Thực tế cho thấy, nơi nào cán bộ xã, phường hết lòng vì công việc, phụng sự nhân dân thì nơi đó kinh tế phát triển, an ninh chính trị được bảo đảm. Ngược lại, nơi nào cán bộ xã, phường chưa đặt quyền và lợi ích của nhân dân lên trên thì ở đó nảy sinh khiếu kiện, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Nhân dân đóng góp ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm
Từ những năm 2005-2006, thực hiện Nghị định số 79/2003/NÐ-CP ngày 7-7-2003 của Chính phủ, Thông tri hướng dẫn số 06/TTr-MTTQ ngày 25-1-2005 của UBT.Ư MTTQ Việt Nam về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Hội đồng nhân dân (HÐND) cấp xã bầu, tỉnh Ninh Bình đã nghiêm túc thực hiện theo đúng quy trình. Ðặc biệt, khi Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết liên tịch số 09 ngày 17-4-2008 của Chính phủ và UBT.Ư MTTQ Việt Nam ban hành hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm bốn chức danh bao gồm Chủ tịch HÐND, Phó Chủ tịch HÐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Thế nhưng một số nơi vẫn còn dư luận chưa tốt về cán bộ, công chức xã, phường gây mất lòng tin của nhân dân.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Ninh Bình Tạ Nhật Thới, cho biết, qua kiểm tra, việc lấy phiếu tín nhiệm tại cơ sở của bốn chức danh trên vẫn còn nhiều tồn tại bởi công tác tổ chức thực hiện một số nơi còn mang tính hình thức, phối hợp giữa Ban công tác Mặt trận với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố còn lúng túng; thành phần dự họp và ghi phiếu tín nhiệm còn ít. Người được lấy phiếu tín nhiệm làm bản tự kiểm điểm, đánh giá năng lực trình độ chuyên môn còn sơ sài, chưa đề ra các giải pháp và thời gian khắc phục những tồn tại, khuyết điểm của bản thân. Ðáng chú ý là, những cán bộ không thuộc bốn chức danh trên lại "lọt lưới" bởi họ chỉ là cán bộ, công chức chưa đảm đương công tác quản lý, nhưng là những người trực tiếp với nhân dân và cũng làm nảy sinh khiếu kiện do quan liêu, cửa quyền, lộng hành và nhũng nhiễu.
Hằng năm, mỗi lần họp HÐND tỉnh lại nghe cử tri nơi này, nơi kia chất vấn hoặc khiếu kiện bằng đơn, thư... Nhân dân kêu nhưng không đủ bằng chứng pháp lý khiến cơ quan chức năng không thể xử lý, kỷ luật. Từ thực tiễn ở địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình quyết định bỏ phiếu tín nhiệm thêm bốn chức danh ở xã, phường là Ðịa chính - xây dựng, Tài chính - kinh tế, Lao động - Thương binh và Xã Hội, Tư pháp - hộ tịch. Ðây là bốn chức danh mang tính "nhạy cảm" nhất bởi hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, va chạm với người dân nhiều nhất. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri số 09 TT/TU ngày 4-8-2008 và đề ra tiêu chí cho việc lấy tín nhiệm cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn cụ thể là việc triển khai, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, năng lực quản lý, điều hành, mức độ hoàn thành công việc được giao, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc phục vụ nhân dân, làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tham gia đóng góp ý kiến cho cán bộ, công chức. Ban Thường trực của Mặt trận Tổ quốc cấp xã xây dựng kế hoạch và tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm, bảo đảm khách quan, dân chủ.
Việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, công chức xã, phường ở tỉnh Ninh Bình diễn ra có lộ trình, thận trọng và có thời gian cụ thể. Ðồng thời, thành lập tổ công tác nhằm giám sát bỏ phiếu tín nhiệm tại cơ sở. Tổ công tác ở tỉnh gồm đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm tổ trưởng và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Còn cấp huyện thì đồng chí Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, thành ủy, thị ủy làm tổ trưởng, cùng đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã làm tổ phó. Các đồng chí trong Ban tổ chức, Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra, Trưởng phòng nội vụ tham gia tổ công tác. Riêng cấp xã, Ban Thường vụ đảng ủy trực tiếp chỉ đạo. Tổ công tác có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và phân công thành viên trong tổ dự một số hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Ngay sau đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình có Văn bản số 37/QT-MT hướng dẫn cơ sở thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với tám chức danh cán bộ, công chức xã, phường. Trong đó chỉ rõ ba bước tiến hành, gồm khâu chuẩn bị thành lập tổ công tác như thế nào, thành phần ra sao? Ban Thường trực MTTQ ở cấp xã thì phải làm những công việc gì? Ban công tác Mặt trận tại khu dân cư (thôn, bản, khu phố, tổ dân phố) phải chuẩn bị những gì? Ðối với cán bộ, công chức thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm viết bản tự kiểm điểm công tác cá nhân (theo mẫu) và bản tự kiểm điểm gửi về Ban Thường trực MTTQ xã trước 10 ngày tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Tổ chức hội nghị quy định rõ thành phần đại biểu mời (không mời cán bộ, công chức thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm dự hội nghị). Ðại biểu chính thức là đại diện gia đình ở khu dân cư (tổ, khu phố, thôn xóm). Trước khi hội nghị đóng góp ý kiến, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc xã điểm danh từng hộ, thông báo số đại biểu chính thức có mặt, vắng mặt. Ðáng lưu ý là, hội nghị đóng góp ý kiến cho cán bộ, công chức xã chỉ được tiến hành khi ít nhất 2/3 số đại biểu chính thức tham dự. Khi hội nghị tiến hành, Ủy ban MTTQ xã cử đại diện đọc bản tự kiểm điểm đánh giá của cán bộ, công chức sau đó đại diện cử tri là các gia đình trong khu phố, tổ dân cư, thôn, xóm nhận xét và góp ý. Ðể tránh trường hợp thiếu khách quan, hội nghị bầu ra tổ thư ký có nhiệm vụ ghi chép đầy đủ những ý kiến đóng góp của nhân dân cho cán bộ, công chức cơ sở. Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, đại diện Ủy ban MTTQ cấp xã đọc bản tổng hợp ý kiến đóng góp của cử tri tại khu dân cư để cùng thảo luận, đóng góp ý kiến. Ðể việc lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân đối với tám chức danh ở xã, phường tránh sai sót đáng tiếc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ đạo việc tổ chức làm điểm ở cấp huyện. Mỗi huyện một hoặc hai xã, phường, thị trấn rồi rút kinh nghiệm.
Ðến ngày 10-12-2008, tỉnh Ninh Bình thực hiện xong việc lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân địa phương với tám chức danh đối với 1.158 cán bộ, công chức ở 147 xã, phường, thị trấn. Cán bộ công chức thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm hầu hết có tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao, phần lớn đạt từ 87% đến 95%, chỉ có 15 cán bộ, công chức có phiếu tín nhiệm thấp (chưa đạt 50% số phiếu phát ra) ở hội nghị cấp xã và số phiếu tham khảo tại khu dân cư. Bốn cán bộ, công chức có số phiếu tín nhiệm ở hội nghị cấp xã chưa đạt 50% số phiếu phát ra, nhưng ở khu dân cư đạt hơn 50% số phiếu. 42 cán bộ công chức có phiếu tín nhiệm ở hội nghị cấp xã đạt hơn 50% số phiếu phát ra song ở khu dân cư chỉ đạt từ 30% đến 50% số phiếu bầu. 10 cán bộ, công chức xã có số phiếu tín nhiệm tại hội nghị xã, phường đạt hơn 50%, nhưng số phiếu tham khảo bình quân ở khu dân cư đạt chưa tới 30%.
Suy ngẫm từ một cách làm mới
Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình mở rộng diện lấy phiếu tín nhiệm thêm bốn chức danh: Ðịa chính - xây dựng, Tài chính - kinh tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp - hộ tịch là một cách làm mới. Khi lấy phiếu tín nhiệm, thấy cán bộ cấp dưới có số phiếu thấp thấy rõ năng lực còn yếu, thậm chí cán bộ dưới quyền lộng hành, nhũng nhiễu với dân. Chính vì vậy, nhiều nơi khi được phổ biến quy trình lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cán bộ, công chức xã người dân phấn khởi và tham dự rất đông. Cán bộ, đảng viên cùng nhân dân đều phấn khởi cho rằng, việc làm này là phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Nhiều nơi, nhân dân chưa có trụ sở thì cụm, khu dân cư tổ chức dựng rạp, trang trí phông màn và tuyên truyền trên loa đài, đây thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, để hiểu rõ đây là đóng góp ý kiến xây dựng chứ không phải đấu tố, Ban MTTQ khu dân cư hướng dẫn và cấp ủy đảng chỉ đạo để việc đóng góp ý kiến giúp cho sự phát triển chung, không mang tính cá nhân - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Kim Bảng, nói. "Bỏ phiếu như vậy có tính tới yếu tố dòng họ hoặc cụm dân cư không?" - Tôi hỏi. "Có. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng lường trước được điều đó. Cho nên quy trình là mỗi gia đình chỉ một đại biểu đi bỏ phiếu tham khảo, còn khi dự thì không hạn chế số người. Vì vậy, có trường hợp nào đó số phiếu ở cụm dân cư này cao hơn chỗ khác nhưng sẽ lấy tổng số phiếu bầu trong xã chia đều rồi tính phần trăm" -
Ðồng chí Nguyễn Kim Bảng giải thích. Ðiều quan trọng hơn cả là Ban Thường vụ Tỉnh ủy muốn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường có năng lực chuyên môn, đạo đức, lối sống lành mạnh, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân như lời Bác Hồ căn dặn. Chống khuynh hướng cán bộ, đảng viên sinh hoạt xa dân, coi thường dân, chỉ chăm lo việc đơn thuần là chuyên môn. Cán bộ, công chức cơ sở nếu không có trình độ chuyên môn, lại xa dân thì có khi chủ trương của cấp trên là đúng, nhưng khi triển khai về xã, phường thì làm sai, khiến dân mất lòng tin ở chủ trương chứ họ không hiểu đó là do cán bộ cơ sở làm sai, vận dụng sai. Ngay trong Thông báo số 922-TB/TU ngày 20-6-2008 của Tỉnh ủy Ninh Bình (sau một ngày UBND tỉnh tổ chức Hội nghị cán bộ xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh) cũng nhận xét chung về năng lực cán bộ công chức xã, phường, trong đó có công tác quản lý đất đai còn yếu kém, còn tình trạng né tránh đùn đẩy, buông lỏng dẫn đến vi phạm trong sử dụng đất, gây phiền hà, nhũng nhiễu dẫn đến khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Việc lấy phiếu tín nhiệm tám chức danh cán bộ công chức xã thật sự tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, giúp họ thấy rõ khuyết điểm để sửa chữa, điều chỉnh cho phù hợp nhằm nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân để rèn luyện, vươn lên.
Ðồng chí Ngô Văn Nguyên, Giám đốc Sở Nội vụ Ninh Bình cho biết: Toàn tỉnh sau khi lấy phiếu tín nhiệm, có 19 trường hợp số phiếu thấp (chưa đạt 50% ở cấp xã và 30% ở khu dân cư), hiện nay, phần lớn những người này đã làm đơn xin chuyển việc khác hoặc thôi việc. Huyện Kim Sơn có 2/3 người số phiếu tín nhiệm thấp làm đơn xin nghỉ, huyện Yên Khánh ngay khi kiểm điểm xong có năm người phiếu thấp đã làm đơn xin nghỉ. Trường hợp có phiếu tín nhiệm thấp không có đơn xin nghỉ, xã mời họp để xem xét mà ba lần không tới dự thì cũng cho thôi việc.
Trả lời câu hỏi: "Liệu khi xử lý những trường hợp phiếu tín nhiệm thấp, đồng chí có bị áp lực nào không?". Ðồng chí Trương Ðức Lộc - Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, cho biết, vừa rồi cũng có một vài cuộc điện thoại gọi đến nhờ xem có cách nào "lách" được không, nhưng quả thật là rất khó, chẳng làm gì được. Bí thư mà xử không nghiêm thì cũng bị điều chuyển việc khác ngay. Bây giờ ai có số phiếu tín nhiệm bao nhiêu đều đã rõ cả rồi không người nào xoay chuyển được. Chỉ một trường hợp nào đó không xử lý nghiêm sẽ làm hỏng cả chủ trương lớn của tỉnh, cho nên chỉ còn cách là cán bộ cơ sở phải làm thật tốt chức trách của mình, hết lòng phục vụ sự nghiệp mà Ðảng và Nhà nước giao phó.
Bài và ảnh: Ðỗ Tấn