Bộ Công thương đánh giá, hoạt động của các doanh nghiệp sau dịch bệnh đang dần phục hồi nhưng vẫn đối diện nhiều áp lực, nhất là tỷ giá USD tăng cao ảnh hưởng trực tiếp các doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu như dệt may, da giày, điện tử, nhựa,... gây sức ép giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với đồng USD trong xu hướng chung còn làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Indonesia,...
Doanh nghiệp thêm “gánh nặng”
Giá USD ngân hàng tăng nhanh trong hai tháng qua và đã lên hơn 8,5% so đầu năm, hiện vẫn “neo” ở mức gần 25 nghìn đồng/USD. Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương chia sẻ, biến động tỷ giá đang khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó khăn, không dám nhập khẩu quá nhiều nguyên vật liệu phục vụ sản xuất vì tác động mạnh của giá đầu vào. Còn theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm, biến động tỷ giá cũng gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dệt may.
Tuy tính trên tổng thể, ngành dệt may đang được hưởng lợi bởi Việt Nam xuất siêu hàng dệt may, nhưng đối với các doanh nghiệp phải nhập khẩu trang thiết bị, nguyên phụ liệu từ nước ngoài lại gặp nhiều bất lợi. Trong khi phần lớn doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỷ trọng xuất siêu cao nên sẽ được hưởng lợi, còn doanh nghiệp nội địa chiếm tỷ trọng thấp, sẽ gặp bất lợi trong việc huy động nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh,... Mặt khác, giá nguyên phụ liệu nhập khẩu liên tục tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Phạm Văn Tân chia sẻ, ngay sau cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng 0,75% điểm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lập tức tăng lãi suất tái cấp vốn lên 5%/năm, tái chiết khấu lên 3,5%/năm và mức lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới một tháng là 0,5%/năm,... khiến các ngân hàng trong nước đồng loạt tăng thêm 1% lãi suất cho vay từ tháng 10.
Ngoài ra, giá bán trung bình các thiết bị, hãng máy sản xuất sợi đều đã tăng từ 15 đến 20% so với đầu năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng khoảng 12%, từ hơn 8 triệu đồng/tháng năm 2019 lên 9,6 triệu đồng/tháng,... khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng lớn vào chi phí vận hành.
Phân tích diễn biến lãi suất tăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương kiến nghị các đơn vị đang chuẩn bị đầu tư phải cân nhắc kỹ. Bởi hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều phải đi vay mới có vốn đầu tư, nên trong bối cảnh lãi suất tăng cao cần tính toán cụ thể hiệu quả cũng như khả năng thu hồi vốn, nếu không phải dừng đầu tư.
Thí dụ như các doanh nghiệp dệt may thường phải xác định khoản ứng trước tương đương 70% đến 80% số vốn để chi trả cho người lao động, trong khi thanh toán với nước ngoài, khách hàng thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng mới lấy được tiền công, do đó, sẽ tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp trong việc huy động dòng tiền. Chính vì vậy, việc cả nội tệ lẫn ngoại tệ trong giai đoạn này đều tăng cao khiến doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn.
Nếu trước đây vay tiền để trả lương cho người lao động chỉ ở mức 2,5%-3%, nay đã tăng lên 4%-4,5%, thậm chí tới 5%. Doanh nghiệp nào số lượng người lao động càng lớn, gánh nặng lo trả lương và vay vốn càng tăng tương ứng. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn này, việc tăng lãi suất cũng có mặt tích cực, là cơ hội để loại bỏ những doanh nghiệp kém cạnh tranh khỏi thị trường. Lúc đó, chỉ những doanh nghiệp mạnh, có năng lực, uy tín, thương hiệu mới có thể tiếp tục tồn tại.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần May 10, Hà Nội. (Ảnh DUY ÐĂNG) |
Chủ động ứng phó
Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 của cả nước ước tính chỉ tăng 3% so tháng trước. Trong khi đó, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 ước tính tăng kém, chỉ tăng 1,5% so tháng trước; xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) thậm chí còn giảm 0,7%.
Phó Tổng Giám đốc Vinatex Phạm Văn Tân cho rằng, nhiều khả năng “dư âm” của biến động tỷ giá năm 2022 sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2023 với nhiều dự báo về lãi suất cho vay của đồng Việt Nam sẽ tăng thêm. Bên cạnh đó, giá nguyên phụ liệu vẫn duy trì ở mức cao do giá xăng dầu có xu hướng tiếp tục biến động tăng, cộng thêm giá điện được dự kiến tăng 6%-8% so năm 2022; chi phí tiền lương có thể tiếp tục tăng khoảng 5%-10%;...
Vì vậy, doanh nghiệp cần bảo đảm khả năng thanh toán cho các hoạt động, tận dụng tối đa room tín dụng để thương lượng với các tổ chức tín dụng nhằm có ưu đãi về lãi suất. Cùng với đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị nội bộ và quản trị dòng tiền để tiết kiệm tối đa chi phí vận hành, gia tăng biên lợi nhuận. Với các doanh nghiệp giao dịch, mua hàng hay vay bằng đồng USD, cần liên kết hệ thống để tích trữ và chuẩn bị nguồn tiền trả nợ trong điều kiện tỷ giá USD tăng cao; tiếp tục tìm các giải pháp tín dụng và phân tích lựa chọn đồng tiền thanh toán mua thiết bị bảo đảm tính chất ngắn hạn và dài hạn.
Bên cạnh biến động về tỷ giá, tình trạng lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam còn ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ trong nước. Theo Bộ Công thương, đơn đặt hàng từ các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đang có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao, kết hợp với lượng hàng tồn kho lớn tại các hệ thống bán lẻ, sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Chẳng hạn, số lượng đơn đặt hàng của ngành dệt may trong quý IV thấp hơn 25%-50% so với quý II, tương đương với mức giảm doanh thu 15%-20% so với cùng kỳ theo ước tính. Do đó, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi thị trường thế giới nhu cầu giảm nhằm giữ ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.
Ðồng thời, Bộ Công thương cũng đã giao các đơn vị trực thuộc tập trung hướng dẫn doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á - nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn; đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép,... hay việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá và cập nhật tình hình lạm phát, lãi suất, tác động của dịch Covid-19 hay căng thẳng Nga-Ukraine. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán để có lợi nhất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng hỗ trợ thương mại tốt, tham khảo sử dụng những công cụ tài chính phái sinh, các hợp đồng hoán đổi (swap) một cách phù hợp, đúng quy định để giảm bớt rủi ro khi giao dịch xuất khẩu trong bối cảnh biến động tỷ giá như hiện nay.