Một không gian ấm áp, an toàn
Tổ chức cha mẹ phi lợi nhuận Himawari mở Quán ăn Beanstalk cho tất cả mọi người ba lần một tháng tại thành phố Takamatsu tỉnh Kagawa. 27 gia đình, nhân viên và những người khác vui vẻ chuyện trò tạo nên không khí sôi động. Ngoài 50 suất ăn đóng hộp với sủi cảo được cung cấp miễn phí bởi chuỗi cửa hàng Gyoza no Osho, nhân viên của nhóm còn chế biến các món cơm thịt băm với giá từ 100 đến 200 yên mỗi suất. Du khách cũng có thể mang về nhà gạo miễn phí và các hàng hóa khác do nông dân và những người khác quyên góp. Rin Hiraoka, sinh viên và là nhân viên tình nguyện, cho biết: “Đây không chỉ là nơi ăn uống mà còn là nơi dành cho tất cả mọi người”. Takemi Sakikawa, một nhân viên công ty đang bận rộn với con gái 1 tuổi của mình chia sẻ, tôi đã nói chuyện với nhân viên và nhận lời khuyên về cách nuôi dạy con cái”.
Tại tỉnh Kagawa, Hội đồng phúc lợi xã hội tỉnh vào năm 2019 đã bắt đầu vận hành một mạng lưới hỗ trợ tương lai của trẻ em, qua đó hỗ trợ thành lập các nhà ăn dành cho trẻ em. Ngoài việc kết nối cơ sở vật chất, các tình nguyện viên, tổ chức còn sắp xếp các khoản quyên góp thực phẩm và tài chính từ các doanh nghiệp.
Được thành lập lần đầu tiên tại phường Ota của Tokyo vào năm 2012, kodomo shokudo - nhà ăn dành cho trẻ em đã thu hút được sự chú ý rộng rãi vào khoảng năm 2015-2016 như một biện pháp ứng phó với tình trạng nghèo đói ở trẻ em Nhật. Theo thời gian, những quán ăn tự phục vụ này đã phát triển thành không gian cộng đồng thúc đẩy sự trao đổi giữa nhiều thế hệ, hỗ trợ không chỉ những trẻ em đang gặp khó khăn kinh tế mà cả những trẻ em đang muốn giao lưu tương tác. Được điều hành bởi tư nhân và thiếu sự hỗ trợ pháp lý chính thức, những sáng kiến này thường dựa vào tình nguyện viên và hoạt động một cách hạn chế. Tuy vậy ước tính các nhà ăn cho trẻ em đón khoảng 19 triệu lượt khách mỗi năm, trong đó có gần 13 triệu trẻ em. Một cuộc khảo sát của tỉnh Osaka năm 2023 cho thấy 11,6% học sinh lớp năm đã đến một quán ăn miễn phí. Tokyo dẫn đầu cả nước với 1.160 nhà ăn cho trẻ em. Trong khi khu vực thành thị chiếm ưu thế với số lượng lớn các quán ăn tự phục vụ thì khu vực nông thôn đang có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong đó Tokushima đạt mức tăng trưởng gần 50% hàng năm trong bốn năm liên tiếp.
Công ty chuyên hỗ trợ các quán ăn tự phục vụ cho trẻ em trên khắp nước Nhật mang tên Musubie có trụ sở tại Tokyo công bố, vào tháng 12/2024 có khoảng 10.866 quán ăn tự phục vụ trên toàn quốc, tăng 1.734 quán so với năm trước và còn nhiều hơn cả số trường trung học cơ sở công lập (khoảng 9.200).
Được thành lập vào năm 2018, Công ty phi lợi nhuận Musubie không tự điều hành một quán ăn tự phục vụ nào. Thay vào đó, nó đóng vai trò trung gian cho các tập đoàn và cá nhân, những người muốn hỗ trợ các nhà ăn cho trẻ em, cũng như giúp đỡ mạng lưới này vận hành và đáp ứng nhu cầu tài trợ của họ. Musubie đã hỗ trợ hơn 12 nghìn tổ chức với tổng số tiền là 1 tỷ yên tính đến năm 2022. Chủ tịch Musubie Makoto Yuasa chia sẻ, những đứa trẻ thường xuyên ghé thăm nhà ăn cho trẻ em có thể coi nơi đây là một không gian an toàn, nơi chúng chia sẻ cảm xúc và thảo luận về các vấn đề của mình cũng như vui chơi và thư giãn. Mặt khác, nhà ăn không chỉ phục vụ trẻ nhỏ, ở một số nơi, người cao tuổi có thể chiếm một tỷ lệ lớn trong số người tham dự. Khi dân số và không gian tương tác xã hội ở Nhật Bản đều giảm, các nhà ăn này không chỉ cung cấp không gian cho trẻ em mà còn xây dựng mối quan hệ đa thế hệ giữa các cộng đồng. “Nhà ăn dành cho trẻ em là nơi mọi người có thể kết nối với xã hội trong thời gian bình thường. Trong trường hợp có thảm họa lớn, chúng trở thành nơi mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau” - ông nói.
![]() |
Bữa ăn tại nhà ăn dành cho trẻ em ở phường Nishinari, Osaka do Trung tâm chăm sóc trẻ em Nishinari vận hành. Ảnh | Mainichi |
Công ty FamilyMart có trụ sở tại Tokyo kể từ tháng 4/2019 đã vận hành Nhà ăn dành cho trẻ em FamilyMart tại không gian ăn uống trong các cửa hàng tiện lợi của mình. Các hoạt động này tuy sau đó bị tạm dừng do đại dịch, nhưng cho đến nay đã thu hút khoảng 7.700 người tham gia. Sau khi ăn, các em còn có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm như học cách sử dụng máy tính tiền và trưng bày sản phẩm.
Hỗ trợ trẻ em nước ngoài
Các quán ăn dành cho trẻ em có nguồn gốc nước ngoài cũng có chỗ đứng riêng, bởi nó hỗ trợ cung cấp thực phẩm và sự thoải mái cho những đứa trẻ có thể cảm thấy bị cô lập bởi rào cản ngôn ngữ hoặc sự khác biệt văn hóa.
Những đĩa đồ ăn chất đầy gà rán, mì gạo, cơm chiên và nhiều món khác được xếp thành hàng tại một sự kiện quán ăn dành cho trẻ em được tổ chức gần ga JR Hakata ở Fukuoka. Thực đơn tại nhà hàng Nhật Bản được viết bằng cả chữ hiragana và tiếng Anh trên bảng trắng. Chị Bùi Thị Thu Sang, người Việt, trò chuyện với trẻ em và phụ huynh bằng tiếng Nhật, tiếng Việt và tiếng Anh. Khoảng 15 trẻ em gốc nước ngoài đã đến thăm quán ăn vào ngày hôm đó, một số có bố mẹ là người Việt Nam và một số có bố là người Nepal và mẹ là người Nhật.
Các sự kiện hỗ trợ thực phẩm tại nhà ăn dành cho trẻ em do Hiệp hội cư dân quốc tế Fukuoka tổ chức. Chị Thu Sang, Chủ tịch hiệp hội sang Nhật Bản du học cách đây hơn 10 năm. Sau một thời gian, chị nhận thấy nhiều bạn cùng lớp của mình cả ngày bận bịu công việc trong lúc con cái của họ chủ yếu ở nhà một mình. Với hy vọng hỗ trợ những em nhỏ này, chị quyết định mở một quán ăn tự phục vụ để cung cấp bữa ăn và là nơi tụ tập cho các em. Ba năm trước, chị bắt đầu tổ chức các sự kiện dành cho trẻ em người nước ngoài tại một nhà hàng Việt Nam. “Tôi muốn các con cùng học, cùng ăn và chơi cùng nhau”, chị nói. Kandel Abhishek, 13 tuổi, từ Nepal đến Nhật cùng cha mẹ ba năm trước, ban đầu gặp khó khăn về ngôn ngữ không thể theo kịp việc học. Tham gia sự kiện này giúp cậu bé được gặp gỡ nhiều bạn nhỏ, thưởng thức nhiều loại món ăn từ nhiều quốc gia khác nhau và kỹ năng tiếng Nhật được cải thiện.
![]() |
Một bữa ăn của trẻ em ở quán ăn miễn phí. Ảnh | Nippon |
Theo Musubie, những nhà ăn dành cho trẻ em như vậy đang gia tăng, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Giáo sư Eriko Suzuki tại Đại học Kokushikanm cho biết: “Điều quan trọng là kết nối cư dân nước ngoài với xã hội Nhật Bản”. Ông Suzuki cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một hệ thống trong đó người Nhật có thể dễ dàng tham gia vào các quán ăn tự phục vụ dành cho trẻ em do cộng đồng người nước ngoài điều hành, đồng thời xem xét nhu cầu ăn uống theo các tôn giáo khác nhau cũng như cách viết thông tin bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh giúp những nơi này dễ tiếp cận hơn.
Tuy nhiên, việc các nhà ăn miễn phí mở rộng nhanh chóng đã đối mặt với rất nhiều áp lực. Theo một cuộc khảo sát do Musubie thực hiện vào tháng 7 và tháng 8 năm ngoái, trong số 1.300 tổ chức điều hành nhà ăn dành cho trẻ em, 54,1% cho rằng thiếu vốn và 52,5% cho rằng thiếu nguồn nhân lực là thách thức. Trong lúc đó chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, bao gồm cả thực phẩm và năng lượng. Theo nghiên cứu của Musubie vào năm 2023, chi phí trung bình mỗi buổi của quán ăn tự phục vụ đã tăng khoảng 4.000 yên. Tuy nhiên, họ không muốn tăng giá cho người tham dự. “Hầu hết các nơi đều muốn cung cấp bữa ăn cho trẻ em và người lớn với giá 300 hoặc 500 yên”, ông nói. “Họ tìm cách tự trang trải các chi phí phụ trội”. Ông Yuasa gợi ý rằng thay vì hỗ trợ tài chính - điều mà chính quyền địa phương khó bảo đảm được - họ có thể sử dụng mạng lưới của mình để kết nối những người ủng hộ tiềm năng với các quán ăn tự phục vụ.
Trong tương lai, số lượng nhà ăn dành cho trẻ em có thể sẽ tiếp tục tăng, mang lại lợi ích rất lớn cho cả cộng đồng. Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản đã liên kết với Musubie và 10 công ty thành viên cung cấp thực phẩm, đồ chơi và các vật dụng khác trị giá khoảng 87 triệu yên (khoảng 560.000 USD) cho kỳ nghỉ cuối năm và năm mới.