Ới ơ, câu hát làng Diềm...

Chúng tôi đến làng Diềm từ tưng mưng sáng ngày 3-3 âm lịch. Đó là ngày thay nước cho Giếng Ngọc. Giếng Ngọc trong khuôn viên Đền Cùng, nơi thờ Mẫu Thượng ngàn và hai công chúa Ngọc Dung, Thủy Tiên nhà Lý, hai người đã có công khai khẩn, trừ hại yêu ma, thú dữ của vùng rừng lim này và góp trữ, cung cấp lương thảo cho quan quân.

Đền còn lưu bức đại tự “Ngân sơn thủ khố”. Nước Giếng Ngọc không biết từ đâu chảy tới, đến đây chắt ra từ một tảng đá ong nguyên khối. Người làng Diềm ăn nước Giếng Ngọc nên có giọng hát hay.

Người làng Diềm soi bóng Giếng Ngọc nên ai cũng có đôi mắt trong veo, lấp lánh …. Giếng Ngọc có ba điều lạ : Một là suối nguồn ở đâu ra, cứ trong vắt như thế không dứt, từ hàng chục thế kỷ nay. Hai là, uống nước lã từ Giếng Ngọc, không đau bụng, ai có dịp cũng ít nhất một lần uống để lấy may. Ba là, Giếng Ngọc có mấy ông cá chép hồng sống không biết từ bao đời nay mà không đẻ, không lớn, bão lụt tràn qua vẫn không đi, rét không chết. Dân làng ai cũng gọi là “ông” vì ông chép còn lớn hơn tuổi các cụ, kỵ nhà mình.

Hôm nay tát nước, rửa giếng, hàng chục nam thanh, nữ tú chưa vợ chưa chồng, tắm rửa sạch sẽ, từ sáng sớm đã có mặt để sẵn sàng cọ rửa.

Từ sáng sớm, các cán bộ chính quyền địa phương đã có mặt trải chiếu, sắp bàn để cụ Thượng và các liền anh, liền chị đón khách. Cụ Thượng đây là cụ Nguyễn Văn Thị, sinh năm 1906, nay đã 102 tuổi. Người làng Diềm gọi các cụ hơn 90 tuổi là “Cụ Thượng”. Cụ Thượng Thị  lại còn được tôn kính hơn một bậc vì cụ là nghệ nhân quan họ đầu dòng.

Cụ Thượng ngồi bàn. Các liền anh bảy, tám mươi ngồi chiếu say sưa hát, say sưa nhớ về những ngày tuổi trẻ. Cả cuộc đời lam lũ, cột chặt với ruộng vườn, no đói. Cả cuộc đời miên man trong bước chân vào hội, trong câu hát huê tình để được thăng hoa, để được thấy tràn đầy hạnh phúc trong ước mơ, trong tiếng hát cất tự lòng mình, trong và sâu như mạch giếng không ngừng. Các liền chị tiêu biểu là  những cặp hát đã được giải nhất, giải nhì trong liên hoan tiếng hát hằng năm của tỉnh Bắc Ninh, má đào, yếm thắm, thắt lưng bao xanh ngồi têm trầu cánh phượng đón khách. Và hát. Hát như chưa từng hát. Như ngày mai không còn được hát …

Dưới bóng lim già nghìn năm và bóng đa trăm tuổi, không khí quan họ khiến người ta có cảm giác  như đang dầm mình trên dòng lịch sử, thấm ngập hồn làng, hồn nước; vừa như chỉ ở chỉ biết một lát cắt tĩnh tại của thời gian, bỏ lại sau quá khứ và những buộc ràng, chỉ biết phút này, hôm nay.  Ôi, cái hiện hữu (existe), cái chủ nghĩa hiện sinh nào có xa lạ gì với người Việt Nam ta! Tôn trọng, đề cao phút giây đang sống nhưng không phá vỡ trật tự, mà thông dòng. Sự tôn trọng, đề cao cái hiện hữu ấy của Việt Nam hẳn có một lối, khác với anh phương Tây cứ phải làm ra xung đột …

Người làng Diềm ăn chung một nước Giếng Ngọc nên chung một giọng nói, cái giọng nói lơ lớ xứ Thanh. Người làng Diềm chung thờ một Vua Bà và coi quan họ là một tín ngưỡng. Không chỉ có làng Diềm, mà bốn mươi chín làng quan họ ven sông Cầu đều coi Vua Bà là tổ nghiệp. Ông Nguyễn Minh Cương đã xếp tên làng quan họ gốc cho dễ nhớ rằng :

Người về Kinh Bắc quê tôi
Làng Quan họ gốc bao đời cha ông :
Thanh Sơn, Xuân Ái, Thương Đồng
Vua Bà Viêm Xá, Thị Chung, Hoà Đình
Tam Sơn, Xuân Ổ, Thọ Ninh
Đỗ Xá, Ngang Nội, quê mình Trà Xuyên
Hạ Giang, Hoài Thị, Đông Yên
Y Na, Vân Khám, Ném Tiền, Hoài Trung
Lũng Sơn, Đương Xá, Duệ Đông
Ném Sơn, Đào Xá, Xuân Đồng, Vệ An
Châm Khê, Khả Lễ, Đẩu Hàn
Bồ Sơn, Niềm Xá, Lũng Giang, Ném Đoài
Đông Mơi, Yên Mẫn, Đống Cao
Thị Cầu, Khúc Toại, đi vào Xuân Viên
Phúc Sơn, Cổ Mễ, Bái Uyên
Lại Sáng, Hữu Chấp, Tiêu Viềng thăm chơi
Quan họ làng gốc quê tôi
Bắc Ninh mến khách … Người ơi nhớ về .

Lại nói về Bắc Ninh mến khách. Bắc Ninh lễ hội quanh năm. Tôi đã đôi lần về làng Ngang Nội dịp Hội Lim nghe hát sáng canh. Nhà nào cũng làm sẵn năm, bảy mâm cơm mời khách. Nhà nào có khách bạn về đông càng thấy tự hào.

Đưa chúng tôi về làng Diềm là anh Nguyễn Trọng Hoà, Thượng tá, Chủ nhiệm Nhà văn hoá Bộ Tư lệnh Thông tin. Anh đón chúng tôi từ cầu vượt vào thành phố Bắc Ninh trên đường 1A mới Hà Nội - Lạng Sơn, cách làng ngót dăm cây số.

Nhà anh Hoà ở Hà Nội. Từ sáng sớm mẹ, các em dâu, các cháu của các anh đã làm hàng trăm cái bánh dợm (bánh nếp), bánh tẻ, bánh khúc cho chúng tôi ăn sáng và mang về Hà Nội làm quà. Anh Hoà nói, năm ngoái anh đón 28 đoàn khách, chạy vã mồ hôi! Nói như kêu ca, thật ra, để là khoe. Nhà nào không cẩn thận lại còn mất khách.

11 giờ trưa, đang ngắm cảnh đình, thì chúng tôi được mấy liền anh, liền chị kéo vào một ngôi nhà cạnh đó. Đấy là nhà anh Khoa, công tác ở Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, người đang có ý định lập “Câu lạc bộ quan họ làng Diềm” để giữ vốn xưa, và hướng tới khách nước ngoài. Anh nói: “Năm mươi tuổi, tôi mới thật mê quan họ, và khi mê tôi thấy có bao điều kỳ diệu, nhất là trong tiếng hát như có cả một dàn nhạc trỗi lên với đủ các âm sắc “…

Không phải người Bắc Ninh gặp nhau là hát nhưng thấy có ý, có tình, có yêu cầu là hát, không một chút đắn đo, khách sáo. Mà hát là hát hết mình. Còn người nghe là còn người hát, dẫu phải bỏ việc nhà, việc đồng áng. Và chúng tôi đã được nghe “chị hai” Ngô Thị Tuyết, “chị hai” Nguyễn Thị Sứ , đôi hát giải nhất không chuyên toàn tỉnh năm 2006 cho nghe những bài hát tình tứ nhất. Không chỉ hát bằng giọng, “vang, rền, nền, nẩy” mà hát cả bằng ánh mắt.

“Khách đến chơi nhà” đầy trân trọng.
 “Vào chùa”  với lý tính tình lăng líu :
Vào chùa (chùa) mượn chiếu (i ơ chiếu) chùa ra  (á ra)
(Rải ngồi) đôi người đàn, đôi em lý (lý em hát, bớ sang tính bớ lý tình tang, tính ả tang tình, tình tình hỡi tính tính ơi ơ) chùa là em đi vào chùa …

Dọc đường đi chợ níu quang, níu gánh:
Người buông (à là) buông vạt áo (í ì i) song (í ì i ơ à) em (i a) em em ra (a) người buông vạt áo em ra (í ì i i i);
Để em, à là em đi chợ (í ì i) song (i i i) kẻo đà kẻo (í a) kẻo kẻo đà (à) kẻo đà, kẻo đà chợ trưa (í ì i i i);
Chợ trưa (à là) chợ trưa rau sẽ (í ì i à) héo là héo (ia) héo héo ( ì a) chợ trưa rau sẽ héo í ì i i i,
Lấy chi à là chi nuôi mẹ (í ì i) song (í ì i ơ à) lấy là lấy (i à) mà, lấy lấy gì (à) lấy gì em lại mà mà em nuôi em (í ì i i i);

Tinh tế thế, chỉ giới thiệu “chợ trưa rau héo lấy gì nuôi mẹ, nuôi em” chứ không phải nuôi con. Giằng ra, xin buông ra mà lại là dúng dắng, “i a” mãi. Dúng dắng, dùng dằng , chia tay mà hẹn, mà đợi chờ thiết tha; chỉ gắn không buông- đấy là đặc điểm lớn nhất của tình người quan họ vậy chăng?

Đang say sưa hát thì chủ nhà đã lịch kịch dọn cỗ. Nếu không nói trưa nay được “làng mời” thì khó mà ra được khỏi nhà anh Khoa. Ăn cỗ làng là vinh dự lớn, là pháp lệnh. “Khách anh hôm nay làng mời”. Từ sáng, anh Hoà đã nói với mấy cô em dâu đầy tự hào “Chúng mày mâm cao cỗ đầy, để bữa khác nhé” !

Không chỉ được ăn cơm làng mà trưa hôm đó, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng bức cửa võng có một không hai trong cả nước của đình Diềm. Từ lâu, đã có câu:

Thứ nhất là Đình Đông Khang
Thứ nhì Đình Bảng vẻ vang Đình Diềm.

Đình làng Đông Khang (Yên Phong) và đình làng Đình Bảng (Từ Sơn) nổi tiếng về sự rộng lớn, quy mô. Còn đình làng Diềm vẻ vang bởi tài khéo của các nghệ nhân chạm khắc.

Đình Diềm thờ Đức Thánh Tam Giang tức tướng quân Trương Hống, Trương Hát, hai anh em đã cùng Triệu Quang Phục đánh thắng quân Lương, lại hiển linh đọc thơ thần giúp Lý Thường Kiệt thắng Tống.

Bức cửa võng cao 7 mét, chia thành 4 tầng rủ từ thượng lương đến sát sàn đình; mỗi tầng chia thành 3 – 4 ngăn vòm; mỗi ngăn vòm giống như một cung điện nguy nga. “Nhân vật” trung tâm của tầng 1 là tiên, tầng 2 là rồng và thiếu nữ, tầng 3, tầng 4 là rồng, mây, trúc, thú. Tính ra có cả thẩy  99 hình rồng, 9 tầng mây. Cảnh tiên, cảnh người thảy đều thanh tao, trang nhã…

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, máy bay ném bom xuống khu vực đình hai lần, cả hai lần bom đều không nổ.

Linh thiêng nhất, gần gũi nhất có lẽ là đền thờ Đức Vua Bà. Theo truyền thuyết, Vua Bà là công chúa con Vua Hùng Vương thứ sáu. Không mãn nguyện về đường tình duyên, bà thường du hành, thưởng ngoạn mọi cảnh đẹp núi sông. Một lần như thế, giữa đường bà gặp cơn phong vũ bất ngờ và định mệnh, theo gió mưa tới Viêm ấp. Người đã lưu lại suốt đời nơi sơn thủy hữu tình, dạy dân làm ruộng, trồng mía, trồng dâu, đặt tên làng là Hồi hương và trên bến sông, dưới gốc lim, gốc gạo, bà đã dạy dân  lời ca yêu đời, ca ngợi sản vật do chính mình làm ra.

Cái bài hát “Bến lan” ,“Cây gạo”, “Tình tang”… là những bài quan họ tối cổ có từ thời đấy còn truyền đến ngày nay. Bà được tôn làm Thượng đẳng thần, ức niên hương hoả.

Trong đền, còn lưu giữ đôi câu đối đánh giá rất cao công tích của bà: “Trung liệt hiển Hồi hương, vạn cổ cương thường hoành vũ trụ; Thần linh hưng Viêm ấp, lũy triều phong tặng đối càn khôn” (Trung liệt làm rạng rỡ, vinh hiển làng Hồi, vạn cổ cương thường ngang vũ trụ; Thần linh làm hưng thịnh đất ấp Viêm, các triều đại đều phong sắc, sánh bằng trời đất).

Vì sao Quan họ lại đa tình ? Nhiều nguyên nhân nhưng xem ra có một nguyên nhân từ gốc, đó là khát vọng tự do yêu đương từ chính Vua Bà và thuở người ta còn sống tự nhiên, hoang sơ cùng nương bãi. Sau triều Lý, đến triều Trần tôn Nho, thì vẻ tự nhiên, tự do ấy đã bị khuôn lại, mất bớt ít nhiều…

Hát quan họ có lề có lối, có luật lệ nghiêm cẩn, vào một canh hát phải hát đủ năm điệu la giằng, kim lan, gió mát, cây gạo, tiên sa rồi mới hát sang giọng khác. Điệu la giằng giờ cả tỉnh không mấy ai nhớ, lớp trẻ không còn học được.

Chỉ nghe cụ Nguyễn Thị Bàn (năm nay 80 tuổi) hát mấy câu “ha ôi a là mấy ối a” mà chúng tôi toát hết mồ hôi. Điệu hừ la cũng vậy. Các cụ xưa truyền “không hát được hừ la thì đừng chơi quan họ”. Điệu hừ la cụ Bàn hát thế này : “Hừ là hừ la a la em hỡi hà, ơi hội hừ … hời la ứ hừ … Mấy khi vui vẻ thế này, vui tày đám hỏi đốt cây nhang trầm, lòng em yêu vụng nhớ thầm, điếu đổ lăn xe, yêu ai thì quyết chớ nghe ai dèm”…

 
Liền chị làng Diềm.

Tại “Nhà chứa” của cụ Giằng (Ngô Thị Khu) một nhà chứa quan họ lâu đời ở làng Diềm, chúng tôi may mắn được gặp đủ các thế hệ, từ các nghệ nhân lớp trước Ngô Thị Nhi, Nguyễn Thị Bàn, Nguyễn Thị Trạch đến lớp chị cả Nguyễn Thị Hài, Nguyễn Thị Khen; rồi lớp nữa Sang - Thềm, lớp mới Hồng - Hải…

Nhà chứa quan họ là nơi học hát, nơi tụ tập bọn quan họ kết nghĩa hai làng để hát canh. Trước đây làng Diềm có 12 bọn (24 tốp) và nhiều nhà chứa nay chỉ còn nhà chứa cụ Giằng. Thế là mai một, là tụt đi. Cụ Nhi, cụ Bàn học cụ Bún. Cụ Bún nói : “Tao còn hai điệu hát nữa, truyền xong cho chúng bay rồi mới chết”. Thế nhưng, cụ chưa truyền xong thì đã mất. Đó là năm 1977. Các chị cả, chị hai bây giờ nghe cụ Nhi, cụ Bàn hát những bài tối cổ thì lắc đầu. Thế là mai một.

Cụ Nhi nói cụ thuộc 400 bài, cụ Bàn nói cụ thuộc 200 bài, nhưng già rồi, quên đi không ít. Còn chị Hai Hồng, Hai Hải, anh Hai Quyết… lớp trẻ nhất, triển vọng nhất, đã tuổi ba mươi mà chỉ thuộc  và hát được 50 câu !

Cụ Nhi sinh năm 1922 nói: “Tôi đã gặp sáu bảy đời bộ trưởng văn hoá, giám đốc sở văn hoá, ai cũng nói bảo tồn, nhưng bây giờ các ông đều đã đi, đã thôi việc cả rồi, còn chúng tôi và những câu hát cứ phôi phai dần, tiếc lắm, tiếc lắm”. Và các cụ đã hát, hát mãi cho chúng tôi nghe như thuở chín, mười, như thuở “đi giăng về mờ”, thuở chong đèn suốt hội …

Cụ Nhi móm mém : “Biết chả hát để chôn à ?” Chúng tôi cùng cười mà cùng ngậm ngùi theo dòng nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo của cụ … Ới a, câu hát làng Diềm!

Đến làng Diềm, tôi còn có một mục đích nữa. Tôi đã từng được nghe các nhà nghiên cứu quan họ, những người anh, người bạn như Hồng Thao, Trần Linh Quý, Đặng Văn Lung, Nguyễn Hùng Vĩ … giảng cho nghe về quan họ và cam đoan rằng, quan họ kết nghĩa không bao giờ yêu nhau, lấy nhau.

Cụ Bàn, cụ Nhi nói : Làng Diềm kết nghĩa với Hoà Thị đã bảy, tám trăm năm nay, không một ai lấy nhau và có điều tiếng gì. Cụ Bàn nhớ, có một đôi lấy nhau năm 1954, trai làng Diềm, gái làng Sim, đến năm 1957 thì cùng chết !

Còn tôi thì tôi rất băn khoăn. Tôi không tin. Không yêu nhau, làm sao câu hát được thiết tha đến vậy ?

Trong câu Cơm vàng, giọng cầm bằng. Gái làng Diềm hát :
Em thì muốn cho gần chợ ra chơi
Gần sông tắm mát, gần nơi đi về
Muốn cho một chốn đôi quê
Khi ở Viêm Xá, khi về Thị Thôn
Thị Thôn là chốn quê chồng
Viêm Xá là chốn quê ông, quê bà …

Trai Hòa Thị đối :

Muốn cho cùng ở một nhà
Cùng đi một ngõ cùng là một tên
Muốn cho đền (hoặc đình) dưới chùa trên
Ở giữa cây tháp, đôi bên Thị Màu
Muốn cho sớm tối cùng nhau
Cho đẹp lòng thiếp, cho vui (hoặc phu :
bõ công phu) lòng người …

Lại hát :

-Lòng em yêu vụng dấu thầm
Điếu đổ lăn xe, yêu ai thì quyết chớ nghe ai dèm…
-Vì chuôm cho cá vướng đăng
Vì người em phải đi giăng về mờ…
Em về em gửi lời thề
Xin đừng mở khoá, trao thìa cho ai …

Tôi đem lời hát ấy hỏi một cụ bà. Cụ nói : Hát tình tứ vậy chứ tuyệt nhiên không có chuyện phải lòng. Tôi hỏi một cụ khác. Cụ ngập ngừng định nói điều gì thì cụ nọ hích tay : “Đã không nói thì thôi, còn nói cái gì”! một sự nặng sâu và bí ẩn.

Trên đây là những “chứng cứ” từ lời hát đối của quan họ kết nghĩa. Ở những câu hát khác, đau cũng thấm tơ tưởng, tưởng tơ, sự mạnh bạo bước qua khuôn phép, từ cởi áo, trao khăn đến thề nguyền sang cả kiếp khác: “Dù ai ngăn thác chắn ghềnh, Đôi ta vẫn giữ chung tình cùng nhau, Dù ai chẳng lấy được nhau, Ăn chay niệm phật, kiếp sau vẫn chờ ”.

Sức sống của quan họ là ở tình yêu ấy. Và ở sự chấp nhận của người chồng, người vợ, của cả cộng đồng. Nó cũng nói lên sự mê hoặc và tầm cao của câu hát quan họ, người quan họ.

Tôi lại đem chuyện này nỏi chị Hai X. Tôi hỏi chân thành, chị cũng trả lời chân thành, chân thành và sôi nổi : “Anh thấy không, con gái quan họ thường đeo yếm thắm, yếm thắm thể hiện một tình yêu rực lửa. Không cảm nhau, sao theo nhau mà hát một đời” ? Rồi chị hát một bài hát mới, lời rằng :

Bâng khuâng trong gió
Bâng khuâng ai đứng ai chờ
Ai bâng khuâng, ai mãi đi tìm
Tìm trong bao lời nói
Một tiếng nói ân tình
Tìm trong bao câu hát
Một câu hát trúc xinh…

Ới ơ, câu hát làng Diềm, câu ca quan họ ! Dù bao đổi thay, dù bao rơi rụng, vẫn còn đây yếm thắm, má đào. Câu quan họ, câu hát tình, câu hát đời  từ trái tim đòi  yêu, đòi sống chơ ngay bằng trời đất yêu đời hôm nay, ngày mai chắc hãy còn ngân mãi .