Thực hiện lời hứa tranh cử trong thời gian kỷ lục
Vài phút sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, CBP One, một ứng dụng di động để đặt lịch hẹn nhập cảnh vào Mỹ qua những cửa khẩu hợp pháp, thông báo ngừng hoạt động. Những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ sẽ không còn được đương nhiên cấp quyền công dân nước này nữa nếu cả cha lẫn mẹ không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp. Những chuyến bay đầu tiên chở công dân Colombia nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ đưa những người này quay về Colombia. Lầu Năm góc và Bộ An ninh Nội địa Mỹ được lệnh chuẩn bị một cơ sở tại Vịnh Guantanamo có thể giam giữ khoảng 30.000 người di cư bất hợp pháp. Bước đầu, 1.500 binh sĩ Mỹ được điều tới biên giới phía nam của Mỹ nhằm đối phó với tình trạng nhập cư trái phép đang gia tăng thời gian qua. Tình trạng khẩn cấp cũng đã được ban bố ở khu vực lãnh thổ Mỹ giáp với Mexico…
Các nỗ lực của chính quyền Biden nhằm cấm khai thác dầu khí tại Bắc Cực và các khu vực ven biển nước Mỹ bị hủy bỏ. Tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng được ban bố...
Sắc lệnh của ông Biden về việc kiểm soát rủi ro trí tuệ nhân tạo (AI) bị thu hồi. Đồng thời, một dự án đầu tư lên tới 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo được khởi động...
Chấm dứt các chính sách làm việc tại nhà cho hàng chục nghìn viên chức liên bang, vốn đã được ban hành trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Bất kỳ viên chức liên bang nào không trở lại văn phòng làm việc sẽ bị sa thải...
Khoảng 1.500 người liên quan đến vụ bạo loạn tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 nhận “một lệnh ân xá toàn diện và vô điều kiện”. Ngoài ra, 14 người khác cũng liên quan đến vụ việc này được giảm án. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nhận được lệnh hủy bỏ tất cả các cáo trạng đang chờ xử lý liên quan đến vụ bạo loạn…
Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu “không có giá trị hay hiệu lực” tại Mỹ, đồng nghĩa với việc Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận mang tính lịch sử mà chính quyền tiền nhiệm đã đàm phán với gần 140 quốc gia năm 2021…
Quá trình rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức bắt đầu, kéo dài trong 12 tháng và Washington sẽ cắt mọi đóng góp tài chính cho tổ chức này, vốn chiếm khoảng 18% ngân sách hoạt động của WHO. Một lần nữa, Mỹ cũng sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu… Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) có chức năng “cung cấp viện trợ tới các quốc gia đang phục hồi sau thảm họa, tìm cách thoát đói nghèo” bị giải tán…
Hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ lập tức bị “đóng băng” trong vòng 90 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc mọi hoạt động nhằm giải ngân các chương trình viện trợ phát triển và viện trợ quân sự (ngoại trừ viện trợ quân sự cho Israel và Ai Cập) đều sẽ bị đình lại…
Chắc chắn ông D.Trump sẽ vượt xa bất cứ người tiền nhiệm nào trong lịch sử nước Mỹ về việc ban hành số lượng kỷ lục các sắc lệnh hành pháp, với hàng loạt quyết định gây sốc, đồng thời đẩy xa hết mức giới hạn quyền lực của Tổng thống Mỹ.
Từ chính sách vĩ mô đến xử lý vi mô, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dường như đang làm hết tốc lực để biến những lời hứa trong quá trình tranh cử của mình trở thành hiện thực trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Thách thức chính sách đối ngoại nan giải
Nhưng chắc chắn có một lời hứa trong thời gian vận động tranh cử mà ông Trump đã không thể thực hiện được, đó là “chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong 24 giờ đồng hồ”, bởi dĩ nhiên, đó chỉ là một khẩu hiệu tranh cử.
Không dưới một lần, ông D.Trump tuyên bố muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin càng sớm càng tốt để chấm dứt cái mà ông gọi là một “cuộc xung đột vô lý”. Ông Trump cũng bắn tiếng là Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã nói với ông rằng Kiev sẵn sàng tiến tới thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Nhưng ông Trump có những đòn bẩy nào để hy vọng có thể thúc đẩy hai phía tiến tới một thỏa thuận như vậy?
Về phía Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây khác ở châu Âu vẫn là các đối tác viện trợ nhiều nhất cho Kiev - đến nay hơn 200 tỷ USD - trong cuộc chiến kéo dài suốt 3 năm qua. Nếu muốn Kiev ngồi vào bàn đàm phán, Mỹ chỉ cần cùng với các nước đang viện trợ cho Ukraine dùng con bài chủ chốt “viện trợ” để gây sức ép. Như Tống thống Nga V.Putin đã tuyên bố, xung đột Nga-Ukraine có thể chấm dứt trong vòng từ một tháng rưỡi đến 2 tháng nếu các nhà tài trợ phương Tây chấm dứt viện trợ cho Kiev. “Họ sẽ không tồn tại được một tháng nếu hết tiền và đạn dược” - ông V.Putin nhận định.
Nhưng với Moscow thì khó hơn nhiều. Là một nhà tài phiệt trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, đương nhiên ông D.Trump có xu hướng sử dụng những đòn bẩy kinh tế hơn là quân sự để có thể gây sức ép đối với Nga.
Đúng vào ngày nhậm chức, ông D.Trump tuyên bố, ngụ ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “phá hủy nước Nga bằng cách không đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine”, cảnh báo rằng, nước Nga sẽ phải đối mặt với “những vấn đề nghiêm trọng” nếu không làm như vậy.
Những “vấn đề nghiêm trọng” là gì? Ông D.Trump tiết lộ rằng, ông sẽ buộc phải áp dụng mức thuế quan và lệnh trừng phạt cao đối với hàng hóa của Nga nếu quốc gia này không chịu ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới vẫn duy trì ở mức cao trong suốt thời gian qua đã mang lại lợi thế lớn cho Nga, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới. Muốn triệt tiêu ưu thế này của Nga, ông D.Trump hé lộ khả năng sẽ yêu cầu Saudi Arabia và các quốc gia OPEC hạ giá dầu, tuyên bố điều này sẽ dẫn đến việc chấm dứt “ngay lập tức” cuộc chiến của Nga với Ukraine.
Những lệnh trừng phạt mới liệu có tác dụng gì đối với Nga, quốc gia hiện đang chịu và dần thích nghi với hơn 18.000 lệnh trừng phạt - nhiều nhất trong lịch sử thế giới?
Khi tiến hành trục xuất người di cư bất hợp pháp Colombia về nước, ông Trump đã vấp phải sự cản trở, phản đối từ Bogota. Chỉ bằng con bài áp thuế quan 25% khẩn cấp và tăng lên 50% một tuần sau đó đối với toàn bộ hàng hóa Colombia vào Mỹ, ông Trump đã buộc Bogota phải đầu hàng chỉ trong vòng một ngày. Nhưng Nga không phải là Colombia. Con bài áp mức thuế quan đối với Nga, quốc gia đã thích nghi với trừng phạt cũng như thời gian qua mở rộng quan hệ trao đổi kinh tế với vô số các quốc gia khác ngoài khối phương Tây, liệu có tác dụng hay không?
Dường như cũng nhận thức được vô vàn khó khăn sẽ gặp phải trong việc thúc đẩy hai bên xung đột Nga - Ukraine đi tới bàn đàm phán, ông D.Trump đã giao nhiệm vụ cho đặc phái viên của ông phụ trách giải quyết cuộc xung đột, Keith Kellogg, chấm dứt chiến tranh trong vòng 100 ngày.
Việc giải quyết hồ sơ xung đột Nga - Ukraine sẽ là một trong những thách thức chính sách đối ngoại nan giải nhất mà ông D.Trump phải đối mặt trong nhiệm kỳ 2 của mình
Thời kỳ Donald Trump 2.0
Bằng hàng loạt sắc lệnh được ký ban hành trong một thời gian ngắn kỷ lục cùng với những quyết sách không thể đoán định trước được, ông D.Trump đang tạo ra một ấn tượng rằng ông có thể phá vỡ mọi quy tắc, không chỉ với các đối thủ, mà còn với chính các nước láng giềng, các đồng minh của Mỹ.
Ông yêu cầu đổi tên “Vịnh Mexico” thành “Vịnh Mỹ”.
Ông đề xuất Canada nên sáp nhập, trở thành bang 51 của Mỹ; khi ấy, “người dân Canada sẽ phải trả mức thuế thấp hơn nhiều. Thuế của họ sẽ được cắt giảm một nửa… Họ sẽ được đối xử, chăm sóc tốt hơn nhiều, được bảo đảm an toàn” - ông nói.
Ông tuyên bố muốn mua vùng đảo Greenland thuộc Đan Mạch, nói rằng Greenland đóng vai trò sống còn với an ninh Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế lên Copenhaghen nếu đề xuất mua hòn đảo này bị từ chối.
Ông Trump khẳng định, Mỹ sẽ “lấy lại” kênh đào Panama, gọi hành động trả lại kênh đào này cho Panama của các chính quyền tiền nhiệm là “điên rồ”.
Vị tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh, ông từng buộc nhiều nước thành viên NATO chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, nhắc đến sức ép mà mình tạo ra trong nhiệm kỳ đầu tiên nhằm buộc các quốc gia trong liên minh đáp ứng mục tiêu trên. Nhưng nay, ông Trump đưa ra một con số mới: 5% GDP. Điều đó đồng nghĩa mỗi quốc gia NATO sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng thêm 150% so với hiện nay. Ông Trump từng nhiều lần đe dọa sẽ đưa Mỹ rời khỏi liên minh này nếu các thành viên không tăng chi tiêu.
Chỉ có thời gian mới có thể khẳng định được liệu ông D.Trump có thành công với những quyết sách táo bạo cả về đối nội lẫn đối ngoại trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình hay không.
Nhưng có một điều chắc chắn, thế giới những năm trước mắt sẽ không còn như trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng ngày 20/1/2025. Cả các đồng minh lẫn đối thủ sẽ phải làm quen với một thế giới vô cùng khó đoán định, nhiều bất ổn trong thời kỳ D.Trump 2.0.