Đi tìm màu của đại ngàn

Thích tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số và đặc biệt mê các loại thổ cẩm thủ công truyền thống của đồng bào, tôi từng đến nhiều vùng miền trên khắp đất nước để được xem quy trình dệt và nghe những câu chuyện. Có dịp đến Kon Tum, tôi phải sắp xếp ngay một chuyến đi tới Kon Ktu - ngôi làng cổ của người Ba Na nổi tiếng với những hoa văn rực rỡ trên nền vải chàm, đẹp như muôn hoa rừng khoa sắc giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Vẻ đẹp đại ngàn.
Vẻ đẹp đại ngàn.

Đường từ TP Kon Tum đến Kon Ktu đi qua cây cầu treo Kon Klor, cây cầu sắt dài và đẹp nhất khu vực. Dòng sông Đắc Bla cuộn chảy bên dưới mang phù sa bồi đắp những vườn rau, ngô, chuối xanh um. Làng Kon Ktu hiện ra sau khoảng chục cây số đường đất và những rẫy cà-phê đang chín. Trong làng vẫn còn khoảng 20 ngôi nhà dài kiến trúc truyền thống, với chiều dài trung bình 10m-12m, là nơi ba đến bốn thế hệ người Ba Na sinh sống. Đó là sự gắn kết cộng đồng sâu sắc và là niềm tự hào của họ. Hỏi người dệt vải đẹp nhất làng này, người ta bảo tôi bà vắng nhà vì được mời sang làng khác truyền dạy, nhưng vẫn còn nhiều người dệt vải đẹp không kém, gặp ai cũng được. Thật may, tôi gặp một nhóm người Nhật đang được hướng dẫn viên đưa đi tham quan và nhập đoàn luôn với họ đến nhà chị Y Thia xem dệt vải. Trong gian buồng nhỏ, có năm người phụ nữ Ba Na đang thoăn thoắt đôi tay luồn sợi, dập khung. Qua họ, tôi biết rằng thổ cẩm Ba Na xa xưa lấy nền đen, xanh chàm làm chủ đạo, nhưng nay có thêm nhiều sắc mầu đa dạng hơn như vàng, hồng, tím, trắng để phục vụ nhu cầu khách hàng. Họa tiết chủ đạo là những đường sọc ngang, dọc nhiều mầu, điểm xuyết hình nhà rông, cây nêu, hoa pơ-lang, con voi, ché rượu, hay hình người giã gạo, đánh chiêng… đặc trưng của Tây Nguyên. Một chiếc váy, tấm địu em bé hay vỏ chăn dệt tay kỳ công có thể mất hàng tháng trời. Giá bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, chủ yếu người mua là khách nước ngoài. Tấm vải không chỉ chứng tỏ bàn tay tài hoa, chăm chỉ của người phụ nữ Ba Na, mà còn ôm chứa giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ bao đời. Ngày nay, cũng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà bà con chỉ còn mặc trang phục truyền thống trong dịp lễ hội, cưới hỏi, ma chay. Tuy nhiên, nghề dệt vẫn được bảo tồn và phục vụ du lịch.

Thổ cẩm còn được dùng để trang trí trong một số nhà nghỉ kiểu homestay của làng, khiến nhiều du khách thích thú. Rèm cửa, khăn trải bàn, vỏ gối... mang đậm chất mộc mạc, huyền ảo giữa không gian núi rừng. Nhà bếp được dựng bằng tre nứa, bếp lò đắp bằng đất, đầy đủ các vật dụng nấu nướng truyền thống để du khách có thể cùng chủ nhà tự tay ủ rượu cần, chế biến những món ăn như cơm lam, gà nướng, cá nướng... Khách nghỉ đêm lại Kon Ktu, nếu may mắn sẽ được xem đánh cồng chiêng, múa xoang quanh đống lửa trong các dịp trọng đại của làng, hoặc khi đội văn nghệ của làng tập. Ban ngày, có thể đi thăm thác nước H’Lay cách làng chừng 2km, thuê thuyền độc mộc lướt trên dòng Đắc Bla mùa nước hiền hòa, ngắm sơn thủy hữu tình.

Dù đã thay đổi nhiều nhưng Kon Ktu vẫn giữ riêng cho mình nhịp sống bình yên, đậm đà bản sắc. Phụ nữ trong làng vẫn dệt vải, đàn ông vẫn đan gùi, lên rẫy, chèo thuyền độc mộc đi đánh cá. Mầu vải Ba Na vẫn theo chân du khách gần xa đi bốn phương trời.