Chúng tôi đến thăm Doanh nghiệp nước mắm Lệ Ninh, ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Mùi nước nắm thơm ngào ngạt từ hàng trăm lu, vại loại to trong khoảng sân rộng, ngầm mách bảo chất lượng nước mắm ngon. Ðây cũng là lý do giúp chủ doanh nghiệp Nguyễn Thị Ninh, đang ngày một giàu lên nhờ thứ nước mắm có hương vị ngọt đậm của cốt cá, màu cánh gián tươi rói, khi đóng vào chai trong veo.
Gặp chúng tôi, chị Ninh kể về những năm tháng khốn khó của gia đình: "Ngày trước, tui và chồng lần hồi đánh được ít cá nhỏ đem chợ bán giá thấp mà chẳng mấy người mua. Nghĩ cực lắm". Rồi chị cũng tìm tòi, học cách làm nước mắm. Khổ nỗi vốn vay khó khăn, hơn nữa, thứ nước mắm chị làm ra mùi vị không thơm, mà màu nước mắm cũng đen nên dù làm ít mà cũng ế ẩm. Năm 2003, Chị được Hội phụ nữ tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội được vay 10 triệu đồng và được Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh cho đi tập huấn lớp doanh nghiệp nhỏ và vừa, đi học hỏi kinh nghiệm làm nước mắm ở Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)... Nay thì doanh nghiệp nước mắm Lệ Ninh của chị đã làm ăn ngày càng khấm khá. Tiếng lành lan xa, nước mắm Lệ Ninh đã dần nổi tiếng. Khách hàng và người buôn tự mang xe ô-tô tìm đến xã Kỳ Ninh mua nước mắm của gia đình chị. Từ chỗ vốn liếng chỉ có dăm bảy chục triệu đồng, chị Ninh đã được vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để sản xuất kinh doanh nghề nước mắm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, Doanh nghiệp nước mắm của chị Ninh đã tạo việc làm cho hàng chục lao động trong thôn với lương tháng hơn 1,2 triệu đồng. Nếu vào mùa vụ, lao động tăng lên gần 20 người và tiền lương cũng theo đó tăng lên. Và mừng hơn cả là mỗi năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội chợ giới thiệu sản phẩm của nữ doanh nghiệp Hà Tĩnh, Doanh nghiệp nước mắm Lệ Ninh của chị Nguyễn Thị Ninh bán được cả nghìn chai.
Theo chị Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh, tính đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tập huấn cho 3.300 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ về các nghề truyền thống, đào tạo các lớp quản trị kinh doanh, ma-két-tinh, cách tiếp thị bán hàng... Ngoài học các kiến thức nói trên, Tỉnh Hội đã mời 30 giảng viên, các nghệ nhân tham gia dạy cách chế biến các loại bún, bánh đa, bánh phở khô, khôi phục các ngành nghề truyền thống, chế biến nước mắm. Quan trọng nhất là việc thay đổi mẫu mã, nâng chất lượng sản phẩm để các doanh nghiệp bán được nhiều hàng cho lãi suất cao. Ðơn cử như việc làm nước mắm, do Hà Tĩnh có sáu huyện giáp biển, nên có nhiều hộ kinh doanh, sản xuất nước mắm. Trước kia, do các hộ làm nước mắm bỏ thính vào nên nước mắm có màu đen, vị không thơm. Nay theo kỹ thuật mới do các chuyên gia hướng dẫn, thì việc dùng thính được thay bằng các loại hoa quả thiên nhiên, như dứa và mít cho mùi thơm và màu nước mắm ánh vàng như màu cánh gián, độ đạm cao phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Hội đã chú trọng việc tạo và đăng ký mẫu mã, nhãn mác, tiến tới tạo thương hiệu cho từng sản phẩm.
Chị Trần Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng: "Ðiều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức cho chị em về thói quen sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ, manh mún theo hộ gia đình sang sản xuất hàng hóa". Trước kia, sản phẩm kẹo cu-đơ của Hà Tĩnh về chất lượng tương đối ngon, nhưng bao bì thì mộc mạc, giản đơn, nhìn không "bắt mắt". Hay việc các làng nghề và doanh nghiệp nước mắm đáng lẽ nên đóng vào chai một phần hai lít hoặc một lít, thì lại đựng vào can 20 đến 30 lít, khiến việc mang hàng đi gặp nhiều khó khăn...". Từ những hạn chế này, các doanh nghiệp sau khi được tập huấn đã cải tiến bao gói, mẫu mã gọn nhẹ, không cồng kềnh. Nhờ vậy, hàng trăm doanh nghiệp nữ ở Hà Tĩnh đã tăng doanh thu bán hàng, tăng vốn cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Ba năm qua, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đã liên tục mở hội chợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nữ tham gia giới thiệu sản phẩm và quan trọng hơn là đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời ký kết hợp đồng mua bán với nhiều bạn hàng xa và gần. Riêng năm 2008, Hội tiếp tục tập huấn khởi sự doanh nghiệp, kiến thức về kinh doanh, tiếp thị, quản lý tài chính, chuỗi giá trị, nghệ thuật khai thác nguồn lực, cạnh tranh... cho 2.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong toàn tỉnh. Hội đã tín chấp qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng số tiền hơn 700 tỷ đồng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chỉ đạo xây dựng thành công một số mô hình như: chế biến nước mắm theo phương pháp mới; chế biến lương thực, thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðáng chú ý, Hội đã làm việc trực tiếp với Sở Công thương, Trung tâm đo lường VSATTP, Sở Y tế... hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác bảo đảm chất lượng cho các sản phẩm: nước mắm Kỳ Ninh, Kỳ Khang, Cẩm Nhượng, Cửa Sót; kẹo cu-đơ Nga Phong. Ðồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp học hỏi, liên kết hỗ trợ nhau. Hiện các cấp Hội phụ nữ đã hỗ trợ thành lập 10 câu lạc bộ doanh nghiệp nữ cấp huyện, thị xã, thành phố; sáu hiệp hội làng nghề chế biến nước mắm; 25 nhóm hỗ trợ chế biến hải sản, lương thực thực phẩm; Hiệp hội trang trại vườn đồi, nuôi lợn hướng nạc...
Bài và ảnh: Phương Hiên