Thành cổ Hà Nội - những dấu ấn lịch sử

Rồng đá trước nền Điện Kính Thiên.
Rồng đá trước nền Điện Kính Thiên.

Thành cổ Hà Nội qua những thăng trầm lịch sử 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: ... "Trong Thành cổ Hà Nội là nơi vừa có di tích từ thời cổ xưa, vừa có những di tích quan trọng của thời hiện đại - thời đại Hồ Chí Minh, là Tổng hành dinh, nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu đã làm việc, lãnh đạo và chỉ huy trong thời kỳ hòa bình xây dựng và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vì vậy cần tổ chức một bộ phận liên ngành Quốc phòng - Văn hóa cùng với Ban phụ trách kế hoạch lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu kế hoạch tôn tạo thế nào để bảo tồn được cả di tích cổ xưa và di tích hiện đại, phản ánh đúng lịch sử. Hết sức đề phòng xu hướng chỉ chú ý tôn tạo di tích cổ xưa, xem nhẹ di tích hiện đại...".

(Trích thư của Đại tướng
Võ Nguyên Giáp gửi nguyên
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
ngày 4-1-2001)

Năm 1010, sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long. Thực hiện Chiếu chỉ của triều đình, nhân dân Thăng Long đã tham gia đắp đất, xây thành.

Ngay từ đầu, thành Thăng Long được chia thành hai phần: Hoàng thành và Kinh thành, trong đó Hoàng thành nằm trong lòng Kinh thành-là nơi Vua ở và làm việc của Triều đình. Trong Hoàng thành lại ngăn thành một nơi gọi là Cấm thành, có tường xây kiên cố và bảo vệ nghiêm ngặt, thời Lý gọi là Long thành, thời Trần gọi là Long Phượng thành.

Trong Hoàng thành các đời vua đều cho xây dựng những cung điện nguy nga, tráng lệ. Ngoài ra, các Vua Lý còn cho đắp nhiều ngọn núi đất trong đó có nơi trở thành danh thắng như núi Nùng, núi Thái Hòa…

Dưới thời nhà Lý, ngoài những đợt xây dựng quy mô lớn vào các năm 1011, 1029, 1203 Hoàng thành thường xuyên được tu sửa, xây mới hầu như đời vua nào cũng làm, năm nào cũng làm.


Bản đồ thành cổ Hà Nội.

Kinh thành Thăng Long thời Lê vẫn là kinh thành Thăng Long thời Lý, Trần… những công trình cũ đã hư hại thì được sửa chữa lại, công trình nào bị phá hủy thì được xây mới, tất cả đều mang đặc điểm, phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Lê.

Các vua thời Lê cho mở rộng Hoàng thành vào các năm 1473, 1490, 1514.

Chính giữa Hoàng thành là điện Kính Thiên xây dựng năm 1428, là nơi Vua cùng triều thần bàn việc nước. Bên phải điện Kính Thiên là điện Chí Kính, phía sau chếch về bên trái là điện Vạn Thọ. Trước điện Kính Thiên là điện Thị Triều-nơi quan lại chuẩn bị vào chầu Vua. Phía ngoài điện Thị Triều là Đoan Môn có hai cửa Đông Tràng An và Tây Tràng An ở hai bên ăn thông ra hai hướng đông và tây trong Hoàng thành.

Sang thế kỷ XVIII, Hoàng thành bị sụt lở nhiều, khi nhà Tây Sơn ra Thăng Long, các cửa thành đã đổ gần hết chỉ còn lại hai cửa Đại Hưng ở phía nam và Đông Hoa ở phía đông. Nhà Nguyễn lên ngôi, Thăng Long từ vị trí Kinh đô của quốc gia trở thành trấn thành rồi tỉnh thành.

Mất vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế… các công trình trong Hoàng thành phải thay đổi quy mô.

Năm 1805, vua Gia Long lệnh phá bỏ thành cũ, xây lại theo kiến trúc của Pháp. Các công trình trong thành được bố trí kế thừa những di tích của triều đại trước: Chính giữa vẫn là điện Kính Thiên. Thềm điện Kính Thiên cao ba cấp, có chạm những con rồng bằng gỗ. Gần điện có Hành Cung là nơi Vua ngự mỗi khi kinh lý Bắc thành. Từ điện Kính Thiên đi ra là Đoan môn, cấu trúc gồm ba cửa trong đó cửa chính giữa dành cho nhà Vua, hai cửa nhỏ dành cho các quan lại. Hai đàn Xã và Tắc để tế trời đặt bên trái ngoài Đoan Môn cùng một Đình bia ghi công trạng của vua Gia Long.

Năm 1805 Vua Gia Long cho xây dựng Kỳ Đài (Cột Cờ) gần Đình bia. Để xứng tầm với một “tỉnh thành”, năm 1831 Vua Minh Mạng ra lệnh hạ thấp tường thành và đổi tên là thành Hà Nội.

Năm 1848, Vua Tự Đức cho phá dỡ các cung điện còn lại trong thành, những đồ chạm khắc mỹ thuật bằng gỗ, đá đều đưa về Huế, chỉ còn sót lại rồng đá ở điện Kính Thiên…

Qua bao thăng trầm của lịch sử, Hoàng thành đã chịu nhiều biến cố, tác động xấu đến diện mạo, quy mô các công trình kiến trúc. Phong kiến phương bắc nhiều lần tiến công cướp phá Thăng Long và để lại những hậu quả nặng nề, các công trình kiến trúc bị phá hủy, tư liệu vật thể bị cướp.

Cuối thế kỷ 13, quân Nguyên-Mông nhiều lần cướp phá Thăng Long. Sang thế kỷ XIV (năm 1371 đến 1378), quân Chiêm Thành đã bốn lần đem quân tấn công đốt phá kinh thành. Trong tình trạng hoang tàn ấy, nhà Hồ (năm 1397) lại quyết định dời đô về Thanh Hóa…

Đặc biệt trong 20 năm xâm lược, nhà Minh đã phá nát cung điện, đền chùa, bảo tháp… lấy đồng đúc vũ khí…

Khi giặc Pháp đóng chiếm trong điện Kính Thiên, củng cố tường chung quanh thành pháo đài kiên cố. Chúng cho phá điện, xây nhà chỉ huy pháo binh, Đoan Môn bị Pháp sửa biến thành trại lính…

Cuối cùng, năm 1893, thực dân Pháp lại quyết định phá bỏ toàn bộ tường thành. Trong 62 năm (từ 1892 đến 1954) đóng quân trong thành, người Pháp với tư tưởng thực dân đã biến Thành cổ Hà Nội thành một khu quân sự, một trại lính. Hầu như tất cả các công trình cổ còn lại đã bị biến thành nhà ở hoặc phá bỏ lấy đất, gạch xây các công trình quân sự, nhà ở cho các sĩ quan, binh lính, kho tàng…

Từ Hoàng thành trở thành trại lính Pháp, diện mạo kiến trúc Thành cổ đã bị phá nát gần như hoàn toàn. May mắn còn sót lại cho đến nay dấu vết của Kỳ Đài (Cột Cờ), Đoan môn, nền điện Kính Thiên, Bắc Môn thời Nguyễn vì chúng được sử dụng vào mục đích quân sự...

P.V

Nhà con rồng-Di tích lịch sử quân sự hàng đầu của thời đại Hồ Chí Minh   


Nhà Con Rồng, xây trên một phần
nền Điện Kính Thiên.

Ngay sau khi tiếp quản Hà Nội (10-10-1954), Phủ Chủ tịch và Phủ Thủ tướng làm việc tại Phủ toàn quyền cũ, Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại khu vực Trường trung học Albert Sarraut, Bộ Tổng tư lệnh đóng quân tại khu Thành cổ Hà Nội. Thành cổ được chia thành ba khu: Khu A-nơi làm việc của Bộ Tổng tham mưu và Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh; khu B-nơi làm việc của Tổng cục Chính trị và khu C-nơi làm việc của Tổng cục Hậu cần.

Ngay từ những ngày đầu tiếp quản Thủ đô, Nhà Con rồng (khu A) là nơi Bộ Tổng tư lệnh  ban hành những quyết sách  chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo trật tự an ninh của Hà Nội và củng cố chính quyền, lực lượng vũ trang tại các địa phương mới giải phóng, chuẩn bị tiếp quản Hải Phòng, chỉ đạo các lực lượng vũ trang miền nam tập kết, chôn giấu vũ khí, chuyển quân và bố trí cán bộ cho cuộc đấu tranh mới, chuẩn bị trao trả tù binh và đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử theo quy định của hiệp định Genève…

Nhà Con rồng vốn là nơi làm việc của Sở chỉ huy pháo binh quân đội Pháp xây vào năm 1886. Nhà Con rồng được dùng làm nơi họp của Tổng quân ủy và là nơi làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng tư lệnh và các Thứ trưởng Quốc phòng.

Việc tu sửa Nhà Con rồng cho phù hợp nhu cầu sử dụng mới được giao cho kiến trúc sư Hoàng Linh - người phụ trách Cục doanh trại tổ chức thực hiện.

KTS Hoàng Linh đã mời một số người bạn-đồng nghiệp là KTS Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp cộng tác. Họ đã nghiên cứu tỉ mỉ Nhà Con rồng từ nền, móng, tường đến các trang thiết bị nội thất… rồi đề xuất phương án sửa chữa.

Theo phương án này, một số tường ngăn bên trong đã bị phá bỏ để tạo nên  những phòng họp có thể treo được bản đồ lớn và đủ chỗ ngồi họp  cho 8 đến 10 người.


Phòng làm việc của năm đời Đại tướng
Bộ trưởng Quốc phòng sẽ được phục chế.

Các phòng họp lớn hơn tại tầng 1 và tầng 2 đủ chỗ cho 20-25 người. Cầu thang cũng đã được tu sửa lại cho dễ đi. Phía bên ngoài tòa nhà cơ bản được giữ nguyên. Trang thiết bị bên trong ngôi nhà (chủ yếu là bàn ghế) cũng được các kiến trúc sư nghiên cứu cẩn thận về chất liệu, kiểu  dáng, mầu sắc… theo hướng giản dị, tiết kiệm, lịch sự.

Đến tháng 11-1954 việc tu sửa Nhà Con rồng cơ bản đã hoàn thành. Tầng trên là phòng họp của Tổng Quân ủy và phòng làm việc của Bí thư Tổng Quân ủy-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh. Tầng dưới là nơi làm việc của các Thứ trưởng Quốc phòng và Tổng Thanh tra Quân đội. 

Nhà Con rồng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với những quyết sách đúng đắn của Đảng, quân đội trong đấu tranh giải phóng đất nước, gắn với những chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ miền bắc, giải phóng miền nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN cùng sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.


Biển đá đánh dấu di tích D 67.

Nhiều người trong cuộc hẳn không thể quên những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước đã từng diễn ra như: Kế hoạch phòng thủ miền bắc để đối phó với âm mưu “Bắc tiến” của đế quốc Mỹ và tay sai; sự kiện xây dựng Đoàn vận tải quân sự 559-mở đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn và Đoàn vận tải thủy 759-mở đường Hồ Chí Minh trên biển; sự kiện quân và dân Việt Nam đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đối với miền bắc, đặc biệt là cuộc tập kích chiến lược của Mỹ bằng B52 vào Thủ đô Hà Nội năm 1972; chỉ đạo đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị ở miền nam cùng hàng loạt các cuộc tiến công mưu trí, sáng tạo như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy  Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, chiến dịch Huế-Quảng Trị và đỉnh cao là cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy  Mùa xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…. Tất cả đều gắn liền với Nhà Con rồng với tên tuổi những vị chỉ huy tối cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chính từ những nguyên nhân này, Nhà Con rồng cần được bảo tồn để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ như một biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc và tài trí thông minh, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Nhà Con rồng là di tích lịch sử hàng đầu của Thời đại Hồ Chí Minh-thời đại oanh liệt, vẻ vang của lịch sử dân tộc ta.

 TUẤN ANH

Những địa danh lịch sử thời đại Hồ Chí Minh trong thành cổ


Rồng đá phía sau Nhà Con Rồng.

NHÀ CON RỒNG: Nhà Con rồng trong bộ hồ sơ lưu trữ từ thời Pháp được đánh số J26 nằm trong quần thể khu J (khu A, thành cổ Hà Nội). J26 là ngôi nhà hai tầng bảy gian xây năm 1886 với cầu thang rộng nằm ở chính giữa, mái lợp bằng ngói kẽm đen, có hành lang rộng ba mét chạy dọc tòa nhà để phòng nào cũng thoáng mát. Cửa sổ và cửa ra vào bằng gỗ tốt có lắp cửa kính và cửa chớp.

Theo nhiều nhân chứng lịch sử sở dĩ gọi là Nhà Con rồng vì ngôi nhà được xây trên nền Điện Kính Thiên, phía trước và phía sau có bốn con rồng đá chầu trên bệ đá chín bậc.

Năm 1967 có lần đến làm việc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gọi khu A là "Nhà rồng" để đối với "Nhà trắng" của Mỹ. Ngụ ý của Đại tướng: Nhà rồng-nhà trắng là nơi diễn ra cuộc đấu trí giữa hai bộ Thống soái tối cao trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

NHÀ D67: Đây là công trình quốc phòng do bộ đội Công binh khởi công xây dựng vào năm 1967, đưa vào sử dụng vào mùa thu năm 1968. Từ khi công trình được đưa vào sử dụng đến nay, D67 trở thành phòng họp của Quân ủy Trung ương sau này gọi là Đảng ủy quân sự Trung ương. D67 là nơi làm việc của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho đến năm 1980); Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng sau này là Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến năm 1986). Tại nơi đây từ năm 1968 đến năm 1975 đã diễn ra rất nhiều hội nghị quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương liên quan đến vận mệnh đất nước trong đó đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.

NHÀ LÀM VIỆC CỦA CỤC TÁC CHIẾN: Có phòng họp-nghiên cứu tình hình (chủ yếu là hoạt động quân sự-tình hình tác chiến, hoạt động tác chiến...) trên khắp các chiến trường Đông Dương, miền nam. Tại phòng này có bàn ghế làm việc và các giá treo bản đồ. Đầu những năm 60 của thế kỷ XX có các giá gắn các bản đồ tuyệt mật về bố trí lực lượng của ta các kế hoạch quân sự... Đây là nơi đầu tiên nhận các báo cáo về các trận đánh ở miền nam gửi ra.

NHÀ T78A: Đây là ngôi nhà được đưa vào sử dụng năm 1978. T78A là sở chỉ huy thường xuyên của Bộ Quốc phòng, là nơi giao ban hàng tuần của Bộ tổng Tham mưu. Tại T78A, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ thường xuyên vào làm việc với Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng để kịp thời có những quyết sách đúng đắn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Các đồng chí Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Chu Huy Mân đã nhiều lần dự họp nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, điều chỉnh lực lượng phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới...