Xu hướng

Châu Âu: Nan giải mâu thuẫn nhập cư

Khi dân số già hóa làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động, các nước châu Âu phải đề ra những chính sách thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao, trong lúc đó áp lực từ phe cực hữu nhằm hạn chế nhập cư ngày càng tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Đức dừng xe ngẫu nhiên tại biên giới với Đan Mạch trong nỗ lực kiểm soát tình trạng nhập cư bất hợp pháp và bảo đảm an ninh quốc gia. Ảnh | Reuters
Cảnh sát Đức dừng xe ngẫu nhiên tại biên giới với Đan Mạch trong nỗ lực kiểm soát tình trạng nhập cư bất hợp pháp và bảo đảm an ninh quốc gia. Ảnh | Reuters

Siết chặt chính sách nhập cảnh

Tháng 4 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua Hiệp ước về Tị nạn và Di cư mới sau gần một thập niên đàm phán căng thẳng, sau cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 và 2016, trong đó gần 2 triệu người chủ yếu là người tị nạn Syria, đã đến khối này. Hiệp ước nhằm mục đích siết chặt chính sách nhập cư và xây dựng cơ chế tương trợ và phân bổ một cách hợp lý gánh nặng tài chính giữa các nước thành viên, theo thông tin từ Euronews.

Năm nay, mặc dù tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào EU chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 2015 (và giảm hơn 35% trong năm nay so với năm 2023), sự “lên ngôi” của các đảng cực hữu ở một số nước tạo áp lực buộc các chính phủ thể hiện thái độ cứng rắn trong việc hạn chế số lượng người nhập cư.

Tại Pháp, đảng Tập hợp quốc gia (RN) đã mô tả mức độ nhập cư hiện tại là “không thể chịu đựng được”. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cũng chỉ trích chính sách di cư của EU là “vô lý”.

Sự trỗi dậy của đảng cực hữu, phản đối người nhập cư Alternative for Germany (Sự lựa chọn vì nước Đức- AfD) trong các cuộc bầu cử khu vực và vụ tấn công bằng dao ở thị trấn Solingen phía tây nước Đức vào mùa hè đã buộc Đức thắt chặt chính sách tị nạn để hạn chế di cư và bảo vệ an ninh quốc gia. Đức từ lâu được coi là tương đối tự do về vấn đề di cư, gần đây đã áp dụng biện pháp kiểm tra tại tất cả chín cửa khẩu biên giới trên bộ của mình trong sáu tháng kể từ ngày 16/9, một động thái được coi là đe dọa nguyên tắc tự do đi lại ở khu vực Schengen. Bảy quốc gia Schengen khác cũng đã tái áp dụng việc kiểm soát biên giới.

Hà Lan đã công bố cái mà họ gọi là “các quy tắc nhập cảnh nghiêm ngặt nhất trong EU”. Bộ trưởng Tị nạn và Di cư Hà Lan Marjolein Faber ngày 6/12 thông báo nước này sẽ bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới bổ sung từ ngày 9/12, nhằm mục đích giảm dòng người di cư bất hợp pháp vào Hà Lan. Italy mở hai trung tâm ở Albania để giam giữ những người cố gắng vượt biên từ châu Phi sang châu Âu trong lúc Rome xử lý đơn xin tị nạn của họ.

Mười bốn quốc gia thành viên, bao gồm Pháp và Đức, đã ký một lá thư yêu cầu thay đổi mô hình mạnh mẽ về vấn đề di cư. Nhiều quốc gia muốn thấy sự gia tăng đáng kể “tỷ lệ hồi hương” - tỷ lệ những người bị trục xuất sau khi bị từ chối tị nạn, hiện tại chỉ khoảng 1/5. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) tháng 10 vừa qua cũng phản ánh tâm trạng mới, kêu gọi “hành động quyết tâm ở mọi cấp độ để tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường và đẩy nhanh việc hồi hương từ EU bằng cách sử dụng tất cả các chính sách, công cụ và biện pháp có liên quan của EU”.

Châu Âu: Nan giải mâu thuẫn nhập cư ảnh 1

Thuyền hải quân chở người tị nạn bị chặn ở vùng biển Italy cập cảng Shengjin ở Albania vào ngày 16/10. Ảnh | Adnan Beci / AFP

Ưu đãi lao động tay nghề

Tuy nhiên, một số quốc gia, ngay cả những quốc gia có lập trường công khai chống nhập cư, vẫn phải thu hút lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống lớn về lao động và duy trì nền kinh tế ở một lục địa già hóa.

Dân số trong độ tuổi lao động của EU đã giảm từ 269 triệu người vào năm 2012 xuống còn 264 triệu người vào năm 2021. Theo báo cáo “Phân tích tình trạng thiếu hụt lao động và kỹ năng” của Business Europe có trụ sở tại Brussels, dự kiến sẽ mất thêm 35 triệu người vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh rằng những thách thức này có mối liên hệ với nhau. Gần hai phần ba các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khối cho biết họ không thể tìm được nhân tài mà họ cần.

Liên minh châu Âu đã xác định 42 ngành nghề đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và đã đưa ra một kế hoạch hành động để thu hút nhân công từ nước ngoài. Trên thực tế, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là những người cực hữu, đã ủng hộ các thỏa thuận với các nước thứ ba để hạn chế nhập cư hoặc hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp ở nơi khác. Tuy nhiên, thừa nhận nhu cầu chính đáng về người nhập cư để phát triển kinh tế, một số quốc gia đã ban hành các chính sách hấp dẫn với các lao động có tay nghề.

Tại Italy, Chính phủ cực hữu do Thủ tướng Giorgia Meloni lãnh đạo đã quyết định tuyển dụng hàng trăm nghìn lao động nước ngoài để lấp đầy tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Theo thông tin từ chính phủ, trong giai đoạn ba năm 2023-2025, dự kiến sẽ có tổng cộng 452 nghìn người nhập cư, đồng thời thừa nhận rằng con số này ít hơn nhiều so với nhu cầu thực tế là 833 nghìn lao động trong khoảng thời gian đó.

Theo Trung tâm Nghiên cứu IDOS, Italy cần 280 nghìn lao động nước ngoài mỗi năm cho đến năm 2050 để đáp ứng tình trạng thiếu hụt lao động trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch và chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên con số này chỉ bằng một nửa số đơn xin tị nạn được nộp vào năm ngoái. Nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động ở 37 ngành nghề, trong đó y tá và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác là những ngành có nhu cầu cao nhất.

Châu Âu: Nan giải mâu thuẫn nhập cư ảnh 2

40% nhân viên trong Tập đoàn ASML có quốc tịch nước ngoài. Ảnh | ASML

Bộ trưởng Y tế Italy Orazio Schillaci cho biết Ấn Độ có tới 3,3 triệu y tá và Chính phủ gần đây đã thông báo sẽ tuyển dụng 10 nghìn y tá từ Ấn Độ để giúp bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân lực. Ông Maurizio Ambrosini, Giáo sư xã hội học và chuyên gia về di cư tại Đại học Milan, nói với DW rằng chính phủ buộc phải thay đổi chính sách bởi những người sử dụng lao động đang rất cần người lao động.

Còn tại Hà Lan, việc thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp cũng có thể đã ảnh hưởng đến tư duy trong chính phủ Hà Lan mới do Đảng Tự do theo phái cực hữu lãnh đạo. Tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất của đất nước ASML cho biết thành công của tập đoàn phụ thuộc vào những người tài năng, bất kể họ đến từ quốc gia nào. Hiện Tập đoàn có gần 40% nhân viên là lao động nước ngoài, với hơn 100 quốc tịch. Ông Christophe Fouquet, CEO của ASML nói trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh công nghệ Bloomberg ở London :”Thu hút nhân tài từ khắp mọi nơi là điều kiện tuyệt đối để thành công và điều này phải được tiếp tục”.

Hà Lan đã tìm cách miễn trừ hoặc từ chối áp dụng một số quy định về tị nạn của EU vì cho rằng những quy định này chưa đủ cứng rắn để ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Việc chống nhập cư do phe cực hữu duy trì phần nào khiến những lao động có tay nghề cảm thấy ít được chào đón ở đất nước này. Tuy nhiên họ phải thừa nhận thực tế mức độ các công ty cần lao động nước ngoài để duy trì khả năng cạnh tranh. Hà Lan có chính sách giảm nhẹ ưu đãi thuế cho lao động nước ngoài từ 30% xuống chỉ còn 27%. Việc giảm thuế này, dù không nhiều, là một trong những điểm hấp dẫn đối với những thanh niên tài năng- hay “những người di cư tri thức” theo cách gọi của chính phủ - chuyển đến làm việc tại đây.

Năm nay, Đức cấp 200 nghìn thị thực cho những người lao động có tay nghề, tăng 10% so với năm 2023 theo chương trình “Thẻ cơ hội”- giấy phép cư trú cho phép người lao động từ các quốc gia ngoài EU đến Đức tìm kiếm việc làm, được đưa ra vào tháng 6. Hiện hàng năm Đức cần khoảng 400 nghìn lao động có tay nghề để bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe, và nhìn thấy nguồn lao động tiềm năng ở những người Ấn Độ đã qua đào tạo. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức “mở cửa cho những lao động có tay nghề” và tăng thị thực cho người Ấn Độ từ 20 nghìn lên 90 nghìn mỗi năm. Thủ tướng Đức cho biết tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Đức phải “giảm xuống” nhưng cũng nhấn mạnh nhu cầu khẩn thiết của đất nước đối với lao động nước ngoài có tay nghề.

Giáo sư Ambrosini thuộc Đại học Milan cho biết các quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn trong việc dung hòa hai chính sách nhập cư khác nhau, một chính sách kêu gọi “thỏa thuận với các quốc gia trung chuyển như Tunisia hoặc trục xuất (người nhập cư bất hợp pháp) đến các nước thứ ba như thỏa thuận Albania của Italy. Mặt khác, rõ ràng là họ cần người lao động và họ đang đưa ra các chính sách mới để thu hút lực lượng lao động không chỉ có tay nghề mà còn là lao động theo mùa vụ. Đây không phải là bài toán dễ dàng nên cuộc khủng hoảng tị nạn và di cư ở châu Âu vẫn chưa có hồi kết.