Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Đổi mới công tác dân vận theo hướng thực chất, cụ thể

Khắc phục tư tưởng xem nhẹ, thiếu quan tâm đến công tác dân vận ở một số cấp ủy, chính quyền đơn vị, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng thực chất, cụ thể, thiết thực. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động dân vận, góp phần giải quyết, tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ban công tác mặt trận thôn Hữu Thủ 2, xã Kim Long, huyện Tam Dương tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp. (Ảnh KIM LY)
Ban công tác mặt trận thôn Hữu Thủ 2, xã Kim Long, huyện Tam Dương tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp. (Ảnh KIM LY)

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ nguyên nhân những khuyết điểm, yếu kém trong công tác dân vận thời gian qua là một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, toàn diện về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận.

Đề cao tính thiết thực, hiệu quả

Ngày 27/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU "Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới". Trong đó, xác định rõ công tác dân vận là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, cụ thể với cách làm sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác của tỉnh đã tích cực, chủ động chỉ đạo các huyện, thành phố, sở, ngành nâng cao trách nhiệm, tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Thanh tra tỉnh đã phối hợp các cấp, ngành tiếp tục rà soát các vụ việc tồn đọng để tham mưu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp lập danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài cần chỉ đạo giải quyết. Sáu tháng đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân các cấp đã tiếp 1.814 lượt, với tổng số 1.961 người; 340 vụ việc; phối hợp các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn tiếp công dân là 3.402 kỳ, số lượt tiếp là 1.057 lượt với 1.182 người.

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ năm 2022. Trong đó, chỉ đạo tập trung tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, thời gian làm việc; việc tuân thủ nội quy, quy chế cơ quan; tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Sáu tháng đầu năm 2022, Đoàn kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 12 lượt cơ quan, đơn vị, đồng thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm và xử lý 11 trường hợp vi phạm.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng triển khai các cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 13 cơ quan, đơn vị; đã ban hành 1/6 kết luận thanh tra trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Xây dựng; đang tiến hành 5/6 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số xã, phường, thị trấn. Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý, kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân để xảy ra bất cập, vi phạm phát hiện qua thanh tra.

Tại các địa phương, dân vận chính quyền được triển khai tích cực. Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã phối hợp tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri, thực hiện chức năng giám sát theo luật định. Ủy ban nhân dân các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng mô hình chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ; nâng cao chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân; có nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đến nay, toàn huyện có gần 90% số thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Năm 2021, huyện Vĩnh Tường được tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá là đơn vị dẫn đầu khối huyện, thành phố về chỉ số cải cách hành chính.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng hướng hoạt động về cơ sở, tích cực tham gia giải quyết những vướng mắc, vấn đề bức xúc nảy sinh từ cơ sở. Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Năm 2022, cấp ủy cấp huyện và xã giao chỉ tiêu giám sát, phản biện xã hội cho Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức ít nhất một cuộc phản biện. Đến nay, hầu hết các đơn vị đã tổ chức phản biện xã hội về dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Thông qua hoạt động kiểm tra giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập, hạn chế và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật ở địa phương.

Tạo đồng thuận, phát huy sức mạnh nhân dân

Từ hoạt động tích cực trong công tác dân vận, Vĩnh Phúc đã giải quyết được nhiều nút thắt trong phát triển kinh tế-xã hội. Nổi bật là những chuyển biến tích cực trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm.

Năm 2021, trên địa bàn huyện Tam Dương có gần 80 công trình, dự án cần triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm do cấp tỉnh, cấp huyện là chủ đầu tư. Điển hình như dự án quản lý nguồn nước ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc (triển khai tại xã Hoàng Lâu, Hoàng Đan) và dự án đường Đồng Tĩnh-Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, với tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 14ha. Đây là hai dự án Ban Thường vụ Huyện ủy giao cho Ban Dân vận chủ trì vận động nhân dân thực hiện giải phóng mặt bằng. Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng của huyện, các đơn vị, địa phương có dự án đi qua để nghiên cứu các phương án, xây dựng kế hoạch vận động cụ thể đến các hộ dân có liên quan; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án; niêm yết công khai, minh bạch đầy đủ các phương án bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng; tích cực nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của các hộ dân có đất phải thu hồi để đề xuất với các cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Đến hết tháng 10/2022, cả hai dự án đã chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho 232/241 hộ dân (đạt 96,2%), với tổng diện tích bồi thường giải phóng mặt bằng được hơn 15ha.

Là người trực tiếp xuống cơ sở cùng cán bộ địa phương vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho dự án, đồng chí Cao Thị Ngân Hoàn, Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước và tổng hợp thuộc Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Một trong những nguyên nhân người dân chưa đồng thuận với chính quyền là sự hiểu biết về chủ trương, chính sách chưa rõ, chưa chắc nên hoài nghi. Trong khi đó, cán bộ chưa chú trọng công tác tuyên truyền, giải thích, thậm chí để người dân phải tìm đến hỏi, thắc mắc. Nhưng nay thì khác, cán bộ tự tìm đến với dân để vận động. Không chỉ các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đối thoại, giải thích với người dân mà ở các dự án trọng điểm, tỉnh, huyện thành lập nhiều đoàn, nhiều tổ, nhiều thành phần tham gia đến từng hộ dân tuyên truyền giải thích. Cách làm này được người dân đánh giá cao vì mọi thắc mắc đều được giải thích kịp thời, thấu đáo. Ở một số địa phương như huyện Yên Lạc còn thuê luật sư độc lập phản biện chế độ, chính sách của huyện áp dụng với người dân diện giải phóng mặt bằng nhằm bảo đảm không bỏ sót quyền lợi của họ.

Việc chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới đều có những chuyển biến tích cực từ công tác dân vận. Điển hình như phong trào "dân vận khéo" ở huyện Yên Lạc, Tam Đảo đã giúp người dân triển khai thành công nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao như chuyển đổi vùng đất trũng sang trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) hay mô hình "chăn nuôi lợn" của Hợp tác xã Phú Thịnh (Tam Đảo)…

Theo đồng chí Đỗ Thị Ngọc Hân, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, qua triển khai công tác dân vận cho thấy, niềm tin của nhân dân với cấp ủy chính quyền được củng cố, tăng cường. Ngày càng nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân góp ý cho hoạt động của cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng như đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, người dân tích cực đóng góp tham gia vào sự nghiệp phát triển chung. Trong xây dựng nông thôn mới, người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, tỉnh có 13 xã nông thôn mới nâng cao. Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thời gian tới, Tỉnh ủy Vĩnh phúc tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới phương thức hoạt động công tác dân vận theo hướng tăng cường chỉ đạo dân vận chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn với chủ trương giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và "khoán việc" cho người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, huyện; xem đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm củng cố uy tín và phát huy sức mạnh của nhân dân vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.