Bình luận

Cuộc đấu khẩu mang tầm quốc tế!

Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một điều gì tương tự trước đây.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 28/2. Ảnh | AP/Mstyslav Chernov
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 28/2. Ảnh | AP/Mstyslav Chernov

10 phút đấu khẩu

Trong 10 phút đồng hồ, ngay tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, cuộc tranh cãi tay đôi nảy lửa giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (đúng hơn phải nói là “tay ba” bởi vì còn có Phó Tổng thống Mỹ James David Vance tham gia), đã diễn ra công khai trước truyền thông toàn thế giới.

Ông V. Zelensky tới Mỹ để - theo thông báo chính thức - ký với Mỹ một thỏa thuận liên quan đến quyền của Mỹ tiếp cận các tài nguyên khoáng sản của Ukraine trị giá tới 1000 tỷ USD.

Ý tưởng về việc đổi tài nguyên khoáng sản lấy vũ khí và bảo đảm an ninh này thật ra xuất phát từ chính ông V. Zelensky trong bản “Kế hoạch chiến thắng” mà ông đã úp mở tiết lộ hồi năm ngoái. Theo đó, Ukraine và Mỹ sẽ cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản màu mỡ của Ukraine, trong đó đặc biệt có đất hiếm. Đổi lại, ông V. Zelensky muốn Mỹ sẽ phải có các bảo đảm an ninh cho Ukraine, trước khi có thể đạt được với Nga một thỏa thuận ngừng chiến hoặc xa hơn, một hiệp định hòa bình nào đó.

Nhưng khi ông V. Zelensky tới Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ khi ấy còn là ông Joe Biden. Đối tác tham dự họp báo cùng ông V. Zelensky là bà Kamala Harris, người mấy tuần lễ trước đó vừa được đảng Dân chủ đề cử thay thế ông J. Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cùng ứng cử viên đảng Cộng hòa D.Trump.

Năm nay, khi ông V. Zelensky tới Washington để thực thi những ý hướng chính trong bản “Kế hoạch chiến thắng” của ông, tình thế đã có những sự thay đổi bất ngờ. Người tiếp ông ở Nhà Trắng lần này không phải ông J.Biden lẫn bà K.Harris nữa mà là ông D.Trump, người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.

Bất ngờ thứ hai là nếu như trong bản “Kế hoạch chiến thắng” hồi năm ngoái, ông V.Zelensky đề xuất hai bên cùng tham gia tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine một cách bình đẳng thì trong dự thảo thỏa thuận lần này, việc Mỹ khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine được hình dung giống như một hình thức Kiev “trả nợ” cho những khoản tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine từ khi bắt đầu nổ ra xung đột.

Khoản “nợ” này được ông D.Trump nhiều lần nhắc đi nhắc lại (mà không đưa ra các số liệu làm cơ sở) là 350 tỷ USD, trong khi ông Zelensky thì (cũng nhiều lần) tuyên bố ông không biết ông D. Trump lấy con số “350 tỷ USD” ấy ở đâu ra. Theo ông V.Zelensky, con số mà phía Ukraine thực nhận từ Mỹ, cả viện trợ quân sự lẫn nhân đạo, an sinh xã hội chỉ xấp xỉ vào khoảng 100 tỷ USD. Tổng số tiền mà Washington đòi phía Ukraine phải “trả nợ” qua thỏa thuận khai thác khoáng sản này lên tới 500 tỷ USD .

Và, không có bất cứ một nội dung nào nói về việc Mỹ sẽ “bảo đảm an ninh” cho Ukraine, đòi hỏi quan trọng nhất mà ông Zelensky muốn có trong bất cứ thỏa thuận nào.

Ai được lợi?

Theo thông lệ Nhà Trắng, cuộc gặp gỡ với báo chí truyền thông thường diễn ra sau khi đã có một cuộc hội đàm hay ký kết văn kiện nào đó giữa đoàn đại biểu hai bên hoặc giữa hai trưởng đoàn, ở đây là Tổng thống D. Trump và Tổng thống V. Zelensky. Đúng là trước đấy đã diễn ra cuộc gặp kéo dài khoảng 35 phút giữa ông V. Zelensky với ông D. Trump. Trong cuộc gặp này, nhiều khả năng hai bên không chốt được vấn đề then chốt nên căn phòng cạnh phòng Bầu dục, với những lá cờ của Mỹ và Ukraine chuẩn bị sẵn cho việc ký kết thỏa thuận đã không được dùng đến.

Tiếp đến là 10 phút thảm họa, với rất nhiều nhà báo cùng các ống kính truyền hình và micro. Diễn biến của cuộc gặp gỡ với báo chí này dường như đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, biến nó trở thành một trong những sự kiện ngoại giao gây choáng váng cho rất nhiều người.

Câu hỏi logic đặt ra là, ai sẽ được lợi từ sự kiện này?

Ông V. Zelensky có thể không cần nói trực tiếp nhưng đã truyền đến người dân Ukraine một thông điệp hiển hiện, rằng mình là một Tổng thống cứng rắn, không nhượng bộ trước chính trị cường quyền. Đa số người dân Ukraine được phỏng vấn nhanh ngay sau sự kiện đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông V. Zelensky.

Ông D.Trump cũng có thể cho rằng, mình đã làm hết sức để vãn hồi hòa bình đúng như lời hứa khi tranh cử. Bởi thế, trách nhiệm của việc đổ bể ký thỏa thuận khoáng sản là thuộc về ông ta (V.Zelensky). Cũng tương tự như vậy, việc ký một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh không thành là do lỗi của ông ấy.

Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga và từng là Tổng thống LB Nga Dmitry Medvedev viết trên X (Twitter) rằng, “Tổng thống Donald Trump đã đúng: Kiev đang “đánh bạc” với Thế chiến thứ 3!

Tiếng vọng qua Đại Tây Dương

Sau cuộc đấu khẩu căng thẳng trong phòng Bầu dục, một số nguồn tin không chính thức nói rằng phía Ukraine muốn nối lại các cuộc đàm phán nhưng ông D. Trump từ chối và nói rằng ông V.Zelensky “có thể trở lại nếu ông ấy sẵn sàng” (cho một thỏa thuận hòa bình).

Và ông Trump “ra đòn” ngay: lệnh tạm dừng các khoản viện trợ cho Kiev, chấm dứt cung cấp các thông tin tình báo cho phía Ukraine. Không những thế, phía Anh cũng bị Mỹ cấm chia sẻ các thông tin tình báo mà Mỹ cung cấp cho London. Trong bối cảnh xung đột quyết liệt với các lực lượng của Nga có ưu thế về quân số cũng như trang thiết bị kỹ thuật, lực lượng của Ukraine chẳng khác gì đánh nhau với hai mắt đều bị bịt kín.

Đáng nói hơn, một số nhân vật thân cận với ông Trump đã có một số cuộc gặp bí mật với các đối thủ chính trị của ông V.Zelensky! Chính những cuộc gặp này khiến cho nhà lãnh đạo Ukraine “lạnh gáy”.

Từ đây xuất hiện hai khả năng.

Khả năng lớn là Mỹ và Ukraine sẽ nối lại các cuộc đàm phán để tiến tới ký kết một thỏa thuận về khoáng sản, tiếp đó là bàn thảo những hình thức của một văn bản thỏa thuận với phía Nga để ngừng bắn, chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình. Ông Trump đã “khoe” với Quốc hội Mỹ rằng, ông V. Zelensky đã gửi cho ông một bức thư thể hiện mong muốn được nối lại các cuộc đàm phán.

Cả hai phía đều có những lý do rất căn bản để đi theo hướng này: với Mỹ là nguồn khoáng sản trị giá tới 1.000 tỷ USD, là bớt đi những khoản viện trợ khổng lồ cho Kiev; còn với Ukraine, đây không chỉ là chuyện bất đồng cá nhân mà là chuyện sinh tử, bởi nguồn viện trợ quân sự của Mỹ mang tầm quan trọng sống còn đối với Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

Trong trường hợp Mỹ rút dần sự hỗ trợ đối với Kiev do ông V. Zelensky không chịu thỏa hiệp thì khi ấy, một nhân tố chính khác sẽ bước lên sân khấu chính trị: châu Âu.

Mất đi sự hỗ trợ quan trọng của Mỹ, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ đơn thuần là câu chuyện của châu Âu. Câu hỏi đặt ra là liệu châu Âu có thể thay thế được hoàn toàn vai trò của Mỹ để hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga hay không?

Việc châu Âu đỡ lấy gánh nặng hỗ trợ vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine là một thử thách nặng nề. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, hiện tại Mỹ chi 3,4% GDP cho quốc phòng, trong khi các thành viên NATO chi trung bình 1,9%GDP, thấp hơn 60% so với Mỹ. Sự thiếu hụt ngân sách cho quốc phòng hẳn nhiên sẽ khiến gánh nặng hỗ trợ cho Ukraine trở nên nặng nề hơn.

Tính tổng số vũ khí trang thiết bị quân sự mà Ukraine đang sử dụng trong cuộc xung đột, Ukraine sản xuất được 55%, Mỹ 20%, châu Âu khoảng 25%. Nếu Mỹ rút, khoản 20% đó sẽ được chuyển sang châu Âu và năng lực sản xuất quốc phòng của nhiều nước châu Âu không thể đáp ứng được khoản tăng lên này. Quan trọng hơn là Mỹ cung cấp cho Ukraine những vũ khí thiết yếu như tên lửa Patriot, hệ thống tên lửa chiến thuật tầm ngắn ATACMS, các hệ thống trinh sát giám sát tình báo, hệ thống internet vệ tinh Starlink. Đó là những hạng mục mà châu Âu hiện chưa thể đảm đương được.

Sự không đồng bộ giữa các thành viên châu Âu cũng gây nên trở ngại lớn trong việc chi viện cho Ukraine. Các quốc gia châu Âu vẫn thích đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng và lực lượng vũ trang của riêng họ, thay vì hợp tác để tiêu chuẩn hóa vũ khí. Mặc dù chi tiêu ít hơn Mỹ nhưng các nước EU được cho là sở hữu khoảng 178 hệ thống vũ khí khác nhau, nhiều hơn 148 hệ thống so với Mỹ. Theo đánh giá bi quan của một số chuyên gia, nếu thiếu sự hỗ trợ của Mỹ mà chỉ có châu Âu đứng phía sau, Ukraine chỉ trụ được đến mùa hè 2025…

Cuộc đấu khẩu ở Nhà Trắng đã vang vọng qua bên kia Đại Tây Dương, để lại những hệ lụy không nhỏ cho cuộc xung đột Ukraine. Giải quyết những hệ lụy này có lẽ là nhiệm vụ khó khăn không chỉ của Kiev mà còn của toàn bộ phần châu Âu đang đứng về phía Ukraine để chống lại Nga.