Bình luận

Hy vọng mong manh

Tả xung hữu đột
Khói bốc lên sau vụ không kích của Israel vào khu vực Tayouneh, Beirut, Lebanon ngày 15/11/2024. Ảnh | Reuters/Mohammed Yassin
Khói bốc lên sau vụ không kích của Israel vào khu vực Tayouneh, Beirut, Lebanon ngày 15/11/2024. Ảnh | Reuters/Mohammed Yassin

Cuối cùng thì từ 4 giờ sáng ngày 27/11 theo giờ địa phương, Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã bắt đầu thực hiện lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận được ký kết giữa hai bên với sự trung gian của Mỹ và Pháp.

Israel sẽ rút khỏi miền nam Lebanon trong vòng 60 ngày, trong khi lực lượng Hezbollah sẽ rời khỏi các vị trí ở miền nam Lebanon để di chuyển về phía bắc sông Litani, cách biên giới Israel khoảng 30km về phía bắc.

Cũng theo thỏa thuận, từ 4 giờ sáng 27/11, Chính phủ Lebanon có trách nhiệm ngăn chặn Hezbollah và tất cả các nhóm vũ trang khác trên lãnh thổ Lebanon thực hiện bất kỳ hoạt động nào chống lại Israel.

Đổi lại, Israel sẽ không thực hiện bất kỳ hoạt động quân sự tấn công nào nhằm vào các mục tiêu của Lebanon, bao gồm cả mục tiêu dân sự, quân sự hoặc các mục tiêu khác trên lãnh thổ Lebanon bằng đường bộ, đường không hoặc đường biển.

Thỏa thuận này, nếu được thực hiện nghiêm chỉnh, sẽ giúp cho Israel thoát ra khỏi tình trạng “tả xung hữu đột”, một mình quay cuồng chống lại cả Hamas ở phía nam lẫn Hezbollah ở phía bắc, chưa kể các cuộc tấn công của Houthi ở Yemen, rồi những vụ không kích, bắn tên lửa qua lại với Iran trong thời gian qua.

Tình trạng một mình tả xung hữu đột chống lại cả thế giới Arab ấy của Israel đã bắt nguồn từ sự kiện bi thảm lực lượng Hamas bất thần tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới vào Israel ngày 7/10 năm ngoái, khiến gần 1.200 người Israel thiệt mạng, bắt đi gần 200 con tin.

Không chỉ đối đầu với các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực, Israel còn trực tiếp xung đột quân sự với Iran.

“Những ngày sám hối”

Gần một tháng sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Tehran vào một số địa điểm ở Israel, người ta đã chứng kiến đòn tấn công trả đũa mang mật danh “Những ngày sám hối” của Tel Aviv nhằm vào Iran. Hơn 100 máy bay, kể cả tiêm kích F-35 của Israel đã bắn lửa nhằm vào khoảng 20 mục tiêu, gồm các địa điểm sản xuất, phóng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV), cũng như các khẩu đội phòng không ở các căn cứ quân sự của Iran.

Phát biểu tại một sự kiện sau khi vụ tấn công xảy ra, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Tel Aviv đã đạt được mục tiêu trong đợt tập kích các cơ sở quân sự Iran. “Cuộc tấn công Iran là chính xác và mạnh mẽ, đã giành được tất cả các mục tiêu đề ra. Iran đã tấn công Israel với hàng trăm quả tên lửa đạn đạo và họ đã thất bại. Chúng tôi đã giữ lời. Không quân Israel tấn công Iran, gây tổn hại cho khả năng sản xuất tên lửa của họ” - ông Benjamin Netanyahu nói.

Lực lượng phòng không Iran cho biết Israel đã tấn công các mục tiêu quân sự ở 3 tỉnh Tehran, Khuzestan và Ilam của Iran, tuy nhiên, “hệ thống phòng không tích hợp đã theo dõi và ngăn chặn thành công hành động hung hăng này, thiệt hại chỉ giới hạn ở một số địa điểm và quy mô của sự cố này đang được điều tra”.

“Thiệt hại giới hạn” mà phía Iran nêu ra sau cuộc tập kích của Israel là chỉ “một vài hệ thống radar của nước này hư hại”. Tuy vậy, sau đó, phía Iran công bố rằng vụ tấn công đã gây thiệt hại về người, tuy không lớn lắm, cho quân đội Iran. Theo tuyên bố chính thức của quân đội Iran, 2 binh sĩ nước này đã thiệt mạng khi các lực lượng Iran chống lại “đạn pháo” từ phía Israel.

Tổng thống Iran, ông Masoud Pezeshkian đã gửi lời chia buồn đến gia đình của 4 thành viên lực lượng phòng không Iran thiệt mạng trong vụ tấn công của Israel vào nước này. “Các kẻ thù của Iran nên biết rằng, những người dũng cảm này đang đứng lên bảo vệ đất nước của họ một cách không sợ hãi và sẽ đáp trả bất kỳ hành động ngu ngốc nào bằng sự khôn ngoan và thông minh”, ông Pezeshkian viết.

Những cuộc “trả đũa” luẩn quẩn

Chiến dịch không kích trực diện của Israel nhằm vào các mục tiêu quân sự của Iran là một nấc thang nữa trong cái vòng xoáy luẩn quẩn “tấn công - trả đũa” không lối thoát giữa một bên là Israel, một bên là Iran cùng với các lực lượng ủy nhiệm như Hamas ở dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen.

Chính thức mà nói, “Những ngày sám hối” là để Tel Aviv trả đũa vụ Iran bắn khoảng 180 quả tên lửa vào lãnh thổ Israel- mà theo tuyên bố của nước này, là để đáp trả các cuộc không kích của Israel ở Lebanon khiến thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của nhóm này thiệt mạng, đặc biệt là vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, Ismail Haniyeh, một vị khách của Iran, ở ngay thủ đô Tehran vào tháng 7.

Lực lượng Hezbollah ở Lebanon liên tục bắn pháo vào miền bắc Israel, buộc dân Israel ở khu vực này phải rời bỏ nhà cửa chạy đi lánh nạn, là để chia lửa với Hamas đang bị quân đội Israel tấn công tới tấp ở dải Gaza.

Hamas lý giải vụ tấn công ngày 7/10/2023 là để trả đũa việc Israel “xúc phạm” nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem cũng như cáo buộc Tel Aviv đã giết và làm bị thương hàng trăm người Palestine kể từ đầu năm 2023.

Cùng chia lửa với Hamas ở dải Gaza còn có lực lượng Houthi ở Yemen. Chiếm giữ một vị trí trọng yếu ở lối vào Biển Đỏ, lực lượng này có khả năng khống chế một trong những tuyến hàng hải quan trọng và nhộn nhịp nhất thế giới, tấn công các tàu thương mại liên hệ đến Israel ở Biển Đỏ, sau đó là các tàu được cho là có liên quan tới Mỹ và phương Tây.

Do khoảng cách địa lý khá xa hơn 2.000 km nên thi thoảng lực lượng Houthi mới tấn công bằng tên lửa trực tiếp vào lãnh thổ Israel, như vụ ngày 28/9 phóng một tên lửa đạn đạo nhằm vào sân bay Ben Gurion, miền trung Israel, gần thời điểm máy bay chở Thủ tướng Benjamin Netanyahu tới đây.

Để trả đũa, Israel mở đợt tập kích đường không, dùng hàng chục phi cơ của không quân, gồm chiến đấu cơ, máy bay tiếp dầu, máy bay trinh sát tập kích mục tiêu Houthi ở khu vực Ras Issa và Hodeidahn của Yemen, gồm các nhà máy điện và một cảng được dùng để nhập khẩu dầu. Thông điệp được phía Israel đưa ra là không có khoảng cách nào quá xa cho một đòn trả đũa!

Toàn bộ những động thái luẩn quẩn này chỉ xoay quanh hai chữ “trả đũa”. Cứ sau một động thái tấn công của một bên lại đến lượt bên kia trả đũa, không bên nào chịu thỏa hiệp trước và tiếp tục kéo các bên vào một vòng xung đột mới.

Nguy cơ tan vỡ

Trong bối cảnh căng thẳng cực độ của những vụ trả đũa lẫn nhau giữa Israel với các đối thủ, thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Israel với phong trào Hezbollah khiến người ta hy vọng là tình hình có thể dần lắng dịu, tiến tới thiết lập một nền hòa bình ở Trung Đông.

Nhưng chỉ chưa đầy một tuần sau khi đạt được thỏa thuận, nguy cơ tan vỡ đã hiển hiện.

Bởi trong gần một tuần, cả Israel và Hezbollah đều cáo buộc nhau có những hành vi khiêu khích. Chủ tịch Quốc hội Lebanon, Nabih Berri cho biết, trong một tuần lễ kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực, Beirut đã ghi nhận ít nhất 54 vụ vi phạm của Israel.

Đáp lại, Israel phủ nhận các cáo buộc vi phạm thỏa thuận, tuyên bố rằng các cuộc không kích của Tel Aviv chỉ nhằm ngăn chặn những hoạt động của Hezbollah mà họ cho là vi phạm lệnh ngừng bắn. Theo Ngoại trưởng Israel, ông Gideon Saar, việc Hezbollah vận chuyển vũ khí về phía nam sông Litani là hành vi vi phạm thỏa thuận. Về phần mình, Hezbollah đã bắn tên lửa về phía Israel và tuyên bố đây là cách họ trả đũa việc Tel Aviv liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn.

Các nhà ngoại giao Pháp cho rằng, Israel đã vi phạm các điều khoản ngừng bắn trong ít nhất 52 vụ việc. Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein, người làm trung gian cho lệnh ngừng bắn cũng cảnh báo Israel về những cáo buộc vi phạm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết, Mỹ, Pháp, Israel và Lebanon đang tham gia một cơ chế để điều tra và giải quyết các báo cáo về vi phạm, đồng thời lưu ý thêm rằng các giai đoạn đầu ngừng bắn thường mong manh nhưng đã thành công trong việc giảm bạo lực.

Khi mà không có các chế tài đủ mạnh, cũng như không có một cơ chế giám sát khách quan, việc thực hiện một cách toàn diện thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa Israel và Hezbollah đúng là vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, nước Mỹ đang hối hả chuẩn bị cho ngày ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng, khó có thể quan tâm đầy đủ đến những diễn biến ở Trung Đông. Nếu có bất cứ một động thái quyết liệt nào đó từ Washington nhằm giảm bớt căng thẳng thì có lẽ người ta phải chờ đến sau ngày 20/1/2025, ngày ông D.Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Và mặc dù đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah nhưng Israel còn phải đối mặt với nguy cơ trả đũa từ Hamas ở dải Gaza. Lực lượng này vẫn đang nắm giữ hàng trăm con tin Israel và mặc dù bị Israel giáng cho những tổn thất nặng nề về nhân lực lãnh đạo, nhưng không dễ gì từ bỏ các mục tiêu đã giúp cho họ có tính chính danh trong con mắt của người Palestine và Ả rập...

Với hàng loạt cáo buộc và hành động nhằm vào nhau, Israel và Hezbollah đang khiến tình hình trở nên căng thẳng. Nếu thỏa thuận đổ vỡ, viễn cảnh về một nền hòa bình trong khu vực trở nên xa vời hơn bao giờ hết.