Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp 2013 đã chỉ rõ: "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp". Vấn đề đặt ra là: Cần phải bảo đảm những yếu tố nào để Tòa án thực hiện được quyền tư pháp, đó cũng chính là sự độc lập tư pháp, sự độc lập của Tòa án trong hoạt động xét xử nhằm thực hiện đúng đắn, đầy đủ quyền tư pháp như nội dung Hiến định.
Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2013) đã quy định rõ hơn các bản Hiến pháp trước đây về sự độc lập của Thẩm phán: "Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm". Chủ thể Hội thẩm được đưa ngay vào trong Hiến pháp của nước ta nói lên tính đại diện và quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử thực hiện quyền tư pháp.
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến năm 2020 nêu rõ: "Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án". Để Tòa án nhân dân (TAND) thực hiện đúng đắn quyền tư pháp theo Hiến định, TAND không chỉ là cơ quan áp dụng pháp luật để trừng trị các hành vi vi phạm pháp luật của người dân, mà còn trở thành công cụ để người dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước hành vi vi phạm của các cơ quan công quyền.
Bảo đảm cho Tòa án được độc lập, Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng đã định hướng rõ: "Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính".
Triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Đảng về CCTP đến năm 2020; thực hiện các nội dung mới của Hiến pháp 2013 về các vấn đề liên quan đến TAND... TAND tối cao đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) với nội dung kế thừa các quy định trước đây, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các điều kiện thực tiễn của đất nước, bảo đảm sự độc lập tư pháp, độc lập của Tòa án, để Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức trong toàn xã hội về độc lập tư pháp, độc lập của Tòa án trong thực hiện nhiệm vụ của mình, cần thiết phải nghiên cứu, phân tích rõ các yếu tố bảo đảm cho sự độc lập tư pháp, độc lập của Tòa án, trên cơ sở đó xây dựng các thể chế, quy định phù hợp, thuận lợi trong triển khai thực hiện công tác Tòa án. Các yếu tố bảo đảm cho sự độc lập của Tòa án, có thể nêu cụ thể một số điểm sau đây:
1- Cần nhận thức đúng đắn về Tòa án - Cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý
Lâu nay, chúng ta thường quan niệm Tòa án chỉ là cơ quan xét xử, như một "ngành" chuyên môn như các bộ, ngành khác; TAND tối cao được xem như một cơ quan "bộ" ở T.Ư, các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được xem như một cấp sở, ngành của tỉnh; TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được xem như một phòng cấp huyện của chính quyền địa phương. Nghĩa là tất cả các cơ quan Tòa án (trừ Tòa án tối cao), đều được xem như "TAND địa phương"; Thẩm phán được nhìn nhận như một dạng công chức hành chính. Đúng ra, Tòa án phải được xã hội nhận thức, được hiểu đúng đắn là một thiết chế đặc biệt, bảo vệ công lý, thực hiện nhiệm vụ của nhánh quyền lực tư pháp quốc gia; và vì vậy, cho dù Tòa án được thành lập ở cấp nào, địa phương nào thì Tòa án cũng là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp quốc gia, không phải là cơ quan của địa phương.
Do nhận thức giản đơn, chưa đúng đắn về Tòa án như vậy, nên việc xem xét, quyết định các vấn đề về thể chế, tổ chức, bộ máy, trụ sở, kinh phí hoạt động, chế độ tiền lương, nhiệm kỳ của Thẩm phán... được nhìn nhận tương đối giống với các cơ quan hành chính Nhà nước khác, mà chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng tính chất đặc thù của Tòa án - Một thiết chế đặc biệt thực thi một trong ba loại quyền lực Nhà nước là Quyền tư pháp. Sự nghiệp đổi mới và CCTP đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong toàn Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về chế độ chính trị và quyền lực nhà nước. Trong đó có sự nhận thức mới về vị trí vai trò và quyền lực tư pháp của TAND.Chính vì vậy, tại khoản 3 Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 đã ghi rõ "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" và tại khoản 1 Điều 102 Hiến pháp cũng đã xác định rõ "TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp".
Để Tòa án được độc lập trong thực thi nhiệm vụ, độc lập tư pháp, trước hết cần thay đổi nhận thức về Tòa án theo hướng: Tòa án là cơ quan duy nhất nhân danh Nhà nước tiến hành các hoạt động xét xử nhằm mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thực hiện quyền tư pháp quốc gia. Trên cơ sở đó, có quan điểm đúng đắn để xác lập và xây dựng thể chế, nguyên tắc hoạt động, bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, kinh phí hoạt động của Tòa án, tuổi hưu, nhiệm kỳ và chế độ lương của Thẩm phán... cho phù hợp.
2- Năng lực, đạo đức và tăng cường trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm
Chủ thể trực tiếp thực thi quyền Hiến định và pháp định tại Tòa án chính là các Thẩm phán và Hội thẩm. Bảo đảm cho Tòa án độc lập, chính là bảo đảm cho Thẩm phán và Hội thẩm độc lập. Sự độc lập của Tòa án, của Thẩm phán và Hội thẩm không chỉ giản đơn trong giai đoạn xét xử, mà còn mở rộng phạm vi độc lập ra khỏi khuôn khổ xét xử, độc lập cả trong cơ chế chính sách, thể chế luật pháp đối với các chức danh này.
Trước hết, Hiến pháp và pháp luật phải quy định công khai, minh bạch, đầy đủ, cụ thể về quyền độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử. Việc bổ nhiệm Thẩm phán phải công tâm, chính xác, lựa chọn cho được những người được đào tạo, rèn luyện, có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm, bảo đảm có đủ ý chí, quyết tâm bảo vệ công lý, thực hiện quyền tư pháp và độc lập trong xét xử. Mặt khác, cần phải có các thể chế để buộc Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình, buộc họ phải độc lập, công tâm, bảo vệ công lý, thực hiện đúng đắn quyền tư pháp và nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử.
3- Chế độ bổ nhiệm, thuyên chuyển, kỷ luật, khen thưởng đối với Thẩm phán
Là chủ thể trực tiếp thực thi quyền tư pháp quốc gia, nên chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, thuyên chuyển, kỷ luật, cách chức, khen thưởng... đối với Thẩm phán phải được Hiến pháp và pháp luật quy định rõ ràng, tuân thủ một quy trình chặt chẽ, không có quyền lực cá nhân nào can thiệp, quyết định được việc này (thí dụ: Việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao phải được Quốc hội phê chuẩn; bổ nhiệm các Thẩm phán khác phải thông qua Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia, khi đó Chánh án TAND tối cao mới trình Chủ tịch nước quyết định, bổ nhiệm), cần có quy định chặt chẽ, cụ thể, chi tiết về chuẩn mực đạo đức, cũng như những hành vi Thẩm phán không được làm hoặc phải tránh. Việc kỷ luật Thẩm phán phải được xem xét minh bạch, độc lập.
4- Nhiệm kỳ của Thẩm phán cần bảo đảm lâu dài
Nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng có ảnh hưởng đến sự độc lập của tư pháp. Khi được bảo đảm một nhiệm kỳ đủ dài, không phải lo lắng quá nhiều về việc tái bổ nhiệm khi hết nhiệm kỳ thẩm phán, Thẩm phán có thể đưa ra phán quyết mà không phải bận tâm tới phúc lợi cá nhân và nghề nghiệp của mình.
Thẩm phán giữ nhiệm kỳ lâu dài giúp họ yên tâm với công việc xét xử, không phải bận tâm về việc tái bổ nhiệm nhiệm kỳ sau, cương quyết và độc lập hơn trong bảo vệ lẽ phải, công lý. Hơn nữa, trong bối cảnh pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, tranh chấp càng trở nên phức tạp, kiến thức và kinh nghiệm của Thẩm phán đòi hỏi ngày càng cao hơn. Do đó, việc giữ nhiệm kỳ dài sẽ giúp cho Thẩm phán có thời gian bồi bổ kiến thức, ngày càng tích lũy bề dày kinh nghiệm, tăng cường chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao tính độc lập của họ.
Ở nhiều nước, để bảo đảm được tính pháp lý cho sự độc lập của tư pháp, pháp luật đã quy định về nhiệm kỳ của Thẩm phán theo hướng nhiệm kỳ suốt đời. Đây được coi là phương thức mạnh để bảo đảm sự độc lập cho cá nhân Thẩm phán. Nhưng để phòng ngừa hệ quả không hay của nó, cần phải có quy trình lựa chọn, bổ nhiệm, kiểm soát sự giải trình tư pháp của Thẩm phán một cách kỹ càng, minh bạch.
5- Bảo đảm chế độ lương, tuổi về hưu và chế độ chính sách hợp lý đối với Thẩm phán
Bên cạnh việc giữ nhiệm kỳ làm việc lâu dài, ổn định, cần phải quy định một chế độ lương bổng đặc biệt cho Thẩm phán, bởi trước hết lao động của Thẩm phán là loại lao động đặc thù. Một chế độ lương bảo đảm cho cuộc sống sinh hoạt, lao động nghề nghiệp của cá nhân và gia đình Thẩm phán, sẽ giúp họ công tâm làm việc, giữ gìn phẩm chất đạo đức và ý chí bảo vệ công lý, sẽ nâng cao tính độc lập, tránh mọi sự chi phối, cám dỗ bằng vật chất bởi các quyền lực, thế lực, tác động, ảnh hưởng tiêu cực khác từ bên ngoài đối với các phán quyết của họ.
Cần tính đến tuổi về hưu của Thẩm phán và các chế độ bảo vệ an ninh công vụ đối với họ. Bởi người Thẩm phán giỏi, nhiều kinh nghiệm thường là người có bề dày thâm niên công tác, khi chạm tuổi về hưu cũng là lúc "độ chín" về nghề nghiệp của họ trở nên sắc bén, phán quyết chính xác và thận trọng hơn. Vì thế, tuổi về hưu của Thẩm phán có thể nên quy định cao hơn các công chức hành chính khác. Mặt khác, các phán quyết của họ thường động chạm đến các lợi ích của tổ chức, cá nhân, thậm chí quyết định của họ có thể tước đi sự sống của con người nên Thẩm phán là một nghề nguy hiểm, cần được bảo vệ đặc biệt, bảo đảm cho họ yên tâm, an toàn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, thực hiện quyền tư pháp.
6- Quản lý hành chính tư pháp và bảo đảm ngân sách cho Tòa án
Quản lý hành chính đối với Tòa án có mối quan hệ chặt chẽ với sự độc lập tư pháp. Để bảo đảm tốt hơn sự độc lập của tư pháp, nhiều nước mở rộng vai trò của Tòa án trong việc quản lý hành chính đối với công việc, nguồn lực của Tòa án, tách công việc này khỏi hành pháp.
Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tư pháp trong thời gian tới là: "TAND tối cao quản lý TAND địa phương về tổ chức để bảo đảm gắn việc theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn với việc nhận xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ". Điều 17 của Luật Tổ chức TAND năm 2002 đã quy định "TAND tối cao quản lý các TAND về tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với HĐND". Trong dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi quy định: "TAND tối cao quản lý các TAND về tổ chức" là kế thừa quan điểm nói trên và phù hợp với tinh thần CCTP vì TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tuy nhiên, để bảo đảm sự giám sát của cơ quan dân cử thì Hiến pháp vẫn quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND.
Thực tế cho thấy qua 12 năm thực hiện quy định tại Điều 17 của Luật Tổ chức TAND năm 2002, các Tòa án thuộc quyền quản lý của TAND tối cao được từng bước kiện toàn về cơ cấu tổ chức; bổ sung biên chế, số lượng Thẩm phán bảo đảm đúng cơ cấu chức danh, tiêu chuẩn và thủ tục tuyển chọn theo quy định; chất lượng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được nâng cao; cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc của các Tòa án ngày càng được cải thiện; các mặt công tác mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án có nhiều chuyển biến tích cực, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp xét xử oan sai nghiêm trọng. Mặt khác, ở nước ta công tác tổ chức và cán bộ thuộc sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng có thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị dù hoạt động trên lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Chính vì vậy, việc TAND tối cao quản lý các TAND về tổ chức không làm ảnh hưởng tới tính độc lập của các Tòa án, mà còn bảo đảm gắn việc đánh giá chất lượng công tác với quy hoạch, đào tạo, sắp xếp cán bộ; đồng thời cũng phù hợp với quy định của Điều 105 Hiến pháp năm 2013 về việc Chánh án TAND tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Ở nước ta, bộ máy hành chính tư pháp trong TAND cần độc lập với hệ thống tổ chức các Tòa án theo cấp xét xử. Các chức danh quản lý hành chính tư pháp trong TAND không đồng thời được bổ nhiệm làm Thẩm phán, các chức danh tư pháp khác và ngược lại; đồng thời, nghiêm cấm công chức hành chính tư pháp trong TAND các cấp can thiệp, tác động vào hoạt động xét xử.
Ngân sách hoạt động của hệ thống Tòa án nói chung, bảo đảm tài chính (tiền lương và các chính sách ưu đãi khác) cho Thẩm phán nói riêng là một trong những yếu tố gián tiếp có thể ảnh hưởng đến sự độc lập tư pháp. Theo dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thì: "Kinh phí hoạt động của các TAND do Chính phủ trình Quốc hội quyết định, sau khi thống nhất với TAND tối cao. Trường hợp Chính phủ và TAND tối cao không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động của TAND thì Chánh án TAND tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định". TAND tối cao cần có cơ chế giám sát để khoản ngân sách đó được phân bổ trong toàn hệ thống Tòa án một cách công bằng, hợp lý, được sử dụng đúng mục đích. Việc phân bổ kinh phí căn cứ trên cơ sở đề xuất của các Tòa án địa phương xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ thực tế và được thực hiện một cách công khai minh bạch, đồng thời Chánh án TAND tối cao sẽ là người xem xét quyết định. Ngoài ra, để bảo đảm cho nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích thì cần được giám sát qua các cơ chế như: kiểm toán, thanh tra kiểm tra... Cơ quan quản lý hành chính tư pháp không tham gia vào quá trình này.
Tóm lại, ở nước ta, quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong mối quan hệ với các cơ quan thực hiện các nhánh quyền lực khác, sự độc lập tư pháp được thể hiện rõ rệt nhất ở chỗ không được can thiệp vào công việc của Tòa án, của Thẩm phán, nhất là hoạt động xét xử của Thẩm phán. Thẩm phán xét xử chỉ dựa trên chứng cứ toàn diện của vụ án, xem xét đánh giá bản chất sự việc một cách khách quan, vô tư, trung thực, tuân thủ pháp luật, không tuân theo ý chí của một ai khác.
Để làm được điều đó, cần phải xây dựng cho được những thể chế, quy định chặt chẽ bảo đảm cho sự độc lập tư pháp, độc lập của Tòa án (trước hết là những nội dung trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi), tạo điều kiện thuận lợi cho TAND thực hiện đúng đắn, đầy đủ quyền tư pháp theo nội dung Hiến định, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
TRƯƠNG HÒA BÌNH
Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND tối cao