Deq - ước nguyện trong những hình xăm cổ

Mặc dù một số phụ nữ người Kurd thường dùng Deq để tô điểm cho làn da với mục đích làm đẹp, nhưng đôi khi Deq còn gắn bó sâu sắc với các yếu tố tâm linh. Ông Ahmet Yavuklu, nhà nhân chủng học người Kurd nghiên cứu rất sâu về lĩnh vực này, lý giải: “Người ta tin rằng trong khi cơ thể được in dấu bằng hình xăm thì linh hồn cũng được khắc ghi”.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh trong bài: Một số hình xăm Deq của phụ nữ người Kurd.
Ảnh trong bài: Một số hình xăm Deq của phụ nữ người Kurd.

Tìm lại nét văn hóa bị lãng quên

Năm 2018 khi vừa tròn 20 tuổi, cô Fatê Temel ở làng Derik, tỉnh Mardin đông nam Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên xăm Deq - hình xăm truyền thống từng rất phổ biến của người Kurd lên cằm. Sau đó, studio xăm hình nho nhỏ của cô khai trương vào tháng 11/2021 tại quận Sur ở thành phố cổ Diyarbakır, nơi được coi là trung tâm lịch sử của văn hóa người Kurd, đã thu hút hàng trăm khách hàng với các họa tiết và biểu tượng Deq. Cô là một trong những nghệ sĩ ít ỏi còn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi việc bảo tồn nghệ thuật xăm mình cổ xưa này.

“Mỗi hình xăm đều có ý nghĩa riêng. Đối với người Kurd, chúng tôi nhận biết những ý nghĩa và mối liên hệ đặc biệt của riêng mình với các biểu tượng và họa tiết này - những điều kết nối chúng tôi với một quá khứ đang bị lãng quên. Với tôi, Deq đại diện cho một khía cạnh của nền văn hóa đang dần biến mất, và trách nhiệm của tôi là bảo đảm truyền thống này được bảo tồn”, cô nói.

Deq đã từng rất phổ biến trong cộng đồng người Kurd, cùng với người Turk, người Ả Rập và người Digan - thường được gọi là gypsy - những hàng xóm ở khu vực phía đông. Những hình xăm tương tự có thể thấy ở phụ nữ Amazigh ở Bắc Phi. Và không khó để tìm thấy những phụ nữ lớn tuổi và một số đàn ông ở các ngôi làng của người Kurd và người Ả Rập ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ với hình xăm Deq.

Khi Temel còn bé, cô đã thấy một số người lớn tuổi ở Derik trang điểm bằng hình xăm. Khi lớn lên, cô trở nên thích thú với hình thức trang điểm này và tự hỏi tại sao hiện nay thanh niên không còn ưa chuộng hình xăm nữa? “Tôi đã dành nhiều thời gian với những người lớn tuổi, tìm hiểu về ý nghĩa của các biểu tượng và cách họ giữ gìn Deq. Ban đầu, họ không muốn nói về nó, nhưng tôi cứ kiên trì hỏi cho đến khi họ mở lòng”- cô chia sẻ.

Sau đó, cô bắt đầu thử nghiệm Deq với những người anh em họ của mình. Dần dần ngày càng có nhiều thanh niên người Kurd quan tâm và tìm đến cô để có những hình Deq trang trí cơ thể. Đó là cơ hội để cô kể cho họ nghe về những tầng ý nghĩa đằng sau các biểu tượng.

Những biểu tượng giàu ý nghĩa

Mỗi họa tiết Deq lại có ý nghĩa riêng, có thể thay đổi tùy thuộc vào cộng đồng và cách thức mà họ thiết kế hình xăm dựa trên văn hóa và vùng đất của họ. Deq đầu tiên mà cô Temel xăm trên cằm mình là một hình tượng trưng cho mặt trời. Cô nói rằng họa tiết mặt trời đại diện cho “sự tìm kiếm trí tuệ”. “Tôi chọn điều này vì khi trở về làng, tôi quyết định sẽ không ngừng tìm thêm kiến thức. Tôi xăm hình này lên mặt để mỗi khi soi gương, tôi được nhắc nhở về con đường của mình”- cô nói.

Ông Ahmet Yavuklu, nhà nhân chủng học người Kurd đã nghiên cứu và xuất bản sách về chủ đề này, giải thích Deq là một “hình thức thờ cúng”. “Các họa tiết Deq thường lấy cảm hứng từ các sinh vật, hình mẫu và hoa văn trong tự nhiên như mặt trời, mặt trăng, các vì sao và thậm chí bông lúa mì. Tất cả chúng đều có ý nghĩa quan trọng và mang tính biểu tượng”.

Deq khác rất nhiều so với các thiết kế xăm hiện đại. Mặc dù ngày nay mọi người thường xăm để trang trí hoặc tưởng nhớ các sự kiện, con người hoặc thể hiện tín ngưỡng, nhưng theo truyền thống, Deq được thực hiện để bày tỏ mong muốn được giàu có, được bảo vệ, có phước lành hoặc khả năng sinh sản tới thần linh. Một số bà bầu xăm các hình Deq đặc biệt để yêu cầu sự bảo vệ thai nhi trong thai kỳ. Deq cũng được sử dụng trong y học bằng cách chấm mực lên thái dương để hỗ trợ giảm chứng đau nửa đầu.

Deq - ước nguyện trong những hình xăm cổ ảnh 1

Loại mực truyền thống được sử dụng trong Deq giữa các cộng đồng cũng khác nhau. Nhưng phần lớn bao gồm một số loại thảo mộc xanh, bồ hóng từ đèn và ruột động vật-phổ biến nhất là túi mật của cừu, cùng với sữa mẹ. Sữa thường được lấy từ bà mẹ đang cho con gái bú, vì những người lớn tuổi tin rằng mực làm từ sữa bà mẹ cho con trai bú không tạo ra mầu sắc rực rỡ và vết xăm lâu lành hơn. Trong studio của mình, Temel sử dụng hỗn hợp bồ hóng và sữa mẹ của những phụ nữ đang cho con gái bú.

Ông Yavuklu cho biết: “Văn hóa xăm hình lâu đời hơn nhiều so với chữ viết. Các hình xăm cho thấy cách bản sắc văn hóa gắn bó chặt chẽ với ý thức về bản thân và các cá nhân trong mối tương quan với những sinh vật khác - cả con người và động vật hoặc môi trường”.

Vẻ đẹp truyền đời

Truyền thống xăm mình dần hồi sinh trong giới trẻ người Kurd, những người chấp nhận nó để thể hiện bản sắc của mình. Cô Temel tiếp ít nhất hai hoặc ba khách hàng mỗi ngày, mỗi Deq có giá khoảng 200 lira ($11). Không có gì ngạc nhiên khi họa tiết Deq phổ biến nhất trong các khách hàng của cô là mặt trời.

Anh Ali Ozmen, 28 tuổi, đi từ Cizre, tỉnh Şırnak cách Sur khoảng 230km, đến xưởng vẽ của Temel. Anh chọn biểu tượng mặt trời vì “nó là biểu tượng quan trọng nhất đối với người Kurd. Khi xăm những biểu tượng này lên cơ thể, tôi cảm thấy như tôi góp phần để truyền thống này được tiếp nối”. Cô Rozerin Soysal, 21 tuổi, đang xăm hình thứ hai tại đây cũng có họa tiết mặt trời. Hình xăm đầu tiên của cô ở mặt trong cổ tay, là biểu tượng của lòng trung thành vì cô không muốn chồng cô có vợ khác.

Deq - ước nguyện trong những hình xăm cổ ảnh 2

Cô Temel đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và ghi lại các biểu tượng và họa tiết Deq từ nhiều cộng đồng khác nhau, đôi khi cô đến thăm những người lớn tuổi ở các ngôi làng phía đông, tìm hiểu lịch sử của loại hình nghệ thuật này. Tại ngôi làng Hayırlı ở Mardin, bà Idi Ayaz, 75 tuổi, có một hình mặt trời đã phai màu được xăm ở giữa trán, khoe một Deq trên tay có họa tiết hình lược, tượng trưng cho vẻ đẹp.

Trên chân của bà lại là một họa tiết tượng trưng cho đàn rebab, một loại nhạc cụ có dây truyền thống phổ biến ở Trung Đông, châu Phi, châu Á và một số khu vực của châu Âu thông qua các tuyến đường buôn bán của người Hồi giáo. Bà tự hào nói bằng phương ngữ Kurmanji của người Kurd (vì không biết tiếng Thổ): “Chỉ những phụ nữ xinh đẹp nhất mới có hình xăm này”.

Tại thị trấn Viranşehir thuộc tỉnh Şanlıurfa, trong một ngôi nhà bê-tông khiêm tốn, một nhóm phụ nữ Ả Rập ngồi trong một khu vực sinh hoạt rộng rãi. Đằng sau họ là một bức tranh Shahmaran, một sinh vật thần thoại nửa người nửa rắn trong văn hóa dân gian của người Kurd, cũng như trong các nền văn hóa khắp Iran, Anatolia, cao nguyên Armenia và Iraq. Tất cả phụ nữ đều có họa tiết mặt trời được khắc trên trán.

Bà Saliha Özşavlı, 80 tuổi có tới 10 hình xăm trên cơ thể. Bà kể rằng đã học Deq từ người Digan, một dân tộc du mục có nguồn gốc ở tiểu lục địa Ấn Độ trải qua các cuộc di cư từ thời cổ đại đã sống rải rác khắp Trung Đông, Bắc Phi, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Balkan: “Chúng tôi đã nhìn thấy những người gypsy có hình xăm và chúng tôi thực sự thích thú. Vì vậy, các phụ nữ trong làng đã học hỏi từ họ và xăm cho phụ nữ ở đây”.

Trong khi họa tiết mặt trời của Temel tượng trưng cho sự tìm kiếm trí tuệ, thì của bà Özşavlı là mong muốn được bảo vệ, bởi người ta tin rằng mặt trời có thể bảo vệ khỏi con mắt ác quỷ. Theo ông Yavuklu, trên cằm của bà Saliha Özşavlı là một họa tiết mang tính biểu tượng đại diện cho sự giàu có, màu mỡ, sự giác ngộ, sự bất tử, sự sinh sản, chữa lành và hạnh phúc. Ba dấu chấm trên ngón tay của bà là cầu xin Chúa giữ cho chồng bà lòng chung thủy.

Cô Temel trăn trở: “Những biểu tượng này kết nối các cộng đồng trên khắp các châu lục, ngôn ngữ và bản sắc theo những cách thức mà chúng ta còn chưa hiểu hết. Có một điều gì đó thần bí ở những hình xăm này. Những người già không còn sống lâu được nữa, bởi thế chúng tôi chính là thế hệ cuối cùng có thể bảo tồn nét văn hóa này và bảo đảm rằng kiến thức của những người già không mất đi theo họ”.