Trang phục đồng bào Khmer ở An Giang chủ yếu phân biệt theo hai hình thức chính là trang phục đời thường và trang phục lễ hội. Trong ngày thường, phụ nữ Khmer mặc trang phục bằng tơ lụa, mầu sắc khá rực rỡ, bao gồm váy, áo dệt bằng tơ tằm, hay chỉ kim tuyến thêu hoa văn khác nhau. Áo tầm vông (còn gọi là áo cổ vòng) được kết hợp hài hòa với xà rông. Áo tầm vông thường được dệt bằng tơ tằm hay chỉ kim tuyến với nhiều họa tiết hoa văn khác nhau. Xà rông là một mảnh thổ cẩm rộng khoảng một mét, dài 3,5 m, khi mặc thì cuốn lại che nửa người phía dưới.
Nét đẹp trong trang phục truyền thống của người Khmer được thể hiện rõ nhất vào ngày cưới và mỗi kỳ lễ hội. Đám cưới ở vùng núi tỉnh An Giang, các thiếu nữ Khmer thường chọn trang phục có nhiều mầu sắc rực rỡ, xanh, đỏ, tím, vàng. Đó cũng là cách thể hiện nét sống động văn hóa và niềm tự hào của dân tộc Khmer.
Trang phục cưới của cô dâu người Khmer gồm ba phần: áo, váy, mũ. Thông thường cô dâu hay mặc chiếc xăm-pốt bằng sợi kim tuyến hay tơ tằm mầu đỏ sẫm hay mầu hồng cánh sen, dài đến cổ chân, có dệt hoa văn, cùng chiếc áo ngắn tay bó chẽn hoặc để hở một bên vai. Áo và xăm-pốt được mặc khít với nhau bằng chiếc thắt lưng kim loại, đó là loại váy bằng tơ tằm, hình ống. Ngoài ra, còn có một tấm sronko mầu đỏ có dạng như cái yếm hình bán nguyệt quàng phía trước quanh chân cổ, che phủ hết phần trên của ngực áo. Tấm sronko có đính những hạt cườm theo hình hoa văn sặc sỡ.
Trên đầu cô dâu đội mũ cưới quý phái hình tháp nhọn nhiều tầng bằng kim loại hoặc giấy bồi cứng, giống một chiếc vương miện nhỏ xinh xắn, được trang trí bằng những hạt cườm lấp lánh thêu hoa và chung quanh mũ kết các chiếc cánh cứng mầu xanh biếc của loại bọ cánh cam. Để tôn thêm nét dịu dàng, nữ tính cho bộ lễ phục thì không thể thiếu sbay, một loại khăn mềm mại, cuốn chéo từ vai trái xuống bên sườn phải. Sbay của cô dâu trước đây may bằng vải dệt kim mầu vàng và được đính hàng nghìn hạt kim sa nhỏ xíu sáng lấp lánh tạo nên hoa văn đa dạng.
Trang phục của đồng bào Khmer truyền thống được lưu giữ hàng nghìn năm, trong đó có trang phục phụ nữ Khmer nói riêng, đã góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.