như ở xã Phước Bình (huyện Long Thành), xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), xã Tà Lài (huyện Tân Phú). Số đại biểu HÐND, ủy viên ban chấp hành các đoàn thể, cán bộ, lãnh đạo các cấp là người DTTS ngày càng tăng. Ðây chính là lực lượng quan trọng, tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước.