Đổi mới phong trào “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động từ năm 1989. Trải qua chặng đường hơn 30 năm, phong trào trở thành truyền thống tốt đẹp của các nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên cả nước. 
 

Nữ công nhân Tổng công ty May 10 thi đua lao động sản xuất.
Nữ công nhân Tổng công ty May 10 thi đua lao động sản xuất.

Câu chuyện của nữ công nhân Hoàng Thị Hải là điển hình của hàng triệu nữ CNLÐ xứng đáng với danh hiệu "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Năm 2007, chị Hải về công tác tại Nhà máy sợi, Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Ðịnh. Trong ba năm từ 2015-2017, chị Hải có hai sáng kiến "Nối mối nhanh", "Thao tác máy nhanh", làm lợi cho nhà máy hơn 200 triệu đồng. Từ những nỗ lực bền bỉ, sáng tạo, chị đoạt giải Vàng ngành sợi tại Hội thi thợ giỏi toàn quốc lần thứ 5 - 2015; Người lao động Dệt May tiêu biểu giai đoạn 2011 - 2016; Người thợ giỏi toàn quốc, Bằng Lao động sáng tạo năm 2017; Giải thưởng Nguyễn Ðức Cảnh năm 2018 của Tổng LÐLÐ Việt Nam, là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu nhất của Chương trình "Tự hào Phụ nữ Việt Nam" tham dự Ðại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; Giải thưởng Nguyễn Thị Sen năm 2019, dành riêng cho lao động nữ dệt may xuất sắc. Gần đây nhất, chị được Hội đồng Quản lý quỹ Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam trao tặng "Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu" năm 2020. Chị Hải tâm sự: Cũng như nhiều nữ CNLÐ khác, tôi luôn xác định vun đắp, xây dựng tổ ấm gia đình là hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ. Thời gian lao động, sản xuất tại nhà máy, tôi nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thời gian còn lại, tôi cố gắng làm tròn thiên chức của người con dâu, người vợ, người mẹ. Do công việc gắn với ca kíp, gia đình có mẹ già, con nhỏ, chồng làm khác ngành nghề, chị Hải phải lên kế hoạch cho cả tuần để tổ chức cuộc sống gia đình khoa học. Với người dân nơi cư trú, chị cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, đồng thời vận động người thân trong gia đình thực hiện tốt các quy định của địa phương, nhất là hưởng ứng phong trào xây dựng gia đình văn hóa.

Từ khi phát động phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" đến nay, Tổng LÐLÐ đã sơ kết, tổng kết từ cấp công đoàn cơ sở đến cấp Tổng Liên đoàn. Thông qua tổng kết, các cấp công đoàn đã khẳng định: Phong trào thi đua có nội dung toàn diện, thiết thực, vừa đề cập trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của lao động nữ đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HÐH) đất nước, vừa nêu lên chuẩn mực, tiêu chí phấn đấu của mỗi nữ CNVCLÐ. Kế thừa kết quả những năm trước, từ năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tiếp tục ký Chương trình phối hợp Tổng LÐLÐ Việt Nam về tổ chức các hoạt động cho nữ CNVCLÐ giai đoạn 2017 - 2022. Trong đó, tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Từ đó, tiêu chuẩn nội dung phong trào thi đua này đã được cụ thể hóa trong nội dung phong trào thi đua "Lao động giỏi" và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội Phụ nữ phát động. Thông qua phong trào, nữ CNVCLÐ đã trưởng thành về mọi mặt các lĩnh vực công tác, phát huy trí tuệ và năng lực để thực hiện tốt chức năng người lao động, người mẹ, người vợ, người quản lý gia đình tốt, khẳng định được vị thế của mình trong xã hội và gia đình. Kết quả phong trào thi đua cho thấy tổ chức công đoàn Việt Nam đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt đường lối phụ vận của Ðảng trong nữ CNVCLÐ và gắn phong trào nữ CNVCLÐ với phong trào chung của phụ nữ cả nước.

Theo báo cáo của Tổng LÐLÐ Việt Nam, hằng năm, có hơn 95% số nữ CNVCLÐ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu thi đua. Từ năm 2015 đến 2019, đã có 10 triệu lượt nữ CNVCLÐ đăng ký tham gia thi đua. Trong đó, hàng triệu lượt phụ nữ đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", hàng trăm tập thể, cá nhân nữ được tặng cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam, các cấp chính quyền; hàng chục nghìn lượt nữ đoàn viên, gia đình nữ tiêu biểu được biểu dương, tôn vinh ở các cấp. Hằng năm, Tổng Liên đoàn đề cử một nữ công nhân tiêu biểu và được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam cho hàng trăm chị là cán bộ nữ công chuyên trách, trưởng ban nữ công cơ sở. Số nữ CNVCLÐ được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn qua 5 năm (2015 - 2020) chiếm hơn 20%, Giải thưởng Nguyễn Ðức Cảnh chiếm 24,3%, Giải thưởng Nguyễn Văn Linh chiếm 35%.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước và hội nhập quốc tế, phong trào thi đua còn có những bất cập, hạn chế. Trưởng ban Nữ công, Tổng LÐLÐ Việt Nam Trịnh Thanh Hằng chỉ ra: Phong trào phát triển chưa đồng đều, tập trung chủ yếu trong đội ngũ nữ CNVCLÐ khối hành chính sự nghiệp, khối giáo dục. Tại các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước, DN tư nhân, DN 100% vốn nước ngoài, phong trào còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ nữ sản xuất trực tiếp được khen thưởng còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng đông đảo. Ngoài ra, nhiều vấn đề xã hội tác động đến tâm lý, tình cảm của nữ CNVCLÐ như: phụ nữ đơn thân, hôn nhân đồng tính, nạo phá thai trước hôn nhân. Ðịnh kiến giới vẫn tồn tại ở một số cơ quan, đơn vị và trong xã hội. Do chưa nhận thức đầy đủ tinh thần của phong trào dẫn đến có lúc, có nơi còn cho rằng phong trào thi đua "vô tình" tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ trong việc quán xuyến gia đình.

Ðể phong trào tiếp tục phát triển cả bề rộng, chiều sâu trong nữ CNVCLÐ, Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Trần Văn Thuật khẳng định: Phong trào xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi chị em, yếu tố tự thân đó được nhân thêm sức mạnh, lan tỏa và kết nối bởi sự chỉ đạo có hiệu quả của các cấp công đoàn, giúp chị em thêm bản lĩnh vươn lên, tự khẳng định mình trong công việc và cuộc sống. Ban Nữ công Công đoàn các cấp là hạt nhân tham mưu cho công đoàn cùng cấp tổ chức triển khai chỉ đạo phong trào; thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ. Từ thực tiễn phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", các cấp công đoàn cần linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hơn nữa để các phong trào phù hợp từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể.