Phim thị trường "lên ngôi"
Năm nay, các bộ phim đoạt giải ở Cánh diều thường có điểm chung là doanh thu cao, lượng khán giả lớn. Cụ thể, hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất thuộc về phim Chàng vợ của em; Phim truyện truyền hình xuất sắc nhất gồm hai phim Quỳnh búp bê và Bên kia sông. Những đạo diễn, diễn viên đoạt giải cũng gồm các gương mặt đang được khán giả chú ý như: Ðạo diễn Charlie Nguyễn, Khải Anh, diễn viên Hoàng Yến Chibi, Liên Bỉnh Phát, Nhan Phúc Vinh, Kim Tuyến…
Trước khi giành giải Cánh diều vàng, phim Chàng vợ của em từng lọt tốp năm phim điện ảnh doanh thu cao nhất tại Việt Nam (86 tỷ đồng ở thời điểm công chiếu, tháng 9-2018). Ðây là bộ phim do biên kịch Hàn Quốc chuyển thể từ tiểu thuyết gốc của Anh, do ê-kíp Việt Nam sản xuất; nội dung kể về những câu chuyện đời thường, dí dỏm trong cuộc sống gia đình với ý nghĩa đề cao nữ quyền thông qua tình huống đàn ông và phụ nữ đổi vai cho nhau: phụ nữ xông pha ngoài xã hội, đàn ông làm "nội tướng" trong nhà. Theo giới chuyên môn, so với những bộ phim dự giải Cánh diều như Song Lang, Siêu sao siêu ngố, Trạng Quỳnh thì Chàng vợ của em không giàu chất nghệ thuật hay có sự sáng tạo, độc đáo về ngôn ngữ điện ảnh. Vậy ngoài doanh thu, những yếu tố nào làm nên điểm cộng giúp bộ phim giành giải thưởng uy tín? Ðầu tiên chính là sự hợp lý về đề tài, thể loại. Ðạo diễn Charlie Nguyễn quyết định chọn dòng phim hài - lãng mạn từng giúp anh và ê-kíp có doanh thu cao như những bộ phim đã ra rạp trước đó, gồm: Ðể Mai tính, Long Ruồi, Tèo Em, Em chưa 18… Phim Chàng vợ của em đề cập vấn đề đang được xã hội hiện đại quan tâm là bình đẳng giới, khéo léo lồng ghép thông điệp nhân văn, tình cảm gia đình, bài học thực tế cho những con người đang mệt mỏi trước áp lực, nỗi cô đơn. Ðạo diễn Charlie Nguyễn cũng nhận luôn giải Ðạo diễn xuất sắc nhất - giải cá nhân mà anh từng giành được với phim Long Ruồi ở mùa Cánh diều nhiều năm trước. Vai nữ chính của phim do diễn viên Phương Anh Ðào đảm nhận; cô từng giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2018. Tương tự, ở hạng mục Phim truyện truyền hình, hai bộ phim Bên kia sông (đạo diễn Ðỗ Phú Hải, Phạm Ngọc Châu) và Quỳnh búp bê (đạo diễn Mai Hồng Phong) cùng nhận giải Cánh diều vàng; phim Tình khúc bạch dương giành giải Cánh diều bạc. Ðây đều là những bộ phim truyền hình đáp ứng thị hiếu khán giả.
Con đường nào cho phim nghệ thuật?
Ðược đánh giá nổi bật về nội dung, nghệ thuật nhưng bộ phim điện ảnh Song Lang của đạo diễn Leon Quang Lê, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chỉ giành giải Cánh diều bạc; doanh thu thời điểm ra rạp thấp vì kén khán giả. Theo các nhà phê bình điện ảnh, đây là tác phẩm theo thiên hướng nghệ thuật, nội dung xoay quanh số phận của bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương qua thân phận những con người cụ thể. Phim Song Lang đã gặt hái được một số thành công ở các Liên hoan phim quốc tế: Giải Samir Farid đặc biệt của ban giám khảo, giải đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Sharm El-Sheikh (SAFF) lần thứ ba diễn ra tại Ai Cập; giải đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Bắc Kinh (Trung Quốc)… Sắp tới đoàn phim sẽ tham dự Liên hoan phim châu Á tại Lốt An-giơ-lét (Mỹ) vào tháng 5-2019. Việc phim Song Lang thua kém Chàng vợ của em về giải thưởng, kịch bản được giới chuyên môn đánh giá tốt vẫn trắng tay tại giải Cánh diều đã đặt ra câu hỏi: Yếu tố nghệ thuật hay giải trí được ưu tiên ở giải thưởng điện ảnh trong nước?
Một thành viên trong hội đồng chấm giải chia sẻ, chuyện "so bó đũa chọn cột cờ" thật không dễ, dù là phim nghệ thuật thì đích đến cuối cùng vẫn phải chinh phục được công chúng; phim hay đến mấy mà không có người xem là sự thiếu sót ở một khâu nào đó. Ngược lại, có những bộ phim thông điệp giản dị, gần gũi, nhân văn dù chưa trau chuốt, cầu kỳ về nghệ thuật nhưng khán giả yêu thích thì vẫn cần được ghi nhận. Cái khó ở đây, dường như bởi giám khảo không có nhiều sự lựa chọn, điện ảnh nước nhà chưa có những bộ phim thật nổi trội đủ sức chinh phục cả giới chuyên môn lẫn công chúng.
Phát biểu tại Lễ trao giải Cánh diều 2018, NSND Ðặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Ðiện ảnh Việt Nam nhấn mạnh, điện ảnh trong nước những năm qua có nhiều bước tiến đáng khích lệ, song, việc thiếu vắng các phim về đề tài cách mạng, mang hơi thở cuộc sống thời kỳ hội nhập, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay đặt ra nhiều trăn trở với người làm nghề. Ðồng quan điểm này, PGS, TS Trần Luân Kim khẳng định, dù khi dự thi, phim Việt hóa từ các tác phẩm nước ngoài hay phim thuần Việt đều bình đẳng, nhưng sắc mầu văn hóa dân tộc cần được chú trọng. Ngoài ra, những năm qua, các phim Việt Nam chủ yếu đề cập đến vấn đề nhỏ trong cuộc sống, dừng lại ở mô tả hình thái thay vì hướng tới việc truyền tải thông điệp lớn. Ðạo diễn Victor Vũ cho hay, theo anh, Việt Nam không thiếu những tác phẩm văn học xuất sắc để chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, có điều đội ngũ người làm phim chưa chú trọng điều này. Ðạo diễn phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lấy chính trường hợp của mình làm thí dụ; dù đã liên tục sản xuất phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, không cần giải trí, yếu tố câu khách mà vẫn có doanh thu cao, giải thưởng uy tín. Theo đạo diễn Victor Vũ, đã đến lúc những nhà làm phim chú ý đến văn học như một thời vàng son điện ảnh nước nhà từng quan tâm khai thác.