Đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển nền kinh tế, đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”.
Bác Ninh Văn Hạnh, TP Phủ Lý (Hà Nam) đánh giá cao dự báo tình hình năm 2022 của hội nghị: Dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối; đồng thời bác cũng nhất trí cao với chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt” với dịch bệnh.
Theo bác Hạnh, thời gian qua, chúng ta phòng, chống đại dịch Covid-19 trong điều kiện rất khó khăn; hầu như toàn bộ trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vaccine và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu; các biện pháp công nghệ cũng chưa bảo đảm; việc phân cấp, phân quyền còn không ít bất cập. Đây là nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm ở một số tỉnh, thành phố bùng phát, lan nhanh. Đời sống nhân dân bị đảo lộn, số lượng người bỏ nhà máy, xí nghiệp về quê nhiều, khó kiểm soát… Nhưng không vì thấy sự nguy hiểm của virus mà chúng ta sợ; khi chưa có phương thuốc tiêu diệt hoàn toàn thì phải bình tĩnh, chủ động để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Đây là tư duy mới, cần được các cấp ủy, chính quyền phổ biến, quán triệt rộng rãi đến nhân dân. Một khi toàn dân thông suốt, quyết tâm cùng Đảng, Nhà nước thực hiện thì việc đẩy lùi tác hại của đại dịch Covid-19 sẽ không còn xa.
Với nhiều năm kinh nghiệm công tác trong ngành y tế, bác Nguyễn Thị Mai Phương, nguyên cán bộ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thống nhất quan điểm nêu trên và góp ý, để thích ứng với dịch bệnh cần xác định nhiệm vụ trụ cột, cấp bách là nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy phòng chống dịch của hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở. Ngoài tăng cường nguồn lực vaccine, thuốc chữa bệnh Covid-19, cần nhanh chóng đổi mới và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, nhất là cho nhóm khách hàng mắc bệnh mãn tính. Thúc đẩy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế, nhất là trong hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế.
Theo Tiến sĩ Đỗ Văn Quân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, việc chuyển trạng thái từ bị động sang thích ứng an toàn, linh hoạt hay gọi là “trạng thái bình thường mới” sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế, hệ thống xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới.
Qua bài học trong công tác quản lý doanh nghiệp, người lao động thời gian vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng các cấp ủy, chính quyền cần chuyển đổi tư duy từ quản lý sang tư duy quản trị. Thực tế ở các địa phương đã chứng minh, khi chuyển từ quản lý sang quản trị bằng việc cấp ủy, chính quyền chủ động phối hợp tổ chức, cá nhân khảo sát và ghi nhận nhu cầu của người lao động và đáp ứng kịp thời như giúp đỡ tài chính, lương thực, thực phẩm và hỗ trợ để người dân trở về quê đã khắc phục được tình trạng số đông người ồ ạt về quê gây nhiều hệ lụy xấu.
Anh Trần Mạnh Tuyển, cán bộ Công ty cổ phần Dây và Cáp điện Thượng Đình (Hà Nội) đề xuất, bên cạnh những giải pháp lớn tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế để không “lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới” thì trong sản xuất, kinh doanh cũng rất cần giải pháp mới phù hợp quy định về giãn cách xã hội, hình thành thói quen cẩn trọng về vệ sinh, hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc… Đẩy nhanh một số ngành, lĩnh vực có lợi thế như ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Cùng với đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh, bác Nguyễn Thị Liên, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà (Thái Bình) mong muốn các cấp ủy tăng cường công tác giáo dục, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để không còn những cán bộ thiếu gương mẫu, lợi dụng chức vụ và tình hình khó khăn do dịch bệnh để trục lợi, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Qua theo dõi nội dung Hội nghị Trung ương 4, nhiều cán bộ, đảng viên thể hiện sự đồng tình, tâm đắc với chủ trương: chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Theo Thạc sĩ Bùi Thu Huyền, Ban Nội chính Trung ương, tham nhũng và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của đội ngũ cán bộ các cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, trọng tâm của đấu tranh phòng, chống tiêu cực chính là đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Cùng quan điểm nêu trên, đồng chí Vũ Kim Anh, cán bộ Trung tâm Thông tin thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung, để chuyển nhanh từ ngăn chặn, đẩy lùi sang chủ động đấu tranh với suy thoái và tham nhũng, tiêu cực, chúng ta cần tập trung xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định trong công tác đấu tranh, xử lý nghiêm minh với sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, làm cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng triển khai thực hiện.