Bản sắc

Trùng Khánh - quen mà lạ

Trùng Khánh là một thành phố gây nhiều ngạc nhiên cho du khách, từ hệ thống giao thông chằng chịt, hiện đại và phức tạp cho đến kiến trúc nhà nhiều tầng lớp dựa trên thế núi, từ nhịp sống hối hả của một đô thị sầm uất, năng động cho đến không gian êm ả, lặng lẽ ở những cổ trấn tuyệt đẹp, nơi thời gian như lắng đọng từ nghìn năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Trùng Khánh, nơi hợp lưu của sông Dương Tử và Gia Lăng
Thành phố Trùng Khánh, nơi hợp lưu của sông Dương Tử và Gia Lăng

Nhắc tới thành phố núi đặc biệt này, có lẽ không ai không nhớ hình ảnh đoàn tàu chạy xuyên qua một tòa nhà cao tầng tựa như trong phim. Được đưa vào sử dụng từ năm 2006, đến nay Ga tàu Lý Tử Bá ở phố Lý Tử Bá, quận Du Trung, trở thành một hình ảnh đặc trưng của thành phố và cũng là một điểm check-in rất được ưa thích. Tuy nhiên ít ai biết được câu chuyện đằng sau công trình đáng kinh ngạc này.

Ông Diệp Thiên Nghĩa, Tổng công trình sư phụ trách công trình này từng chia sẻ với báo chí rằng đây là một “tai nạn” khi phải tiếp nhận một công trình hai trong một chưa từng có tiền lệ. “Vào thời điểm đó, chúng tôi đảm nhận việc thiết kế tòa nhà dân cư tại đây. Trong lúc đó, theo kế hoạch, tuyến đường sắt hạng nhẹ đầu tiên của Trùng Khánh cũng sẽ xây dựng một nhà ga ở Lý Tử Bá”. Sau nhiều thời gian bàn thảo, tranh cãi, họ quyết định việc xây dựng đường sắt và tòa nhà sẽ được tiến hành cùng lúc, và ga tàu trên cao sẽ được đặt trong lòng chung cư.

Trùng Khánh - quen mà lạ ảnh 1

Ga tàu Lý Tử Bá nhộn nhịp du khách check-in

Ga tàu và tòa nhà được kết cấu hoàn toàn tách biệt, nhà ga không mượn hệ thống chịu lực của tòa nhà mà toàn bộ cọc đỡ đường ray đều được đóng thẳng xuống móng. Mặt khác do đường ray đơn sử dụng các thiết bị ít gây ồn và rung lắc nên hầu như không ảnh hưởng tới tòa nhà cũng như cư dân sống trong đó. Ga tàu chiếm trọn từ tầng 6 đến tầng 8, trong khi cửa hàng từ tầng 1 tới tầng 5, còn từ tầng 9 đến tầng 19 là căn hộ chung cư. Được đưa vào sử dụng năm 2006, ga tàu Lý Tử Bá dần trở thành điểm du lịch được ưa thích của du khách tới Trùng Khánh. Chính quyền thành phố đã cho xây dựng một đài quan sát rộng 1.200 mét vuông ở đường đối diện kế bên sông Gia Lăng để du khách có cơ hội thỏa sức nhìn ngắm cảnh tàu ra vào tòa nhà, cũng như khung cảnh thơ mộng tuyệt đẹp của thành phố hai bên bờ sông. Khu vực đài quan sát khi chúng tôi tới đã khá đông người tới chụp ảnh, quay phim. Mỗi khi có đoàn tàu đi và xuyên qua tòa nhà, không thiếu tiếng trầm trồ ngạc nhiên và nhiều người tranh thủ tới gần sát đường để có được góc chụp ưng ý nhất. Ga tàu cũng được sửa chữa nâng cấp trang bị điều hòa, cửa kính từ trần tới sàn và hệ thống đèn nhấp nháy khi tàu ra vào tăng trải nghiệm cho khách.

Nói đến Trùng Khánh, cũng không thể không nói tới hệ thống đường sá hiện đại và phức tạp bậc nhất ở Trung Quốc. Do địa hình thành phố có tới hơn 70% diện tích là núi, là nơi hợp lưu của hai con sông lớn là Dương Tử và Gia Lăng, nên tuy dân đông (hơn 32 triệu người) nhưng quỹ đất hạn hẹp, không gian đô thị lại phân tán ảnh hưởng rất nhiều đến việc xây dựng hạ tầng. Đặc sản giao thông ở đây là các bậc thang nhiều đến chóng mặt, hàng nghìn cây cầu, đặc biệt là hệ thống đường giao thông cao thấp chằng chịt, khiến du khách lắm lúc thấy mình như trong ma trận. Đi trên đường, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những đường cao tốc nhiều tầng đan dệt nhộn nhịp xe cộ qua lại, đường tàu hỏa tàu chạy ầm ầm phía trên đầu hay phía dưới chân. Cũng phải nói thêm rằng cũng chính vì địa hình đặc biệt như vậy nên Trùng Khánh có hệ thống đường sắt nội đô rất phát triển, tổng chiều dài lên tới hơn 500 km trong đó đường bắc qua sông và xuyên qua núi có lẽ dài nhất ở Trung Quốc. Tầng trên cùng một tòa nhà có thể đi ra một đường trong khi tầng dưới cùng lại là một con đường khác. Chưa kể các tầng ngẫu nhiên cũng có thể thông ra một con đường nào đó. Nút giao thông Hoàng Giác Loan với 5 tầng đường, 20 làn xe chạy theo 8 hướng có thể không phải ai cũng được trải nghiệm khi đi Trùng Khánh, nhưng chứng kiến cảnh cao tốc nhiều tầng hay đi vào một tầng và đi ra ở tầng khác hoàn toàn không hiếm gặp.

Trùng Khánh - quen mà lạ ảnh 2

Đường giao thông nhiều tầng- một đặc sản của Trùng Khánh

Đó chính là trải nghiệm khi chúng tôi tới phố cổ Hồng Nhai Động, một khu nhà tại địa danh có lịch sử hàng nghìn năm. Nói là “động” nhưng kỳ thực đây là khu phức hợp thương mại-du lịch-khách sạn sôi động với kiến trúc tinh xảo, tiêu biểu cho văn hóa truyền thống Bayu ở Trùng Khánh. Khu nhà 11 tầng gồm nhiều tòa nhà sàn nối liền nhau tựa vào vách núi, trông ra sông Gia Lăng và nếu bạn đi vào tầng trên cùng từ một con phố nhộn nhịp thì sau khi trải nghiệm hết 11 tầng, bạn sẽ ở tầng 1 trên một con phố sôi động khác và nếu băng qua bên kia đường đứng sát bờ sông, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh khu nhà lộng lẫy ánh sáng vàng rực rỡ trong đêm, những dãy đèn lồng đỏ hút mắt với kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại. Những tín đồ của xưởng phim Ghibli Nhật Bản có thể thấy khu nhà này tựa như từ bộ phim Vùng đất linh hồn nổi tiếng ra ngoài đời thật vậy.

Nơi đây có đa dạng những trải nghiệm về văn hóa, giải trí, nghỉ ngơi, trải nghiệm ẩm thực, giao lưu mua bán đồ ăn uống, đồ thủ công, lưu niệm… được chia thành các khu vực với mục đích khác nhau. Tuy nhiên, cảm nhận ban đầu khi bước chân vào đây lúc tòa nhà đã lên đèn là những lối đi hẹp chật kín khách và có phần hỗn loạn. Ai ai cũng hối hả mua bán, ăn uống, trò chuyện, chụp ảnh hay đơn giản tản bộ ngó qua dãy nhà hàng, quán ăn truyền thống san sát với những đầu bếp trình diễn các món ăn đa dạng tới tham gia không khí sôi động của các quán bar, mua sắm mấy món đồ thủ công lạ mắt hay chụp mấy tấm ảnh “siêu thực” trong bộ cổ trang... Nhưng chỉ cần tách ra khỏi không gian đó một chút, tựa bên lan can nhìn xuống phố xá nhộn nhịp dưới chân hay phóng tầm mắt ra sông, quả thật đó là một cảnh đêm thơ mộng với cây cầu Thiên Tử Môn như một chiếc khăn đỏ lấp lánh các dải đèn màu vắt ngang sông và phía dưới vô số những du thuyền đầy khách giăng đèn từ từ chạy.

Trùng Khánh - quen mà lạ ảnh 3

Hồng Nhai Động về đêm.

Nơi đây vốn là một pháo đài quân sự thời Trung Quốc cổ đại, và đã từng là nơi có thương cảng nhộn nhịp. Đến những năm 1940 những ngôi nhà sàn bắt đầu được mọc lên tại đây, sau năm 2000 cả khu vực được chính phủ quy hoạch và xây dựng lại giữ diện mạo đến bây giờ. Khu du lịch-thương mại này trở thành một điểm hút khách không chỉ vì cảnh quan hấp dẫn mà còn vì những hoạt động đa dạng khiến du khách có được nhiều trải nghiệm thú vị.

Không chỉ có một Trùng Khánh hiện đại, hối hả, những người thích không gian trầm mặc, êm ả và những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Trung Quốc có thể đến với Từ Khí Khẩu, một cổ trấn hơn nghìn năm tuổi vẫn bảo tồn nguyên vẹn những nếp nhà và nếp sống xưa.

Cách trung tâm thành phố Trùng Khánh 14 km về phía tây, cổ trấn được xây dựng trên một ngọn đồi vốn là một thị trấn buôn bán đồ gốm sứ rất phát triển, đặc biệt trong thời nhà Thanh. Bởi vậy, ngay từ cổng chào vào thị trấn đã ghi tên Từ Khí Khẩu với nghĩa là Cảng đồ sứ. Các ngôi nhà ở đây mang phong cách kiến trúc nhà dân gian Đông Tứ Xuyên chủ yếu xây bằng gỗ và tre, tường sơn trắng và mái ngói xám phía trước treo đèn lồng đỏ. Thường phía trước nhà là khu vực cửa hàng, phía sau xây dựng theo cấu trúc tứ hợp viện, là nơi sinh hoạt của gia đình. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến khu tứ hợp viện Chung gia, nơi còn lưu giữ được rất nhiều đồ cổ từ thời nhà Thanh.

Trùng Khánh - quen mà lạ ảnh 4

Cốt lẩu cay Tứ Xuyên- món ăn nổi tiếng của vùng đất này.

Đi sâu vào trong trấn, bên cạnh con hẻm u tĩnh xen lẫn cây xanh với những quán trà, nơi du khách có thể vừa nhâm nhi đồ uống vừa thưởng thức nghệ thuật kinh kịch Tứ Xuyên hay một bản đàn tỳ bà là con phố buôn bán sôi động với các quán bán đồ ăn, uống, quần áo, trang sức, đồ thủ công… Đặt chân trên những phiến đá tấm cổ xưa, chung quanh rộn rã tiếng mời chào là một cảm giác thú vị như bước vào một phim trường cổ trang. Vô số món ăn vặt như quẩy xoắn tẩm đường, bánh kẹo, mứt, lạc cay tẩm muối tẩm đường… được người bán hàng đặt sẵn trên những chiếc đĩa nhỏ nhiệt tình đưa tận tay khách qua lại mời ăn thử. Chỉ đi dọc con phố một lát miệng đã ngọt lừ và cay tê lưỡi. Mặn, ngọt và cay có lẽ là khẩu vị nổi bật ở vùng Tứ Xuyên này. Dạo qua các quán hàng, có thể thấy những khối cốt lẩu Tứ Xuyên nổi tiếng đỏ rực xếp chồng lên nhau, những rẻo thịt khô màu nâu sẫm thơm mùi gia vị treo lủng lẳng khắp cửa hàng, thậm chí có cả một chú bò yak nhồi hùng dũng án ngữ đằng trước, những món dưa muối, món trộn chất có ngọn trong những chiếc chậu lớn đỏ rực ớt, quán mì với chiếc nồi nghi ngút khói và thực khách húp xì xụp. Bên cạnh là cửa bán tranh chữ, đồ chơi, quần áo... Bất cứ ai đến đây cũng như được đắm chìm trong không khí, nhịp điệu của một cổ trấn sống động, đầy màu sắc và hương vị thấm đẫm mọi giác quan. Trong dòng người mua bán tấp nập, bên một hiên nhà vẫn có mấy cụ ông thảnh thơi ngồi đánh cờ trò chuyện...

Nói đến Từ Khí Khẩu, người ta thường nhắc đến tháp Báo Luân, đền Văn Xương hay Học viện Hoàng Gia, những di tích nổi tiếng lưu lại bề dày lịch sử nghìn năm nhưng có lẽ sức hút lớn nhất ở nơi đây chính là cuộc sống yên ả, chậm rãi và đầy hương vị của một cổ trấn xưa cũ nhưng đầy sức sống nội tại.

Trùng Khánh - quen mà lạ ảnh 5

Cửa hàng trong cổ trấn.