“LỪNG LẪY ĐIỆN BIÊN, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU”

Điện Biên Phủ - Cuộc đấu trí cân não

LTS - Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2019), từ số báo hôm nay, Báo Nhân Dân mở chuyên mục “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” (từ ngày 3-5 đến 7-5-2019), nhằm tuyên truyền sâu rộng, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta; tôn vinh, tri ân công lao, đóng góp to lớn của quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ảnh tư liệu: TTXVN.
Ảnh tư liệu: TTXVN.

Cách đây 65 năm, những ngày đầu tháng 5-1954, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách nhất, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Ðiện Biên Phủ "chấn động địa cầu". Thắng lợi vĩ đại này đã được các học giả trong nước và nước ngoài nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó cuộc đấu trí giữa Bộ thống soái hai bên được nhắc đến như là một nhân tố đặc biệt quan trọng, quyết định thành/bại của trận quyết chiến chiến lược lịch sử.

Ngược dòng thời gian, sau bảy năm kháng chiến gian khổ, với nhiều hy sinh nhưng rất oai hùng (1945-1952), thế và lực của ta ngày càng được củng cố vững chắc. Ngược lại, thực dân Pháp sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường đã bị sa lầy, lâm vào thế bị động, mâu thuẫn và bế tắc nghiêm trọng về chiến lược. Tháng 5-1953, được sự nhất trí của Mỹ, Pháp cử tướng Hăng-ri Na-va - Tổng Tham mưu trưởng lục quân khối NATO làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Ðông Dương. Sang Việt Nam, rất tự tin vào kinh nghiệm trận mạc của mình, chủ quan và xem thường năng lực kháng chiến của ta, Na-va đã nhanh chóng cho ra đời một kế hoạch quân sự mang tên của chính mình - Kế hoạch Na-va. Không chỉ Chính phủ Pháp mà cả Mỹ đều tràn đầy hy vọng và tin tưởng vào thắng lợi của Kế hoạch Na-va, rằng chỉ trong 18 tháng sẽ "chuyển bại thành thắng". Kế hoạch Na-va là cố gắng cao nhất và cũng là cuối cùng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh nhằm lập lại ách thống trị ở Ðông Dương. Do đó, vấn đề đặt ra với ta là cần phải đánh giá chính xác âm mưu và khả năng của địch, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo chiến lược sắc bén để giành thắng lợi lớn hơn trong cuộc đấu trí mới, nhằm đánh bại nỗ lực quân sự cao nhất của quân xâm lược.

Cuối tháng 9-1953, giữa lúc quân địch ráo riết thực hiện Kế hoạch Na-va, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị họp bàn nhiệm vụ quân sự trong Ðông Xuân 1953-1954, xác định phương hướng chiến lược, chủ trương tác chiến, nhấn mạnh phương châm: "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" và nguyên tắc chỉ đạo tác chiến "tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng" (1). Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, ta chọn Tây Bắc làm hướng chính để mở chiến dịch tiến công; các hướng khác phối hợp nhằm phá vỡ âm mưu tập trung binh lực của địch.

Trong khi ta đang tích cực chuẩn bị kế hoạch tác chiến Ðông Xuân 1953-1954, thì ngày 15-10-1953, quân Pháp mở cuộc hành quân Hải Âu, đánh ra tây nam Ninh Bình. Trước tình thế đó, T.Ư Ðảng vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang tổ chức chiến dịch phản công đập tan cuộc hành quân Hải Âu, đồng thời tích cực triển khai kế hoạch tác chiến đã định, đưa bộ đội chủ lực tiến lên Tây Bắc và sang Trung Lào, phối hợp chiến đấu với quân và dân Lào theo kế hoạch. Phát hiện thấy chủ lực ta di chuyển lên Tây Bắc, Na-va quyết định điều lực lượng cơ động sang Trung Lào, đồng thời tăng cường phòng ngự Ðiện Biên Phủ. Ngày 20-11-1953, địch mở cuộc hành quân Ca-xto, đánh chiếm Ðiện Biên Phủ và nhanh chóng xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Ðông Dương, một "Pháo đài bất khả xâm phạm" như chúng từng huênh hoang tuyên bố. Ngày 3-12-1953, Na-va quyết định chấp nhận giao chiến tại Ðiện Biên Phủ. Theo Kế hoạch Na-va, quân Pháp chủ trương chuẩn bị một trận "tổng giao chiến" mang tính quyết định trên một chiến trường do chúng lựa chọn. Tuy nhiên, với thắng lợi trong cuộc tiến công lên Tây Bắc, ta buộc địch bị động điều chỉnh kế hoạch và chấp nhận chọn Ðiện Biên Phủ làm chiến trường quyết định thắng/bại của cuộc chiến tranh.

Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp khẩn cấp, nghe Tổng Quân ủy báo cáo và quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Ðể tạo thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội chủ lực mở năm đòn tiến công chiến lược trên năm hướng: Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - đông bắc Cam-pu-chia, bắc Tây Nguyên và Thượng Lào.

Bộ Chỉ huy quân Pháp tin rằng, tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ là một giải pháp chiến lược quân sự mầu nhiệm và hy vọng với hình thức phòng ngự trận địa này, quân Pháp có thể vô hiệu hóa các đòn tiến công và tiến tới tiêu diệt chủ lực đối phương. Thế nhưng, họ không hề biết rằng, sau đợt một của chiến cuộc Ðông Xuân 1953-1954 và nhất là khi tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ hình thành, vấn đề đặt ra đối với Bộ Thống soái Việt Nam nói chung và Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nói riêng không phải là tiến công hay không tiến công, mà là đánh như thế nào để tiêu diệt được một tập đoàn cứ điểm mạnh như vậy? Không tiêu diệt được hình thức phòng ngự chiến lược mới này của địch đồng nghĩa với việc sẽ không tạo ra một cục diện thuận lợi cho cuộc kháng chiến phát triển. Ðó chính là quyết tâm không lay chuyển và cũng là niềm tin của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông rời căn cứ địa Việt Bắc hành quân ra mặt trận.

Trước khi ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp: "Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?". Ðại tướng trả lời: "Thưa Bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến Bác và Bộ Chính trị". Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau". Khi chia tay, Bác dặn: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh (2).

Lúc đầu, binh lực của địch còn hạn chế, trận địa phòng ngự còn sơ sài; bộ đội ta sau chỉnh huấn chính trị và học tập kỹ thuật, chiến thuật mới đang sung sức, xét thấy có nhiều ưu thế, T.Ư Ðảng và Tổng Quân ủy xác định phương châm tác chiến của chiến dịch là "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Phương châm đó có lợi là cuộc chiến đấu không kéo dài, do đó, ít tiêu hao, mệt mỏi, việc bảo đảm hậu cần chiến dịch bớt khó khăn. Ngày 14-1-1954, tại Hội nghị cán bộ chiến dịch, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp (được Bộ Chính trị giao trực tiếp làm Bí thư Ðảng ủy kiêm Tổng Tư lệnh Chiến dịch Ðiện Biên Phủ), chính thức quán triệt phương châm tác chiến và giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Dự kiến thời gian nổ súng là ngày 20-1-1954, chiến dịch sẽ diễn ra trong hai ngày ba đêm chiến đấu liên tục. Tuy nhiên, trên thực tế việc kéo pháo rất khó khăn, không như dự kiến, cho nên thời gian nổ súng tiếp tục được lùi đến chiều 25-1. Sau đó, nhận được tin báo từ đài kỹ thuật của sở chỉ huy phát hiện địch thông báo cho nhau về ngày giờ quân ta nổ súng, cộng thêm pháo binh của ta chưa sẵn sàng, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã quyết định lui thời gian mở màn chiến dịch thêm 24 giờ nữa, tức đến chiều 26-1. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cần có thêm thời gian trước khi đưa ra quyết định lịch sử - không chỉ quyết định sự thành/bại của một chiến dịch chiến lược - mà đối với sự thành/bại của cả một sự nghiệp kháng chiến chín năm gian khổ.

Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân, trăn trở và suy tính thâu đêm suốt sáng về phương châm tác chiến chiến dịch, về những lời dặn dò của Bác "Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh", và làm sao để giảm bớt xương máu của bộ đội… Lúc này, ba phần tư lực lượng cơ động chiến lược của Bộ Thống soái đã tập trung ở Mặt trận Ðiện Biên Phủ. Nếu chiến dịch không thắng, hơn bốn đại đoàn chủ lực tổn thất lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao?

Thức trắng đêm, sau khi suy tính kỹ lưỡng dựa trên các nguồn thông tin đưa về, sáng 26-1, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định gặp Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh. Ðại tướng thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ của mình, nêu lên những khó khăn về chiến thuật mà bộ đội Việt Nam chưa có điều kiện khắc phục và khẳng định "đánh nhanh" không bảo đảm thắng lợi cho chiến dịch quan trọng này. Cuối cùng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nói rõ ý định tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc".

Trong buổi họp Ðảng ủy Mặt trận ngày 26-1, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp với vai trò là Bí thư Ðảng ủy Mặt trận nhắc lại tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ tư và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề nghị các đồng chí Ðảng ủy viên hãy vì trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân và quân đội, hãy trả lời một câu hỏi cốt lõi lúc này là đánh như vậy có 100% chắc thắng hay không? Sau vài giờ trao đổi, với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Ðảng ủy Mặt trận cũng thấy rằng, thay đổi kế hoạch tác chiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vận tải tiếp tế khi mùa mưa đến, nhưng không thể vì những khó khăn trở ngại do chiến dịch có thể kéo dài mà chọn một cách đánh không bảo đảm thắng lợi. Ðảng ủy nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương. Kết thúc buổi họp, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải đồng tâm nhất trí thay đổi cách suy nghĩ và hành động cho phù hợp với tình hình mới. Ðại tướng sẽ thay mặt Ðảng ủy Mặt trận báo cáo và đề nghị Trung ương động viên hậu phương dốc toàn lực cùng bộ đội ở tiền tuyến khắc phục mọi khó khăn để giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch (3). Nhớ về sự hình thành quyết định lịch sử này, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: "Ngay sau khi có quyết định thay đổi cách đánh, tôi xin ý kiến của Bác và anh Trường Chinh. Cũng như sự tin cậy của Trung ương đã giao phó trước khi vào chiến dịch. Tôi đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn" (4).

Theo đúng phương châm, kế hoạch tác chiến mới đề ra, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Qua ba đợt tiến công, đến ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Ðây là thắng lợi có ý nghĩa to lớn, góp phần quyết định đưa đến việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21-7-1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Ðông Dương; kết thúc trang sử vẻ vang trong chín năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh bản lĩnh và trí tuệ Bộ Thống soái tối cao quân ta trước thực dân Pháp, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa sâu sắc đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

(1) Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên, Bộ Tư lệnh Quân khu II, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến thắng Ðiện Biên Phủ - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bài học và giá trị lịch sử, Ðiện Biên Phủ, tháng 3-2009, tr.2.

(2) Xem thêm: Võ Nguyên Giáp, Thế giới còn thay đổi, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học Xã hội Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr.79.

(3) Chiến thắng Ðiện Biên Phủ - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bài học và giá trị lịch sử, Ðiện Biên Phủ, tháng 3-2009.

(4) Võ Nguyên Giáp, Ðiện Biên Phủ - Xưa và nay, Tạp chí Xưa & Nay, số 2 năm 1994, tr.8.