Hướng đi mới cho các không gian văn hóa sáng tạo

NDO -

Việt Nam hiện có khoảng 200 không gian văn hóa sáng tạo đang hoạt động, chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh dịch bệnh, mở rộng hoạt động trên nền tảng trực tuyến là một hướng đi mới và cần thiết, nhằm duy trì “sức sống” của các không gian này. Đồng thời, góp phần kết nối những ý tưởng mới, tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh cho không gian sáng tạo Việt Nam.

Hình ảnh talkshow “Hát Xẩm nhìn từ âm nhạc đương đại” thuộc dự án Mắt Xẩm.
Hình ảnh talkshow “Hát Xẩm nhìn từ âm nhạc đương đại” thuộc dự án Mắt Xẩm.

Hướng đi mới từ các hoạt động trực tuyến

Không gian văn hóa sáng tạo là nơi tập hợp các cá nhân sáng tạo, nơi mọi người có thể cùng nhau thể nghiệm những ý tưởng nghệ thuật và sáng tạo một cách cởi mở, từ đó chia sẻ những sản phẩm nghệ thuật tới cộng đồng. Tại Việt Nam, những không gian văn hóa sáng tạo thường được dẫn dắt và quản lý bởi những nghệ sĩ, những người thực hành sáng tạo, như: Trung tâm Hỗ trợ Tài năng Điện ảnh TPD, không gian nghệ thuật Heritage Space, trang web các sự kiện văn hóa nghệ thuật Hanoigrapevine.com, VICAS Art Studio, Saigon Innovation Hub, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng DNES…

Một không gian văn hóa sáng tạo không nhất thiết phải là một địa điểm có thật mà hoàn toàn có thể tồn tại và hoạt động trên không gian mạng. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, hoạt động trên không gian trực tuyến là một hướng đi cần thiết để các không gian văn hóa sáng tạo có thể tiếp tục đi đường dài. Một đơn cử như dự án không gian văn hóa sáng tạo kéo dài ba năm do Hội đồng Anh khởi xướng (từ năm 2018, tổng kết ngày 24/6/2021) đã xây dựng 17 khóa học trực tuyến như: thực hành xây dựng hồ sơ tài trợ, bản quyền: nghệ thuật và đa phương tiện, lưu trữ nghệ thuật trong thời đại số, truyền thông về nghệ thuật – những lưu ý… Khóa học dành cho nhiều đối tượng, gồm: người quản lý các không gian văn hóa sáng tạo, người thực hành sáng tạo… Khác với hình thức học truyền thống, thông qua các khóa học online, sẽ tập hợp được nhiều người từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau hơn, từ đó, được kết nối, chia sẻ và cùng nhau tìm tòi, thử nghiệm các cách làm mới, những hình thức mới.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh các khóa học trực tuyến, các không gian văn hóa sáng tạo có thể đa dạng hoạt động, từ các buổi hội thảo, talkshow trực tuyến đến tổ chức triển lãm hay hòa nhạc trực tuyến, phát trên các nền tảng mạng xã hội, như: facebook, youtube…

Thông qua dự án không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam, Hội đồng Anh đã phối hợp Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam hỗ trợ xây dựng dự án Mắt Xẩm. Mắt Xẩm là một chuỗi trải nghiệm đa giác quan về nghệ thuật hát Xẩm, gồm: triển lãm tranh, âm nhạc thể nghiệm, nghệ thuật sắp đặt... tại không gian sáng tạo VICAS Art Studio. Trong khuôn khổ dự án này, các buổi talkshow đã được diễn ra online (phát trên nền tảng youtube), thu hút sự sự quan tâm của công chúng với các chủ đề hấp dẫn như: Hát Xẩm trong thích ứng văn hóa, Hát Xẩm nhìn từ âm nhạc đương đại, Hát Xẩm từ góc nhìn của nghệ sĩ trẻ…

Trong mùa dịch, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng đã hai lần tổ chức triển lãm trực tuyến vào tháng 9/2020 (Triển lãm Đà Nẵng qua đôi mắt người nghệ sĩ) và cuối tháng 5/2021 (Triển lãm tranh thiếu nhi Đà Nẵng – thành phố em yêu). Tuy là những bước đi đầu tiên chưa thật sự chuyên nghiệp nhưng cách thức triển lãm trên nền tảng trực tuyến như vậy đã mang đến cho công chúng một cách thưởng thức mới.

Việc tổ chức các hoạt động trên không gian trực tuyến sẽ là một kênh hiệu quả, giúp lan tỏa các hiệu ứng về văn hóa, sáng tạo rộng rãi hơn. Vì thế, không chỉ trong “mùa dich” mà hoạt động này cần được các không gian văn hóa sáng tạo duy trì xuyên suốt.

Cần những hỗ trợ về chính sách

Thực tế, các không gian văn hóa sáng tạo là nơi truyền cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho rất nhiều người. Đồng thời, đây cũng là những địa chỉ văn hóa có thể tạo ra sức hấp dẫn cho đô thị. Mặc dù vậy, lâu nay, các không gian văn hóa sáng tạo chưa thực sự nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, nhất là về mặt chính sách.

Tuy nhiên, mới đây, có một tín hiệu tích cực cho thấy những người làm chính sách đã quan tâm hơn tới các không gian sáng tạo là Hà Nội lấy yếu tố sáng tạo làm hạt nhân, định hướng trở thành thành phố sáng tạo.

Nhận định về vấn đề này, theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, khi Hà Nội lấy sáng tạo làm hạt nhân định hướng cho phát triển thì mọi không gian sẽ được tạo điều kiện, kể cả những không gian nhỏ.

Không chỉ tại Hà Nội, theo chia sẻ của chị Vũ Thanh Bình (người sáng lập quán cà-phê, không gian văn hóa Tổ chim xanh), tại Hải Phòng, chị đã xây dựng không gian văn hóa Cửa Biển và nhờ sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị, cơ quan nhà nước cấp quận, thành phố, các sự kiện đều diễn ra suôn sẻ.

Có thể coi các không gian văn hóa sáng tạo là những hạt mầm đầu tiên của ngành công nghiệp sáng tạo. Để các “hạt mầm” này có thể phát triển bền vững, bên cạnh những hỗ trợ về mặt chính sách của các cơ quan quản lý là nỗ lực của những cá nhân thực hành sáng tạo. Đồng thời, mỗi không gian văn hóa sáng tạo cũng cần vươn mình, thể nghiệm đa dạng các hình thức hoạt động. Trong đó, không thể thiếu việc mở rộng và gia tăng sức hấp dẫn cho các hoạt động trên không gian trực tuyến.